📞

Nga và Ấn Độ bắt tay giải quyết tình hình Afghanistan

Huy Sơn 20:53 | 17/09/2021
Nga-Ấn Độ có nhiều lợi ích chung trong đảm bảo rằng Taliban thực hiện lời hứa về ngăn chặn các nhóm khủng bố cực đoan và làn sóng tị nạn từ Afghanistan.

Trước thềm thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ngày 16/9, Nga-Ấn Độ đã gạt bỏ khác biệt quan điểm trong vấn đề Afghanistan để bắt tay hợp tác, đảm bảo sự ổn định và an ninh của khu vực.

Triển vọng này càng khả thi hơn khi tại SCO, Trung Quốc dự kiến thúc đẩy đồng thuận về quan hệ với Taliban, kêu gọi cộng đồng quốc tế dỡ bỏ các trừng phạt hiện nay với lực lượng Hồi giáo nắm quyền tại Afghanistan.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có cuộc điện đàm 45 phút hồi cuối tháng 8. (Nguồn: BusinessToday.in)

Quan tâm chung

Afghanistan phụ thuộc nhiều vào viện trợ nước ngoài. Do đó, khủng hoảng của nước này sau thời gian hỗn loạn vừa qua khiến Moscow và New Delhi quan ngại về một làn sóng tị nạn kéo dài.

Đồng thời, cả hai lo rằng Taliban sẽ không thực hiện cam kết kiểm soát các nhóm cực đoan họ từng dung túng hay liên minh trước đó.

Hai yếu tố này dường như đã thúc đẩy ông Vladimir Putin và ông Narendra Modi điện đàm 45 phút cuối tháng trước, đồng thời tạo “một kênh tham vấn cấp cao thường trực” cho các đàm phán sắp tới về Afghanistan.

Ông Putin cũng cử trợ lý thân cận, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Nikolai Patrushev đến New Delhi để gặp ông Modi và các thành viên cấp cao khác của New Delhi.

Động thái này cho thấy sự biến chuyển rõ rệt bởi trước đó, Nga đã bỏ phiếu trắng cho một nghị quyết về Afghanistan trong tháng Ấn Độ làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Tương tự, hồi tháng 7, Moscow đã ngó lơ New Delhi khi loại nước này ra khỏi các cuộc họp với Mỹ, Trung Quốc và Pakistan, khẳng định Ấn Độ không có “ảnh hưởng rõ ràng” đối với các diễn biến ở Afghanistan.

Bước chuyển đáng chú ý

Giáo sư Sanjay Pandey tại Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ) nhận định cách tiếp cận của Moscow đã thay đổi, vì “các hành động của Taliban không tạo dựng được nhiều sự tin tưởng”.

Ông chỉ ra rằng bất chấp áp lực từ Kremlin, Taliban đang tấn công lực lượng kháng chiến ở Thung lũng Panjshir vì lực lượng này từ chối thành lập chính phủ toàn diện.

Trong vấn đề Afghanistan, Nga phần lớn có lập trường gần gũi với với Trung Quốc và Pakistan. Song, giờ đây Moscow không còn tin tưởng tuyệt đối rằng Taliban sẽ giữ lời về đảm bảo trật tự chính trị ở Trung Á hay không hỗ trợ chiến binh Chechnya chống Nga.

Điều này khiến Nga phải xem xét “một chiến lược thay thế”, tìm kiếm mẫu số chung với các nước như Ấn Độ và Iran để bảo vệ phạm vi ảnh hưởng của mình ở Trung Á.

Trong khi đó, “bắt tay” Nga sẽ giúp Ấn Độ mở rộng ảnh hưởng ở Afghanistan hơn là làm việc trực tiếp với Taliban.

Tính đến nay, New Delhi mới chỉ tham gia họp một lần với thành viên Taliban tại Qatar tháng trước. Giáo sư Pandey tin tưởng rằng Moscow thậm chí sẽ thuyết phục Taliban và Ấn Độ bình thường hóa quan hệ.

Nhà nghiên cứu Aleksei Zakharov của Trường Quan hệ Quốc tế thuộc Trường Kinh tế cao cấp Moscow (Nga) cho rằng trong các quốc gia thiết lập quan hệ với Taliban, Nga là đối tác thân thiết nhất của Ấn Độ.

Moscow có thể liên lạc với cả Bắc Kinh lẫn Islamabad, đồng thời có thể thúc đẩy lợi ích của New Delhi ở Kabul bằng cách đảm bảo chủ nghĩa khủng bố không lan ra ngoài biên giới Afghanistan tới Trung Á hay khu vực Kashmir.

Ngoài ra, Moscow còn dẫn đầu liên minh quân sự ở Trung Á. Nga đã triển khai tập trận chung với Uzbekistan và Tajikistan dọc theo biên giới hai nước này với Afghanistan.

Các chiến binh Taliban ở Kabul, Afghanistan, xả súng ăn mừng sau khi có thông báo chưa được xác nhận rằng họ đã chiếm tỉnh Panjshir ngày 3/9. Panjshir là địa phương cuối cùng trong số 34 tỉnh của Afghanistan còn chống lại Taliban. (Nguồn: The New York Times)

Rào cản hiện hữu

Tuy nhiên, đối với Nga, mối quan hệ của Ấn Độ với Mỹ, cùng việc New Delhi là thành viên Bộ tứ có thể là rào cản hợp tác, đặc biệt khi ông Modi dự hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của nhóm tại Mỹ trong tháng 9.

Mặt khác, Ấn Độ vẫn cảnh giác với quan hệ của Nga với Pakistan và Trung Quốc.

Dù vậy, Giáo sư Pandey lạc quan rằng cả Moscow và New Delhi có thể sẽ vượt qua những lo ngại này để hợp tác.

Hai bên có khả năng kích hoạt một số diễn đàn chung để giải quyết chủ nghĩa khủng bố, cũng như thảo luận về Afghanistan.

Ông nhận định: “Trong trường hợp Taliban không giữ lời, Nga tin rằng cần có một nhóm quốc gia thúc đẩy các lực lượng thay thế, như cách bộ ba Nga-Ấn Độ-Iran từng ủng hộ lực lượng Liên minh phương Bắc khi Taliban nắm quyền (1996-2001) tại Afghanistan.”

(theo South China Morning Post)