Nhỏ Bình thường Lớn

Ngành giáo dục nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo

Theo Thứ trưởng GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, ngành giáo dục xác định chủ đề năm học 2022-2023 là "đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo".
Giáo dục
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học 2021-2022, ngành giáo dục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19. (Ảnh: Bộ GD&ĐT)

Sáng nay (12/8), Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

Ngành giáo dục đối mặt với nhiều thách thức

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, 2021-2022 là năm học mà ngành giáo dục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giáo dục.

Đây cũng là năm đầu tiên ngành giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và là năm học thứ 2 triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018.

Toàn ngành giáo dục đã hoàn thành được kế hoạch, đảm bảo được các kết quả như chỉ tiêu đề ra; chất lượng và các yêu cầu của năm học 2021-2022 đã được thực hiện.

Bộ trưởng nhấn mạnh, để ứng phó với những nguy cơ bùng phát trở lại của dịch bệnh Covid-19, ngành giáo dục đã chủ động xác định trạng thái thích ứng, chuẩn bị các điều kiện dạy học trong mọi hoàn cảnh. Ngành giáo dục kiên trì việc theo đuổi và củng cố chất lượng; hoàn thành mục tiêu vừa phòng chống dịch, vừa ra sức phấn đấu để khắc phục khó khăn.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ lớn của năm học, đáp ứng yêu cầu của sự đổi mới và đảm bảo chất lượng giáo dục; tiếp tục thực hiện đổi mới về thể chế nhằm tháo gỡ những vướng mắc, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.

Giáo dục
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Bộ GD&ĐT)

Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông mới, chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn cần được tiếp tục nâng lên. Tiếp tục tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, đảm bảo nghiêm túc an toàn; tiếp tục thực hiện tự chủ đại học để mở ra nhiều cơ hội cho giáo dục đại học phát triển; tăng cường các điều kiện đầu tư để đảm bảo chất lượng giáo dục.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói: "Bộ GD&ĐT đã đánh giá kết quả đạt được trong năm học vừa qua, đặc biệt đã nhìn nhận nghiêm túc những tồn tại, hạn chế cần rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp để khắc phục cho năm học sắp tới".

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết, tại Hội nghị, Bộ GD&ĐT mong muốn được nghe các ý kiến phát biểu, thảo luận của đại biểu để đánh giá về những kết quả đạt được; nhìn nhận những tồn tại hạn chế để tiếp tục phát triển. Đặc biệt, mong muốn được nhận sự đóng góp các ý kiến, giải pháp để ngành giáo dục làm tốt hơn nhiệm vụ quan trọng được Đảng, Chính phủ giao; góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng đất nước.

Ngành giáo dục đã chủ động, tổ chức dạy học linh hoạt

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn thông tin, năm học 2021-2022, dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có giáo dục và đào tạo.

Ngành giáo dục đã chủ động chuyển trạng thái hoạt động, tổ chức dạy học linh hoạt theo khung kế hoạch năm học, hướng dẫn tinh giản chương trình, chuẩn bị các điều kiện dạy học trực tuyến nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng.

Giáo dục
Thứ trưởng GD&ĐT Hoàng Minh Sơn. (Ảnh: Bộ GD&ĐT)

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được tổ chức thành công, đảm bảo nghiêm túc và an toàn. Kết quả phân tích phổ điểm cho thấy đề thi có sự phân hóa phù hợp bảo đảm khách quan để xét công nhận tốt nghiệp và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Theo kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của USNEWS, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020. Kết quả thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2022, nước ta có 37/39 thí sinh đạt giải, trong đó có 1 thí sinh đạt điểm tuyệt đối.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng cho biết, chất lượng giáo dục đại học có những cải thiện rõ rệt khi năm 2021, 5 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam lọt vào top đại học tốt nhất thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín, vượt mục tiêu năm 2025 của Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Số lượng các sản phẩm công bố quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học gia tăng nhanh chóng. Văn hóa kiểm định gắn với chất lượng đào tạo đã bước đầu hình thành ở các cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học.

Toàn ngành đã tăng cường chuyển đổi số và đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng hạ tầng học tập quốc gia; xây dựng kho học liệu số; tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học trực tuyến, trên truyền hình và kiểm tra, đánh giá trong bối cảnh dịch Covid-19.

Ngành giáo dục nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo...
Cô giáo Đinh Thị Mỹ Huệ và học sinh lớp 3A6, trường Tiểu học Kim Giang (Quận Thanh Xuân, Hà Nội) trong ngày tổng kết năm học 2021-2022. (Ảnh: Mỹ Huệ)

"Đoàn kết, đổi mới, nâng cao chất lượng" là chủ đề năm học mới

Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, trên cơ sở những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, tồn tại trong năm học trước, ngành giáo dục xác định chủ đề năm học 2022-2023 là "đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo".

Ngành giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý; chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; tăng cường công tác chính trị đối với nhà giáo và học sinh, sinh viên; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Bên cạnh đó, xây dựng quy hoạch mạng lưới và đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục; đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành; tăng cường công tác truyền thông giáo dục.

Giáo viên khó khăn vì dịch Covid-19 được hỗ trợ mức cao nhất bao nhiêu?

Giáo viên khó khăn vì dịch Covid-19 được hỗ trợ mức cao nhất bao nhiêu?

Theo Nghị quyết của Chính phủ, giáo viên mầm non, tiểu học trường tư gặp khó khăn do Covid-19 được hỗ trợ từ 2,2 - ...

Nhiều bạn trẻ giỏi chuyên môn nhưng thất bại ở thị trường quốc tế, vì đâu?

Nhiều bạn trẻ giỏi chuyên môn nhưng thất bại ở thị trường quốc tế, vì đâu?

TS. Lê Hoàng Quỳnh, 1 trong 10 gương mặt được vinh danh giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng 2021 chia sẻ, nhiều ...

(theo Dân trí)