📞

Nga-phương Tây: Ai trừng phạt ai, 'gậy ông có đập lưng ông'?

Hiền Phương 12:52 | 25/02/2022
Các biện pháp trừng phạt mới được công bố của phương Tây có thể sẽ không gây ra nhiều tác động đối với Nga, thậm chí các biện pháp cứng rắn hơn sẽ có thể gây tổn hại ngược lại cho chính phương Tây.
Những người dân Ukraine ở Anh biểu tình phản đối việc Nga tấn công Ukraine. (Nguồn: Getty Image)

Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận nền độc lập của hai khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine vào ngày 21/2, ông biết rằng phương Tây sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt.

Trong vòng một ngày sau quyết định của ông, phản ứng của phương Tây đã được công khai (hiện cả Australia, Canada và Nhật Bản cũng đã tham gia trừng phạt Nga). Vòng trừng phạt này bao gồm các hạn chế đối với việc bán nợ của Nga trên thị trường vốn phương Tây, đóng băng tài sản nước ngoài của một số nhà tài phiệt Nga và con cái của họ, hạn chế đối với các ngân hàng và các nghị sĩ Nga.

Nổi bật nhất là quyết định của Đức đình chỉ việc cấp phép cho Dòng chảy phương Bắc 2, dự án đường ống dẫn khí đốt đã hoàn thành giữa Nga và Đức. Các thông báo trừng phạt được đưa ra cùng với những lời hùng biện cứng rắn từ các nhà lãnh đạo phương Tây.

Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ gây ra cho Nga tổn hại như thế nào?

Kiểm soát giới tài phiệt

Vòng trừng phạt đầu tiên được bắt đầu với một số nhà tài phiệt và những người thân cận với ông Putin. Trong một dòng tweet, Cao ủy chính sách đối ngoại EU Josep Borrell tuyên bố những người này sẽ “Không thể mua sắm ở Milano, tiệc tùng ở Saint Tropez, mua kim cương ở Antwerp”.

Tuy nhiên, có rất nhiều địa điểm nắng ấm khác sẽ chào đón các nhà tài phiệt Nga đi nghỉ cùng con cái của họ, và hầu hết trong số họ đã đa dạng hóa nơi chứa tài sản của mình.

Các lãnh đạo châu Âu chủ yếu vẫn ủng hộ các biện pháp trừng phạt có mục tiêu nhằm vào các chính khách Nga, nhất là các nhà tài phiệt có quan hệ với Kremlin, những người hiện sở hữu nhiều bất động sản và cổ phần tài chính ở châu Âu.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ khoa học kinh tế Nga Vladislav Inozemtsev, Điện Kremlin những năm qua đã chuẩn bị kỹ càng để có thể chống được mối đe dọa này.

Trừng phạt trong lĩnh vực năng lượng

Còn các biện pháp trong lĩnh vực năng lượng có tác dụng ra sao?

Việc đình chỉ Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 là một cử chỉ quan trọng mang tính biểu tượng, đặc biệt là ở Đức, nơi các chính trị gia đã tranh cãi về dự án trong nhiều năm. Quyết định này sẽ làm tổn hại đến ảnh hưởng của Nga ở châu Âu và niềm tự hào của ông Putin, ngay cả khi đường ống dẫn dầu không tạo ra bất kỳ thu nhập nào cho Nga hiện nay.

Tuy nhiên, từ khi bắt đầu nổ ra khủng hoảng Ukraine đến nay, kinh tế Nga đã được đa dạng hoá để bớt lệ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt. Nga tập trung tăng cường các điểm mạnh của nền kinh tế. Xuất khẩu quặng mỏ, nhôm, nikel, vàng, kim cương và lúa mì đã giúp cho Nga có nhiều lợi thế trong thương mại với thế giới.

Trừng phạt tài chính

Các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Nga có vẻ chỉ mang tính biểu tượng. Các công ty tài chính Mỹ đã bị cấm mua các khoản nợ mới bằng đồng USD của Nga kể từ năm 2014. Mặc dù các lệnh trừng phạt mới mở rộng lệnh cấm sang thị trường trái phiếu thứ cấp, nhưng Nga đã không phát hành trái phiếu bằng đồng USD kể từ năm 2019 và đã tự bảo vệ mình khỏi phụ thuộc vào thị trường vốn phương Tây bằng cách giảm tỷ trọng nợ chính phủ bằng ngoại tệ và tích lũy dự trữ ngoại hối lớn.

Các ngân hàng bị phương Tây nhắm mục tiêu bao gồm những ngân hàng có liên hệ với quân đội nhưng chỉ là những ngân hàng nhỏ. Chẳng hạn, hai ngân hàng mà Mỹ nêu tên (Ngân hàng VEB và Ngân hàng Quân đội Nga), chỉ chiếm 6% tài sản trong lĩnh vực ngân hàng của Nga vào cuối năm 2020.

Trong khi đó, Nga và Trung Quốc đã cố gắng thanh toán các trao đổi song phương bằng đồng tiền quốc gia của mình. Trong lĩnh vực này, Nga đang cố gắng nhiều hơn. Đến nay, chỉ 20% hàng xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc được thanh toán bằng đồng USD. Ở chiều ngược lại 60% hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga vẫn phải thanh toán bằng USD.

Một vấn đề chính đối với ông Putin là sự lệ thuộc của Nga vào hệ thống tài chính SWIFT (Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu) có ảnh hưởng lớn của phương Tây. Mỹ đã nhiều lần dọa loại trừ các ngân hàng Nga ra khỏi mạng lưới SWIFT nếu Nga tấn công Ukraine. Mạng lưới thanh toán quốc tế bằng đồng USD này được gần như hầu hết các định chế tài chính thế giới sử dụng để chuyển khoản tiền một cách an toàn và thuận tiện nhất hiện nay.

Để đối phó với hệ thống được dùng như là công cụ gây sức ép của Washington, năm 2018, Nga đã tung ra công cụ riêng của mình là hệ thống chuyển tiền (SPFS), hiện nay được kết nối với mạng liên ngân hàng Trung Quốc CIPS (Hệ thống thanh toán quốc tế của Trung Quốc).

Phương Tây có thể làm gì hơn nữa?

Thách thức đối với phương Tây hiện nay là đạt được một thỏa thuận tập thể về răn đe, trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga.

Nếu phương Tây làm được điều đó, họ có thể sử dụng một số vũ khí có sẵn. Hệ thống tài chính của Nga có thể ít nhiều bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt đối với hai ngân hàng lớn nhất là Sberbank và VTB, hoặc khi các ngân hàng Nga bị cắt đứt khỏi hệ thống SWIFT.

Mỹ có thể chặn việc bán công nghệ như vi mạch cho Nga, còn phương Tây có thể tìm cách cản trở hoạt động xuất khẩu năng lượng phi khí đốt của Nga. Khí đốt chỉ chiếm chưa đến 1/10 giá trị xuất khẩu của Nga trong năm 2019. Sinh lợi nhiều nhất cho kinh tế Nga lại là dầu, hiện chiếm gần một nửa giá trị xuất khẩu.

Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn cũng có khả năng gây hại cho phương Tây. Họ có thể thúc đẩy sự trả đũa kinh tế từ Nga, dưới hình thức chiến tranh mạng hoặc hạn chế bán khí đốt cho châu Âu.

Hóa đơn năng lượng ở châu Âu có thể sẽ tăng mạnh. Hơn nữa, phương Tây cũng cần đảm bảo rằng các lệnh trừng phạt được thực thi trên toàn cầu. Điều đó có nghĩa là thuyết phục hoặc ép buộc các nước châu Á, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ, cùng hợp tác.

Nếu không có bất kỳ "chế tài" trừng phạt thứ cấp nào đối với những nước từ chối hợp tác, các gói trừng phạt Nga của phương Tây sẽ giống như một cái thùng bị rò rỉ.

(theo TTXVN, the Economist)