Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng cần nâng cao phụ cấp đối với giáo viên để giữ chân người thầy. Ảnh minh họa. (Ảnh: Đinh Thị Mỹ Huệ) |
Thực trạng hơn 16 nghìn giáo viên nghỉ việc thời gian qua là con số buộc chúng ta phải suy nghĩ. Vì sao giáo viên lại nghỉ việc, thôi việc nhiều đến như vậy? Nhiều ý kiến được đưa ra, cho rằng thu nhập của nhà giáo quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống.
Lương giáo viên không phải câu chuyện mới và thực tế nhiều người cầm phấn phải ngậm ngùi khi nhận mức thu nhập quá thấp, trong khi chi phí sinh hoạt khá cao. Thế nên, một bộ phận thầy cô giáo nghỉ việc, thôi việc, để bước sang một ngã rẽ mới cũng là điều dễ hiểu.
Vấn đề là, có phải giáo viên nghỉ việc chỉ vì lương thấp hay còn lý do nào khác? Có người đặt câu hỏi rằng trước đây lương thấp, sao giáo viên không nghỉ việc ào ào như bây giờ?
Trong phiên thảo luận kinh tế xã hội sáng 28/10 vừa qua, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm: "Mức sống tối thiểu ngày nay không chỉ là ngày ba bữa cơm, năm hai bộ quần áo như thời bao cấp. Trước mắt, để nguồn lực không bị quá tải, những đối tượng thu nhập thấp nhất, không đủ cho mức sống tối thiểu, cần phải tăng lương ngay lập tức”.
Theo Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, để giảm số giáo viên nghỉ việc, ngành giáo dục sẽ có những giải pháp rà soát quy phạm pháp luật, thể chế chính sách tăng lương, nâng cao phụ cấp ưu đãi đặc biệt cho giáo viên mầm non, tiểu học theo tinh thần "có thực mới vực được đạo”.
Rất may, trong chiều 15/11, Quốc hội yêu cầu, trong năm 2023, cần có lộ trình thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương; trong đó, đặc biệt quan tâm vấn đề lương, phụ cấp ưu đãi với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với nhà giáo.
Nhiều thầy cô luôn cảm thấy tự hào với nghề, nhưng sự tự hào đó đôi lúc bị vùi lấp trong những áp lực không tên. Không ít giáo viên mang trong mình tâm trạng mệt mỏi, áp lực và cô đơn.
Có khi chính giáo viên cảm thấy bất lực khi giờ đây, mỗi hành động của họ đều có thể được đưa lên mạng xã hội. Chỉ cần một lời nói trong lúc thiếu kiềm chế, một hành động bột phát, giáo viên rất có thể trở thành “con mồi” của mạng xã hội. Vì thế, không ít giáo viên cảm thấy không tự tin vào chính mình, không tin vào nghiệp vụ sư phạm của mình.
Ngày càng nhiều người thầy rời bục giảng, tìm lối rẽ khác, hoặc nhạt với nghề bởi quá nhiều áp lực bủa vây, cả vật chất lẫn tinh thần. Vậy làm sao để mỗi thầy cô luôn nhiệt huyết, cháy hết mình với nghề?
Nhiều người cho rằng, muốn làm vậy thì cần tăng lương. Tăng lương để người thầy không phải “chân trong chân ngoài” kiếm thêm thu nhập. Thiết nghĩ, tăng lương là điều kiện cần để giữ chân những người thầy có thể tiếp tục ở lại, cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Nhưng để trị bệnh chán nghề cho giáo viên thì còn cần môi trường.
Môi trường đó có sự đồng hành, hỗ trợ để giáo viên có thể yên tâm với công việc. Cần trao quyền cho giáo viên để họ được sống đúng với trách nhiệm, có thể rèn nhân cách và kiến thức cho học sinh mà không sợ bị làm khó. Hơn thế, cần giảm tải những áp lực cho giáo viên, để chính người thầy có niềm tin vào bản thân, để những nhiệt huyết với nghề không bị "thui chột".
Hơn 1 triệu giáo viên phổ thông cả nước vẫn bám trụ với nghề dù lương thấp, dù khó khăn. Tuy vậy, không ít thầy cô sẵn sàng bỏ số tiền ít ỏi của mình để mua sắm đồ dùng học tập cho học sinh. Nhiều người cầm phấn cảm thấy tự hào, hạnh phúc khi gieo được con chữ cho học sinh ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Họ thấy mình có ích, thấy hạnh phúc mỗi ngày lên lớp. Đó cũng là một trong những nguồn sức mạnh nuôi dưỡng nhiệt huyết còn mãi, để họ thấy mình không hề đơn độc trên hành trình gieo tri thức.
Trong thư gửi ngành Giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các nhà trường quan tâm xây dựng môi trường văn hóa, sáng tạo, chú trọng cả “dạy chữ” và “dạy người”, phát huy dân chủ để đội ngũ nhà giáo có điều kiện phát triển tài năng và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Bên cạnh bài toán về lương, trước mắt ngành Giáo dục cần có những giải pháp để giáo viên bớt áp lực, để họ cảm nhận được giá trị của mình mỗi giờ lên lớp và hạnh phúc của nghề trồng người.
Khi không phải bận tâm nhiều về chuyện "cơm áo gạo tiền", khi sức khỏe tinh thần được chăm sóc, người giáo viên sẽ nuôi được đam mê, khơi thông cảm xúc và tình yêu với "nghề cầm phấn".