Thủ tướng Manmohan Singh (phải) và Thủ tướng Vladimir Putin trong Lễ ký tuyên bố chung tại New Delhi hôm 12/3 |
Trọng tâm hợp tác: quân sự và hạt nhân
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Nga và Ấn Độ đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác trị giá tới hơn 10 tỷ USD, bao gồm các thỏa thuận Nga xây dựng 2 tổ máy với tổng công suất 2.000 MW của Nhà máy điện nguyên tử Kudan-Kulam; phối hợp sử dụng hệ thống thông tin vệ tinh GLONASS của Nga; hợp đồng sửa chữa và hiện đại hóa tàu sân bay "Đô đốc Gorshkov" trị giá 2,3 tỷ USD, thỏa thuận Ấn Độ mua 29 máy bay chiến đấu MiG-29 của Nga trị giá khoảng 1,5 tỷ USD… Nga cũng đạt được thỏa thuận xây dựng 16 lò phản ứng hạt nhân ở Ấn Độ trong tương lai. Theo người đứng đầu cơ quan nguyên tử quốc gia Nga S. Kiriyenko, sáu trong số các lò phản ứng này có thể được khởi công tại Ấn Độ trong thời gian từ năm 2012 đến 2017. Thủ tướng Putin cho rằng, năng lượng hạt nhân là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất và hứa hẹn nhất trong các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước. Ông cũng khẳng định rằng, các lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới ở Nga từng được sử dụng ở một số địa điểm ở Nga và được đánh giá nằm trong số những lò phản ứng an toàn nhất thế giới.
Về vấn đề này, dư luận Ấn Độ đã đánh giá cao sự hợp tác của Nga trong lĩnh vực hạt nhân, lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược về kinh tế và quốc phòng. Trước việc Ấn Độ và Mỹ đã ký thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự, Nga đang cố gắng để lấy lại thế mạnh của mình khi tỏ ý sẵn sàng hợp tác với Ấn Độ trong lĩnh vực làm giàu, tái chế và chuyển giao công nghệ, bảo đảm cung cấp ổn định nhiên liệu cũng như xử lý chất thải hạt nhân và các biện pháp bảo đảm an toàn cho các lò phản ứng của các nhà máy điện nguyên tử Nga giúp Ấn Độ xây dựng.
Ghi điểm
Các cuộc thảo luận cũng đã góp phần quan trọng vào việc xác định các lĩnh vực hợp tác mới và thu hẹp những ý kiến bất đồng trong một số vấn đề trước đây, trong đó có việc Nga nhiều lần tăng giá bán và chậm chuyển giao tầu sân bay Gorshkov khiến New Dehli đã bắt đầu tìm cách đa dạng hoá nguồn cung cấp vũ khí của mình từ Israel và Mỹ…Trong vấn đề này, Mátxcơva đã giành được sự tin cậy của New Dehli khi cam kết không bán vũ khí cho Pakistan, ngược với Mỹ chuẩn bị cung cấp cho đối thủ của Ấn Độ 18 máy bay chiến đấu hiện đại F-16 và bom được dẫn đường bằng tia laser với lý do giúp Islamabad "tăng cường sức mạnh chống Taliban và tổ chức khủng bố khét tiếng Al Qaeda"…
Chuyến thăm Ấn Độ lần này của ông Putin là chuyến thứ 5 và là chuyến đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Nga đã giúp Mátxcơva lấy lại vị thế người bạn tin cậy và nhà cung cấp vũ khí số một của Ấn Độ. Trên cương vị tổng thống trước đây, ông Putin là người có công lớn trong việc thúc đẩy hai nước ký Hiệp định đối tác chiến lược hồi tháng 10/2000. Chuyến thăm này cũng xác định các lĩnh vực hợp tác mới, từ tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, dần chuyển quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước; từ bên mua - bên bán thành quan hệ cùng nghiên cứu, phát triển, sản xuất. Các dự án chế tạo tên lửa BrahMos-tên lửa có tốc độ cao nhất thế giới cũng như máy bay chiến đấu thế hệ 5 là những ví dụ điển hình.
Điểm đặc biệt là, không giống như quan hệ giữa một số quốc gia khác, giữa Nga và Ấn Độ không tồn tại những vấn đề lớn, không có sự nghi kỵ lẫn nhau, điều thường thấy trong quan hệ giữa một số nước lớn khác. Đây là thuận lợi lớn cho hai nước tận dụng mối quan hệ truyền thống tốt đẹp đã có trong lịch sử để xây dựng mối quan hệ đối tác mới trong tương lai.
Hòa Bình