J-11 - máy bay Trung Quốc nghi sao chép Su-27 của Nga. (Nguồn: Wikipedia) |
Theo báo Nikkei, ngày 13/12, đại diện của tập đoàn quốc phòng Nga Rostec đã thẳng thắn chỉ trích Trung Quốc với cáo buộc sao chép trái phép vũ khí của Moscow trong nhiều năm qua.
“Sao chép không xin phép các thiết bị của chúng ta ở nước ngoài là một vấn đề nghiêm trọng. Đã có 500 trường hợp như vậy trong 17 năm qua. Riêng Trung Quốc đã sao chép động cơ máy bay, các máy bay của hãng Sukhoi, hệ thống phòng thủ, các tên lửa phòng không có thể di chuyển, thiết bị của hệ thống tự hành đất đối không tầm trung Pantsir”, ông Yevgeny Livadny, trưởng bộ phận phụ trách sở hữu trí tuệ của Rostec, nói.
Các bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh giao thương vũ khí giữa hai nước đang phát triển mạnh. Theo một thống kê của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Trung Quốc từ năm 2014 - 2018, chiếm 70% tổng số vũ khí Bắc Kinh nhập khẩu trong khoảng thời gian này.
Nga cũng xuất khẩu những hệ thống tiên tiến nhất cho Trung Quốc như 6 tổ hợp phòng không S-400, 24 máy bay chiến đấu Su-35.
Dù Moscow cáo buộc Bắc Kinh sao chép công nghệ trái phép, xuất khẩu vũ khí từ Nga sang Trung Quốc có thể sẽ không sớm giảm nhiệt trong thời gian tới. Các chuyên gia cho rằng các lợi thế về kinh tế và địa chính trị dường như đã khiến Nga “phớt lờ” rủi ro này.
“Thật tệ khi ai đó sao chép vũ khí của bạn mà không được phép. Nhưng công bằng mà nói, tôi nghĩ vì Nga vẫn tiếp tục hợp tác với Trung Quốc, nên Moscow dường như coi vấn đề này không quá nghiêm trọng”, Andrei Frolov, Tổng biên tập tạp chí Arms Exports, nói.
Trung Quốc từ lâu đã bị nghi sao chép vũ khí Nga. Năm 1990, Trung Quốc mua các máy bay Su-27 và tổ hợp phòng không S-300 của Nga rồi dường như dùng chính các vũ khí này để phát triển máy bay chiến đấu J-11 và tổ hợp đất đối không HQ-9 của Bắc Kinh.
Ngăn chặn và thích nghi
Tổ hợp tên lửa HQ-9 nghi nhái từ S-300 của Nga. |
Sau nhiều vụ việc, Nga đã bắt đầu áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế tình trạng sao chép trái phép của Trung Quốc.
Ví dụ, Nga ra quy định Trung Quốc phải mua vũ khí số lượng lớn theo lô thay vì mua một vài chiếc - dấu hiệu cho thấy, Bắc Kinh có thể mua về để học hỏi và sao chép. Nga cũng nhấn mạnh vào các điều khoản chống lại hành vi “đạo nhái” trong hợp đồng mua bán và thậm chí thu tiền bản quyền từ việc Trung Quốc sao chép vũ khí.
Tuy nhiên, ông Kozyulin nhận định rằng, các biện pháp này chưa thực sự có hiệu quả rõ rệt dù Nga đã cố gắng thực hiện.
Trong quá khứ, sự quan ngại của Nga về việc Trung Quốc sao chép trái phép vũ khí đã làm sụt giảm nhanh chóng doanh số vũ khí hai nước giao dịch trong những năm 2000. Năm 2005, Trung Quốc chiếm 60% doanh thu từ xuất khẩu vũ khí của Nga nhưng tới năm 2012, con số này tụt xuống 8,7%.
Sau cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014, khi Nga bị Phương Tây áp lệnh trừng phạt, Moscow mới bắt đầu nối lại việc buôn bán vũ khí cho Trung Quốc.
Ông Vasily Kashin, chuyên gia Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nhân định rằng, hiện thời Nga dường như đã chấp nhận rằng, việc Trung Quốc sao chép trái phép công nghệ là “cái giá không thể tránh khỏi” khi giao thương với Bắc Kinh.
Chuyên gia này cho biết, kể cả Bắc Kinh có sao chép thành công vũ khí, Nga vẫn chiếm ưu thế về công nghệ.
“Không thể nào sao chép công nghệ trong một khoảng thời gian ngắn được. Nhái công nghệ cũ tốn thời gian ngang như phát triển công nghệ mới”, ông Kashin nói. Bằng cách này, nếu Trung Quốc chọn cách sao chép công nghệ, họ vẫn sẽ đi sau Nga, ông Kashin nhận định.
Tuy nhiên, vẫn có những quan ngại nhất định ở phía Nga về việc Trung Quốc đang đẩy mạnh việc xuất khẩu vũ khí sang thị trường nước ngoài sau hàng chục năm chi mạnh tay cho quân sự và sao chép công nghệ của nước khác.
Theo chuyên gia Frolov, đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội với Nga.
“Một mặt, Nga quan ngại Trung Quốc sẽ đẩy mình ra khỏi thị trường vũ khí truyền thống. Nhưng mặt khác, Trung Quốc có tiền và muốn hợp tác và điều này có thể là cơ hội để Nga phát triển”, ông Frolov nói.