Mối bang giao gần gũi
Italy là một trong những quốc gia thuộc Liên minh châu Âu và NATO có quan hệ nồng ấm nhất với Nga. Cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi là bạn gần gũi của Tổng thống Putin. Rome có quan hệ tương đối tốt với Moscow và luôn đi đầu trong nỗ lực chấm dứt các lệnh quốc tế trừng phạt Nga. Để thể hiện thiện chí, năm 2020, Nga đã cử các bác sĩ quân sự và thiết bị y tế giúp Italy chống lại đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên, một cử chỉ hữu nghị của chiến dịch “Cùng với tình yêu từ nước Nga”.
Vụ bê bối gián điệp Nga-Italy được dự đoán không gây ra quá nhiều hệ lụy. (Nguồn: MSN) |
Chiếc máy bay quân sự khổng lồ Il-76 đã cất cánh từ một căn cứ không quân ở khu vực Moscow sau khi Tổng thống Putin nói chuyện với cựu Thủ tướng Giuseppe Conte và các thỏa thuận đạt được giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước.
Điện Kremlin cho biết, ông Putin đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các nhà lãnh đạo và người dân Italy trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn mà họ đang phải đối mặt và lời đề nghị giúp đỡ của Rome. Sau đó, ông Conte đã bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với những gì mà Nga đã làm để hỗ trợ Italy vào thời điểm khó khăn đó.
Tuy vậy, vào tháng 3/2020, các phương tiện thông tin đại chúng Italy than phiền “không kiểm soát được quân đội Nga trong các chiến dịch trên lãnh thổ phía Bắc Italy”. Cơ quan tình báo Mỹ nhận được nhiều ý kiến lo ngại và Washington cũng không mong muốn điều này xảy ra trên lãnh thổ NATO. Theo giới quan sát, chiến dịch nói trên được cho rằng làm gia tăng lo ngại về an ninh do số lượng lớn các sĩ quan và binh sĩ được cử đến.
Bê bối gián điệp
Cảnh sát quân sự Italy (Carabinieri) vừa bắt giữ một sĩ quan của nước này bị nghi ngờ là “tội phạm nghiêm trọng liên quan đến gián điệp và an ninh nhà nước”.
Sĩ quan này tên là Walter Biot, từng là Chỉ huy tàu khu trục, bị bắt trong một “cuộc gặp bí mật” với một sĩ quan quân đội Nga tại một bãi đậu xe của trung tâm mua sắm ở Rome.
Các nghi ngờ về hoạt động gián điệp đã có trước đó khoảng 4 tháng, sau khi cơ quan an ninh và AISI - tình báo nội bộ của Italy - phát hiện mối quan hệ bí mật nói trên.
Ông Biot làm việc trong bộ phận chính sách quân sự dưới quyền Tổng tham mưu trưởng. Theo tờ Corriere della Sera, sĩ quan này xử lý “tất cả các tài liệu mật và tuyệt mật”, bao gồm các hồ sơ của NATO. Ông Biot còn có nhiệm vụ xây dựng chính sách an ninh quốc gia và quản lý một phần quan hệ với các đồng minh của Italy.
Hãng thông tấn ANSA trích dẫn các nguồn tin điều tra cho biết, Biot đã sao chụp các tài liệu bí mật từ máy tính của mình vào một thẻ nhớ USB để đổi lấy một khoản tiền 5.000 Euro. Thẻ nhớ này đã bị tịch thu.
Theo một nguồn tin tư pháp có quyền tiếp cận hồ sơ vụ án cho biết, thẻ nhớ nói trên chứa 181 tài liệu (ảnh) được coi là tuyệt mật, 9 bức ảnh có độ mật cao và 47 bức là tài liệu mật của NATO. Sĩ quan quân đội Nga giao dịch với Biot đã không bị giam giữ nhờ quyền miễn trừ ngoại giao.
Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Italy đã triệu tập Đại sứ Nga tại Rome để đệ công hàm phản đối chính thức về vụ việc và “trục xuất ngay lập tức hai quan chức Nga có liên quan đến vụ việc rất nghiêm trọng này”. Cả hai người đều làm việc trong Phòng Tùy viên Quân sự tại Đại sứ quán Nga là Dmitry Ostroukhov và Alexei Nemudrov. NATO có 6 căn cứ ở Italy, tất cả đều vận hành chung với quân đội Mỹ và Italy. Hiện vẫn chưa rõ tài liệu về căn cứ nào đã bị bán.
Đây là sự kiện thứ hai liên quan đến các tài liệu mật của NATO trong những tuần gần đây. Vào giữa tháng Ba, một nhà nghiên cứu người Estonia được NATO tuyển dụng đã bị bắt vì làm gián điệp cho Trung Quốc. Cả hai đã bị theo dõi hơn 2 tháng trong một cuộc điều tra do cảnh sát trưởng của Italy chỉ đạo. Theo truyền thông địa phương, họ bị bắt khi chuyển hồ sơ để đổi lấy tiền mặt .
Phải đối mặt với mức tối thiểu 15 năm tù nếu bị kết tội gián điệp quân sự, Biot, 55 tuổi, đã khai với cảnh sát sau khi bị bắt rằng ông ta mắc nợ rất nhiều và có một đứa con có vấn đề về sức khỏe.
Luật sư của Biot cho biết thân chủ của ông có 4 người con, trong đó một người bị bệnh nặng và cần được chăm sóc đặc biệt. Vợ của Biot, Claudia Carbonara, nói với Corriere della Sera rằng gia đình đang gặp khó khăn với mức lương 3.000 Euro/tháng của chồng, trong khi khoản tiền mỗi tháng trả cho nhà mua thế chấp đã là 1.200 Euro.
Người vợ nói không biết về những hành động bị cáo buộc của chồng mình, nhưng khẳng định anh ta không phải là gián điệp. Luật sư Roberto De Vita của Biot nói với một tờ báo Italy rằng thân chủ của mình cho biết ông ta đã chuyển thông tin cho Nga để lấy tiền, nhưng phủ nhận việc đã làm rò rỉ tài liệu mật, rằng anh ta chưa bao giờ giao nộp “các tài liệu có thể khiến Italy hoặc các quốc gia khác gặp rủi ro”.
Quan hệ đa chiều sẽ đi về đâu?
Biot bị cáo buộc đã nhận được 40.000 Euro khi bán các thông tin “tuyệt mật” của NATO và các hồ sơ quân sự nhạy cảm của Italy. Bộ trưởng Ngoại giao Italy Luigi Di Maio nói với Thượng viện nước này rằng, cuộc trao đổi tin-tiền bị cáo buộc là “một hành động thù địch nghiêm trọng”. Truyền thông Italy mô tả vụ bê bối gián điệp là nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh Lạnh.
Eleonora Tafuro - một chuyên gia về Nga tại tổ chức think tank ISPI ở Milan cho biết, những sự vụ như vậy ở Italy rất hiếm, “rất nghiêm trọng... và thực sự đưa chúng ta trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh”.
Trong khi đó, Đại sứ quán Nga tại Rome bày tỏ “lấy làm tiếc” về việc trục xuất hai nhân viên của Phòng Tùy viên Quân sự, nhưng không đề cập các động thái trả đũa có thể xảy ra. Cơ quan đại diện ngoại giao này của Nga hy vọng “vụ việc sẽ không ảnh hưởng gì” đến quan hệ Nga-Italy.
Người phát ngôn Điện Kremlin Peskov cho hay: “Bản chất rất tích cực và mang tính xây dựng của quan hệ Nga-Italy sẽ tiếp tục và sẽ được giữ gìn”.
Theo giới quan sát, trong bối cảnh Moscow đang cố gắng để có được cái gật đầu của các thành viên NATO đối với vaccine Sputnik-V thì việc hủy hoại quan hệ với Rome chỉ gây tác dụng ngược.
Đối với một số quốc gia châu Âu - đặc biệt là Trung và Đông Âu - thì mối quan tâm duy nhất đối với Nga chính là vấn đề an ninh. Điều này có thể bắt nguồn từ nguyên nhân lịch sử, nhưng sau vụ việc đáng tiếc nói trên, quan hệ Rome - Moscow chắc chắn khó mà nồng ấm trở lại, ít nhất là trong trung hạn.
Tuy nhiên, về dài hạn, học giả Nga Vladimir Baranovsky nhận định rằng, “thách thức nghiêm trọng nhất mà châu Âu đang phải đối mặt chính là làm thế nào giảm bớt những lo ngại về Nga".