Nga sẵn sàng 'gọi Nord Stream 2 dậy' bơm khí đốt sang châu Âu vào ‘ngày mai’? (Nguồn: Getty Images) |
Một tòa án Thụy Sỹ mới đây đã cấp phép cho công ty điều hành đường ống Nord Stream 2 dù đã hoàn công mà chưa một lần được phép mở khóa khởi động, được gia hạn thêm 4 tháng "ở trong tình trạng phá sản".
Theo một thông báo được công bố tuần trước trên Công báo Thương mại Thụy Sỹ, thời gian cho Nord Stream 2 AG - công ty con của Gazprom (Nga), có trụ sở tại Zug, đã được tòa án khu vực ở bang Zug kéo dài từ ngày 10/9/2022 đến ngày 10/1/2023. Trước đó, ngày 11/5, Nord Stream 2 AG cũng từng được gia hạn thời gian phá sản cho đến ngày 10/9.
Trong những tuần gần đây, đã có những lời kêu gọi từ bên trong nước Đức để cho phép Nord Stream 2 bắt đầu hoạt động sau khi các dòng chảy qua hệ thống Nord Stream 1 dần bị cắt giảm và sau đó tạm dừng hoàn toàn, khiến giá khí đốt liên tục lập mức kỷ lục mới. Ở nền kinh tế số 1 châu Âu, Nord Stream 2 vẫn được một số người tin rằng, đó có thể sẽ là giải pháp cho tình trạng bế tắc về nguồn cung cấp khí đốt hiện tại.
Về phía Nga, tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông ở Vladivostok mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhắc lại rằng, Moscow sẵn sàng bắt đầu bơm khí đốt "sớm nhất là vào ngày mai" thông qua Nord Stream 2, nếu châu Âu ‘bật đèn xanh’.
Tổng thống Putin cho biết, chỉ cần nhấn một nút là có thể đưa Nord Stream 2 vào hoạt động. Việc xây dựng đường ống không phải là "để đó", bởi vì Nga đã làm chủ công nghệ và có được các kỹ năng mới, Tổng thống nói thêm.
Điều tương tự cũng đúng với đường ống Nord Stream 1, nó có thể được đưa vào hoạt động rất nhanh chóng. Công ty năng lượng Nga Gazprom vẫn đang đợi nhận lại tuabin bơm khí, thiết bị vốn được mang đi sửa chữa. “Hãy đưa cho chúng tôi tuabin - ngày mai chúng tôi sẽ bật Nord Stream”, Tổng thống Nga nói.
Trong những tháng gần đây, lượng khí đốt được giao tới châu Âu thông qua các đường ống hiện có ngày một giảm. Tuần trước, Gazprom cho biết, đường ống Nord Stream 1 - nguồn khí đốt chính của Nga đang chuyển tới Đức - sẽ tiếp tục kéo dài ngày đóng cửa, với lý do được đưa ra là “cần phải bảo trì khẩn cấp để sửa chữa các bộ phận quan trọng bị trục trặc”.
Điện Kremlin đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của phương Tây vì đã ngăn chặn công việc của doanh nghiệp điều hành dòng khí đốt.
Cả hai lý do được Nga đưa ra là trục trặc kỹ thuật và hệ quả trực tiếp từ các biện pháp trừng phạt đều bị các quan chức Đức bác bỏ. Berlin chỉ trích việc ngừng hoạt động dòng khí đốt là một động thái chính trị nhằm tạo ra tâm lý lo lắng cho đối tác và đẩy giá.
Nói về vấn đề này công khai tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông, Tổng thống Putin bác bỏ cáo buộc "tống tiền năng lượng", chỉ ra rằng Ukraine đã đóng cửa một đường ống dẫn khí đốt, bơm nhiên liệu cho châu Âu "với một cái cớ không thuyết phục". Ba Lan thì đã “ra tay” trừng phạt một đường ống dẫn khác của Nga, dẫn đến tình trạng chỉ có một đường ống dẫn khí đốt - Nord Stream I - còn hoạt động, ông Putin nói thêm.
Người đứng đầu nước Nga cho biết, nước này sẽ tìm kiếm các thị trường bán hàng mới ở châu Á. Hiện tại, có tiến triển liên quan đến việc giao hàng cho Trung Quốc và Mông Cổ, với việc các bên đã đồng ý về tất cả các thông số chính, bao gồm giá cả.
Trong khi đó, ở phía bên kia, dòng khí đốt của Nga hao dần đẩy nguy cơ khủng hoảng năng lượng, “ngấm ngầm” làm tổn thương châu Âu. Châu Âu - đặc biệt là Đức - từ trước đến nay rất phụ thuộc vào khí đốt của Nga để đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình. Từ khi Moscow công bố ý định hạn chế nguồn cung vào tháng 7, chỉ trong một ngày, giá bán buôn khí đốt ở châu Âu đã được đẩy lên 10%.
Mặc dù Anh nhập khẩu rất ít khí đốt từ Nga, nhưng giá khí đốt trên toàn cầu đã được định sẵn và hiện cao hơn khoảng 450% so với thời điểm này năm ngoái.
Carole Nakhle, Giám đốc điều hành của Crystol Energy cho biết: “Hiện tại, thị trường đang rất eo hẹp nên bất kỳ sự gián đoạn nào về nguồn cung cũng khiến giá khí đốt tăng cao hơn. Điều này có thể gây ra sự chậm lại ở các nền kinh tế châu Âu và đẩy nhanh lộ trình tiến tới suy thoái".
Nord Stream 2 được thiết kế chạy ngầm dưới biển Baltic, nối trực tiếp các mỏ khí đốt từ Ust Luga của Nga đến Greifswald ở Đức, chạy song song với Nord Stream 1, nhằm tăng gấp đôi công suất vận chuyển khí đốt lên 55 tỷ m3/năm.
Ngay từ khi khởi công, dự án đường ống đã bị Ukraine và các nước Đông Âu, cũng như phe đối lập ở Mỹ, phản đối. Đường ống này bỗng trở thành nguồn gây xích mích lớn trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương trong vài năm qua.
Nord Stream 2 được hoàn thành từ tháng 9/2021 và sẵn sàng bắt đầu vận chuyển khí đốt từ tháng 12/2021. Sự chấp thuận của cơ quan quản lý năng lượng Đức và các quan chức EU là rào cản cuối cùng đối với dự án.
Nhưng cuối cùng, chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tạm dừng quá trình cấp giấy chứng nhận vào ngày 22/2, sau khi Nga công nhận nền độc lập của hai khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine và hai ngày trước khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngay sau đó đã chỉ đạo áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với công ty điều hành Nord Stream 2. Do vậy, từ đó đến nay, Nord Stream 2 “đắp chiếu, ngủ yên" dưới đáy biển, chưa một lần được khởi động. Vào đầu tháng 3, công ty điều hành cho biết họ đã sa thải toàn bộ nhân viên tại Zug, lên đến 110 người.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak từng nhận định, quyết định đình chỉ Nord Stream 2 có động cơ chính trị. Ông cho rằng, "những quyết định như vậy được đưa ra trái với lẽ thường, tính khả thi về kinh tế, cũng như lợi ích của nền kinh tế và công dân châu Âu, những người đang bị tước đi cơ hội nhận đủ khối lượng khí đốt với giá cả phải chăng".
| Giá cà phê hôm nay 13/9: Arabica giảm mạnh, robusta tạm thời giữ giá, lo ngại rủi ro còn tăng cao Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 7 chỉ đạt 10,12 triệu bao, giảm 6,56% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế trong ... |
| Trung Quốc sử dụng công cụ thuế nhằm cải thiện hình ảnh ở châu Phi? Trung Quốc đã xóa bỏ thuế quan đối với 98% sản phẩm nhập khẩu từ 9 quốc gia nghèo nhất của châu Phi. Các chuyên ... |
| Khí đốt Nga - ‘Nước cờ hỏng’ khiến cả châu Âu có nguy cơ ‘rét run’ Nước Đức đang đối mặt với một mùa Đông tồi tệ nhất trong 75 năm. Khủng hoảng khí đốt có nguy cơ làm tê liệt ... |
| Mây suy thoái đang tích tụ, cả ba 'đầu tầu' trục trặc - kinh tế thế giới sẽ chạy ra sao? Châu Âu có nguy cơ rơi vào khủng hoảng khí đốt, Mỹ liên tục tăng lãi suất, Trung Quốc phong tỏa các thành phố lớn ... |
| Nếu Nga khóa van khí đốt hoàn toàn, kinh tế châu Âu thiệt hại thế nào? Ngày 19/7, các quan chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo, một số quốc gia châu Âu phụ thuộc nhiều vào khí đốt ... |