Hệ thống thanh toán kỹ thuật số độc lập, bỏ qua đồng USD - BRICS Bridge "sẽ là một quả bom tấn thách thức hệ thống thanh toán toàn cầu do phương Tây đang chi phối". (Nguồn: mapamundi) |
Đối với Nga, đồng USD ngày càng nguy hiểm. Họ cho rằng, Washington đã làm suy yếu hoàn toàn niềm tin vào đồng USD với vị thế đồng tiền dự trữ toàn cầu, bằng cách sử dụng nó như một công cụ chính trị để áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các nền kinh tế khác. Vì thế, ngày càng nhiều quốc gia, đặc biệt là nhóm BRICS không muốn trở thành "con tin" của Mỹ, đặt mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào đồng USD “càng sớm càng tốt”.
Hệ thống thanh toán kỹ thuật số BRICS Bridge "sẽ là một quả bom tấn thách thức hệ thống thanh toán toàn cầu do phương Tây đang chi phối", là tuyên bố mới đây của Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga (Thượng Viện) Valentina Matviyenko.
“Tôi hy vọng, hệ thống do BRICS sáng tạo ra sẽ trở thành xu hướng - một nền tảng thanh toán quốc tế mà không chỉ các quốc gia BRICS, mà nhiều nền kinh tế khác cũng sẽ tham gia sau này", bà Matviyenko nói, đồng thời lưu ý rằng, vấn đề phát triển một nền tảng thanh toán cũng đang được Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) thảo luận.
Không cần đồng USD của Mỹ
Bà Matviyenko - người được biết là nữ chính trị gia hàng đầu ở Nga cho biết, khối kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới đã đạt được tiến bộ đáng kể trên nền tảng thanh toán kỹ thuật số độc lập BRICS Bridge, như một phần trong nỗ lực cách mạng hóa các giao dịch tài chính toàn cầu.
Tin liên quan |
Giá vàng hôm nay 13/9/2024: Giá vàng thế giới lên 'dựng đứng', vàng nhẫn trong nước giảm, đối mặt với trở ngại trong ngắn hạn |
Tại một cuộc họp báo hồi đầu tháng Tám, bà Valentina Matviyenko cho biết, "việc tạo ra một hệ thống thanh toán tài chính độc lập "BRICS Bridge" trên một nền tảng chung vững chắc, hiện đang được thảo luận trong BRICS. Tôi đã nói chuyện với cả Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chính, mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp. Vấn đề này đang được thảo luận với các đồng nghiệp từ các ngân hàng trung ương và bộ tài chính của tất cả các quốc gia BRICS, bao gồm cả các quốc gia thành viên mới".
Tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS được tổ chức tại Johannesburg vào năm 2023, 6 quốc gia mới gồm Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã được kết nạp thêm vào khối (ban đầu có Nga, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, Nam Phi), cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Nhóm kinh tế này trên trường thế giới.
Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga cho biết thêm, Moscow - với vai trò là chủ tịch BRICS 2024 đóng vai trò là một trong những động lực chính thúc đẩy sự phát triển của BRICS Bridge. "Nếu thành công, chắc chắn đây sẽ là một quả bom tấn nổ trên hệ thống thanh toán toàn cầu, theo nghĩa tốt nhất".
Khẳng định, nền tảng thanh toán kỹ thuật số độc lập BRICS Bridge "không còn chỉ là ý tưởng, mà trong thực tế nó đang tiến triển tốt", bà Matviyenko cập nhật thêm thông tin, các bước tiến tiếp theo của BRICS Bridge có thể tiếp tục được xem xét tại Hội nghị thượng đỉnh của các quốc gia thành viên BRICS ở Kazan, vào tháng 10 tới. "Có thể nó sẽ được các thành viên nhóm chấp thuận ngay, hoặc ít nhất là các cuộc thảo luận sẽ quyết định được thời điểm chính thức và "diện mạo" hoàn thiện của BRICS Bridge", bà nói.
Nhu cầu tạo ra một hệ thống thanh toán nội khối BRICS đã trở nên quan trọng đối với Nga và các đối tác thương mại của nước này, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt cũ kéo dài nhiều năm và liên tiếp bị phương Tây bổ sung các lệnh trừng phạt mới, trong đó là việc Nga chính thức bị ngắt kết nối với SWIFT (Hệ thống liên ngân hàng quốc tế về truyền thông tin và thanh toán toàn cầu).
Bà Matviyenko cho biết, Ngân hàng Nga đã phát triển hệ thống thanh toán riêng của mình và nhiều nền kinh tế khác đã tham gia vào quá trình này. "Điều này cho thấy có ánh sáng ở cuối mọi đường hầm".
Một trong những diễn biến lớn nhất trên "mặt trận" này của BRICS diễn ra vào tháng 7 vừa qua, khi Ấn Độ và Nga công bố quan hệ đối tác mới, theo đó các hệ thống thanh toán tương ứng của họ - RuPay của Ấn Độ và MIR của Nga - sẽ được tích hợp để cho phép các giao dịch xuyên biên giới liền mạch mà không cần đồng USD của Mỹ.
Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Matviyenko cũng tận dụng cơ hội này, để chỉ ra rằng, vị thế của đồng USD đã giảm sút trong những năm gần đây, trong bối cảnh nợ quốc gia của Mỹ không ngừng tăng và ngày càng có nhiều nền kinh tế lựa chọn thực hiện các giao dịch chung bằng đồng tiền quốc gia của họ.
Tất nhiên, không phải tương lai gần
Về BRICS Bridge, đây là một hệ thống thanh toán độc lập hoạt động bằng tiền kỹ thuật số và blockchain - lần đầu tiên được tiết lộ hồi tháng Hai, khi Bộ Tài chính Nga thông báo rằng, Ngân hàng Nga, cùng với một số đối tác BRICS, đang hợp tác để tạo ra nền tảng thanh toán đa phương BRICS Bridge, như một phần trong nỗ lực cải thiện hệ thống tiền tệ toàn cầu - nhấn mạnh đến nhu cầu về một giải pháp thay thế của BRICS cho hệ thống thanh toán SWIFT để giảm sự phụ thuộc vào các tổ chức phương Tây và đơn giản hóa các giao dịch không dùng đồng USD.
"Cuối năm nay, Bộ Tài chính Nga và Ngân hàng Trung ương Nga, cùng với các đối tác trong nhóm sẽ soạn thảo một báo cáo gửi tới các nhà lãnh đạo của các quốc gia BRICS về việc cải thiện hệ thống tiền tệ và tài chính quốc tế, trong đó sẽ bao gồm một loạt các sáng kiến và khuyến nghị", Bộ Tài chính Nga cho biết.
Theo đó, xuất phát từ thực tế nhằm cải thiện hệ thống thanh toán, nền tảng BRICS Bridge là một trong những sáng kiến được đề xuất. Mục tiêu chính là tạo nên một nền tảng thanh toán kỹ thuật số đa phương tiện, sẽ giúp đưa thị trường tài chính của các quốc gia thành viên BRICS lại gần nhau hơn và tăng kim ngạch thương mại trong khối.
Theo Bộ Tài chính Nga, việc các quốc gia thành viên BRICS mới dần hội nhập vào hoạt động của các quỹ tài chính và tăng cường hợp tác ở cấp độ chuyên gia được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024.
Như thông tin được Trợ lý Điện Kremlin Yury Ushakov cho biết hồi tháng Ba, về các kế hoạch của khối, ông gọi việc phát triển hệ thống thanh toán BRICS là "Thỏa thuận dự phòng" và cho biết "việc tạo ra một hệ thống thanh toán BRICS độc lập là một mục tiêu quan trọng trong tương lai, dựa trên các công cụ tiên tiến như công nghệ kỹ thuật số và blockchain".
"Điều quan trọng nhất là hệ thống này này thuận tiện cho chính phủ, người dân và doanh nghiệp, cũng như tiết kiệm chi phí và không liên quan đến chính trị", ông Ushakov cho biết.
Ông Yury Ushakov lưu ý, trong Tuyên bố Johannesburg năm 2023, các nhà lãnh đạo BRICS đã xác định việc các thành viên trong khối cần tăng cường thanh toán bằng đồng tiền quốc gia và củng cố mạng lưới ngân hàng đại lý để đảm bảo cho các giao dịch quốc tế. Bước tiếp theo chủ yếu liên quan đến việc sử dụng các loại tiền tệ khác với đồng USD”.
Hồi tháng 7, bên lề Diễn đàn Hòa bình thế giới lần thứ 12 tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Đại sứ Nga tại Trung Quốc Igor Morgulov cho biết, khối lượng giao dịch của Nga bằng tiền tệ quốc gia với các quốc gia BRICS không ngừng tăng lên. Trong đó, kim ngạch thương mại Nga - Trung Quốc đã đạt 240 tỉ USD và 92% các giao dịch thanh toán được thực hiện bằng đồng Ruble và Nhân dân tệ.
Nga đã đẩy mạnh nỗ lực thay thế đồng USD và Euro trong thương mại nước ngoài trong bối cảnh bị phương Tây áp đặt hàng loạt lệnh cấm vận liên quan chiến dịch quân sự tại Ukraine. Kể từ năm 2022, tỷ lệ các loại tiền tệ từ các nước “không thân thiện” trong hoạt động xuất khẩu của Nga giảm 84,7% xuống còn 17,8%. Hơn 90% khoản thanh toán giữa Nga và các đối tác trong khối Liên minh kinh tế Á-Âu (EEU) đã được thực hiện bằng đồng nội tệ.
“Chúng tôi đang rời bỏ không gian do đồng USD thống trị và phát triển cơ chế, cũng như công cụ cho một hệ thống tài chính thực sự độc lập”, RIA Novosti dẫn lời Đại sứ Morgulov.
Nhấn mạnh rằng, BRICS đang đi theo hướng thiết lập một đồng tiền chung, tuy nhiên, Đại sứ Morgulov thẳng thắn chia sẻ, việc tạo ra đồng tiền chung BRICS là xu hướng tất yếu, nhưng không nên mong đợi những thay đổi trong tương lai gần.
| Giá vàng hôm nay 13/9/2024: Giá vàng thế giới lên 'dựng đứng', vàng nhẫn trong nước giảm, đối mặt với trở ngại trong ngắn hạn Giá vàng hôm nay 13/9/2024: Giá vàng thế giới đã ghi nhận những phiên tăng mạnh mẽ, tiến sát ngưỡng 2.550 USD/ounce.Xu hướng tăng giá ... |
| Giá cà phê hôm nay 13/9/2024: Giá cà phê robusta lại vượt kỷ lục, rút ngắn khoảng cách với arabica; vụ thu hoạch của Việt Nam có thể không đúng hạn Sự sụt giảm nguồn cung cà phê được ghi nhận ở khu vực châu Á, với tổng xuất khẩu của Việt Nam, Ấn Độ và ... |
| Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đề xuất mục tiêu đưa Việt Nam thuộc nhóm từ 30 đến 35 nền kinh tế lớn trên thế giới Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Thường trực Tiểu ban tiếp thu, giải trình và bổ sung nội dung đã được Bộ Chính trị ... |
| Bầu cử Mỹ 2024: Cuộc đối đầu Trump-Harris có giúp xoay chuyển tình thế, lợi thế cho nhà kinh doanh lão luyện hay khơi dậy một 'làn sóng' tươi trẻ? Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump sắp có 90 phút trực tiếp mặt đối mặt trên sân khấu tranh ... |
| Được phương Tây 'đẩy thuyền', Nhân dân tệ hưởng lợi bất ngờ, ông Trump đe dọa các nước từ bỏ USD Các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã thúc đẩy giao dịch đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc lên mức ... |