Nga không kích vào thành cổ Palmyra. (Nguồn: World Bulletin) |
Ngày 26/3, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, không quân nước này đã thực hiện 40 lượt không kích gần Palmyra, nhắm trúng 158 mục tiêu và tiêu diệt hơn 100 phần tử khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Nhiều chuyên gia nhận định, Tổng thống Nga V. Putin đã quyết định yểm trợ trên không cho các lực lượng mặt đất của Chính quyền Syria giành lại thành cổ Palmyra nhằm tiếp cận thành trì Raqqa của IS và biên giới Iraq, từ đó mở rộng gọng kìm của Nga tại Syria.
Tuy nhiên, giống như quân đội Iraq được sự trợ giúp của nước ngoài nhưng chưa từng chiếm được hoàn toàn các thành phố Ramadi hoặc Baiji từ IS, các lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad không thể hy vọng kiểm soát toàn bộ thành phố chiến lược Palmyra. Sau khi rút về phía Đông, các lực lượng IS sẽ tiếp tục làm kiệt sức quân đội Syria và thành cổ này bằng các cuộc đột kích rải rác. Các lực lượng chính phủ sẽ vẫn phải dựa vào sự yểm trợ trên không của Nga.
Câu hỏi lớn được đặt ra sau thắng lợi trên là điều gì khiến Tổng thống Nga Putin giúp Syria giành thắng lợi quân sự mang tính đột phá này, chỉ vài ngày sau khi ông rút lại sự hỗ trợ trên không ở miền Nam Syria để ép ông Assad ủng hộ thỏa thuận Mỹ - Nga về một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Syria?
Hai lợi ích chiến lược
Việc chiếm được thành cổ Palmyra đem lại hai lợi ích to lớn cho Moscow và đồng minh: Một là Palmyra có tầm quan trọng chiến lược với sở chỉ huy của Nga vì việc giành lại thị trấn này sẽ mở đường cho các lực lượng chính quyền Syria đến đại bản doanh Raqqa của IS, nằm cách đó 225km. Hai là Palmyra chính là cánh cổng tới Deir ez-Zour, cách biên giới Iraq 188km về phía Đông Syria.
Đối với Nga, Deir ez-Zour có tầm quan trọng hơn Raqqa vì đây là chìa khóa để kiểm soát thung lũng Euphrates và đường tới Baghdad từ Syria. Những đánh giá này chủ yếu dựa trên các tính toán chiến lược của Moscow nhằm củng cố sự kiểm soát đối với Syria, song ít tác động trực tiếp lên mục tiêu quan trọng hơn của ông Assad là duy trì quyền lực.
Trong khi đó, những rạn nứt giữa Nga và Mỹ về số phận của ông Assad đã xuất hiện, thậm chí trước khi thông cáo chung tại Moscow hôm 25/3 giữa Ngoại trưởng hai nước về đặt thời hạn chót vào tháng Tám tới cho một giải pháp chính trị tại Syria còn chưa ráo mực.
Ngay sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry rời Moscow, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov tuyên bố: "Washington hiện chấp nhận lập luận của Moscow rằng tương lai của ông Assad không nên đưa ra bàn thảo vào lúc này". Tuy nhiên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã lập tức phản bác: "Bất kỳ ý kiến nào về việc chúng tôi đã thay đổi cách nhìn về tương lai của ông Assad đều là sai".
Phải chăng những phát biểu mâu thuẫn trên báo hiệu sự bế tắc nữa giữa Washington và Moscow về tương lai cuộc chiến và nhà lãnh đạo Syria?
Toan tính của cường quốc
Giới phân tích quân sự và tình báo cho rằng, hai cường quốc này đều chấp thuận nguyên tắc ông Assad phải ra đi, nhưng đang cố lèo lái thời điểm để chấm dứt cuộc chiến và chuyển giao quyền lực của nhà lãnh đạo Syria. Mỹ muốn thực hiện sớm, bắt đầu chuyển giao từ tháng Tám năm nay và đưa các nhóm đối lập tại Syria vào những vị trí có ảnh hưởng thực sự.
Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn thể hiện với Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh rằng, ông đã giữ lời hứa hạ bệ ông Assad trước khi rời Nhà Trắng vào tháng 1/2017. Mỹ cũng muốn phe đối lập Syria có vị thế tốt hơn trong thỏa thuận. Tuy nhiên, ông Putin muốn trì hoãn vì còn có vấn đề khác phải giải quyết trước. Sự can thiệp quân sự của Nga đã giúp quân đội Syria cùng các đồng minh Iran và Hezbollah ổn định chỗ đứng và thậm chí giành một số thắng lợi quan trọng trước các lực lượng nổi dậy ở miền Trung và Bắc Syria.
Mặc dù phối hợp toàn diện với nhau, song mối quan hệ thân mật giữa Nga và Iran đã thay đổi do quyết định của Kremlin làm việc với Nhà Trắng để chấm dứt cuộc chiến Syria và kết thúc thời kỳ Assad. Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei nhất quyết phản đối Nga và Mỹ đưa ra quyết định về sự ra đi của ông Assad cũng như lịch trình cho tiến trình này. Ông thậm chí tức giận hơn về cách ông Putin áp đặt Syria và biến nơi đây thành sân nhà của Nga ở Trung Đông. Rạn nứt với Tehran đã buộc ông Putin thông báo rút quân một phần khỏi Syria hôm 14/3.
Khi Moscow ngừng yểm trợ trên không cho Chính quyền Syria, IS lập tức chớp lấy cơ hội này ở miền Nam và tiến về các thị trấn Nawa, Sheikh Maskin và Daraa. Tiếp theo, không quân Nga nối lại không kích ở phía Đông để hỗ trợ quân đội Syria tiến đánh thị trấn Palmyra. Các nguồn tin quân sự nhấn mạnh rằng, việc chiếm được thành cổ này nằm ngoài khả năng của quân đội Syria nếu không có sự yểm trợ trên không của Nga.
Như vậy, Moscow đã dạy cho ông Assad và Tehran một bài học rằng, họ đã thắng trận nhờ vào sự yểm trợ trên không của Nga và thất bại ở miền Nam đã đủ để chứng minh.
Tuy nhiên, Moscow hiện đối mặt với tình thế khó khăn vì việc giúp Syria giành lại Palmyra sẽ có thể khiến nhà lãnh đạo nước này càng chống lại áp lực của Mỹ buộc ông phải sớm ra đi.