Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 25/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bắt đầu chuyến thăm Bắc Kinh. Đây là chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 4 của ông Putin kể từ khi trở thành Tổng thống Nga từ năm 2013.
Hiện thực hóa hàng loạt dự án
Chuyến thăm của ông Putin diễn ra trong bối cảnh quan hệ thương mại song phương Nga - Trung đang suy giảm và giữa hai nước đang có hàng loạt dự án đầy tham vọng.
Tại cuộc hội đàm trong chuyến thăm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin nhất trí, hai nước sẽ hợp tác chặt chẽ hơn và cả hai đã cùng chứng kiến lễ ký hơn 30 thoả thuận hợp tác trên các lĩnh vực như thương mại, cơ sở hạ tầng, các vấn đề đối ngoại, công nghệ, nông nghiệp, tài chính, năng lượng, thể thao và truyền thông.
Đáng kể nhất là tập đoàn dầu khí của Nga Rosnet đã ký thoả thuận với công ty hoá dầu Trung Quốc Sinopec về phát triển khí đốt và xây dựng nhà máy hoá dầu ở Đông Siberia.
Bên cạnh đó, Tổng thống Putin còn cho biết 58 thoả thuận khác nhau, giá trị hơn 50 tỷ USD cũng đang được bàn thảo. Ngoài ra, hai nước đang tìm cách thoả thuận xây dựng tuyến đường sắt cao tốc ở Nga vào cuối năm nay.
Nhất trí trong nhiều vấn đề quốc tế
Phát biểu trước nhà lãnh đạo Nga, ông Tập Cận Bình nói 2016 là năm hai nước kỷ niệm 15 năm hiệp ước hữu nghị và hai bên hy vọng trong bối cảnh tình hình quốc tế đang trở nên ngày càng phức tạp, hai nước tiếp tục duy trì được tinh thần đối tác và hợp tác chiến lược.
Về phần mình, Tổng thống Putin khẳng định Nga và Trung Quốc đang hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề quốc tế. Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo Trung - Nga đã thảo luận cách thức tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Syria và vấn đề Biển Đông.
Cũng trong chuyến thăm, ông Putin đã có cuộc gặp với Thủ tướng Lý Khắc Cường và Chủ tịch Quốc hội Trương Đức Giang. Tại cuộc gặp, ông Lý Khắc Cường bày tỏ rằng Trung Quốc sẵn sàng cùng Nga tiếp tục làm sâu sắc tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác thực chất trong các lĩnh vực, thúc đẩy giao lưu địa phương.
Cụ thể, Trung Quốc sẵn sàng cùng Nga khởi xướng tăng cường kết nối hợp tác Liên minh kinh tế Á - Âu; triển khai hợp tác nhất thể hóa với Nga trong lĩnh vực dầu khí, điện hạt nhân, than đá, điện lực; thúc đẩy hợp tác đầu tư lẫn nhau và trong những dự án lớn; triển khai hoán đổi tiền tệ, hệ thống chi trả và hợp tác tài chính trong khuôn khổ đa phương...
Theo các nhà phân tích, Nga và Trung Quốc dường như đang xích lại gần nhau do những lợi ích địa chính trị, nhất là trong bối cảnh những hoạt động quyết đoán của Trung Quốc tại khu vực gây quan ngại cho các nước láng giềng.
Về phần Nga, việc Nga sáp nhập Crimea và tình hình miền Đông Ukraine đã khiến quan hệ Nga và phương Tây trở nên căng thẳng nhất kể từ thời Chiến tranh Thế giới thứ hai. Hiện Moscow đang tìm cách điều chỉnh lại việc xuất khẩu dầu và khí đốt từ châu Âu (thị trường chính) sang châu Á thông qua việc xây dựng liên minh năng lượng với Bắc Kinh.