Theo chị Ngô Thị Thu Hà, cần xem lại những chiến dịch tôn vinh vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ, thông điệp truyền thông hay các phong trào được xem là củng cố khuôn mẫu giới. |
Đó là quan điểm của chị Ngô Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ với báo TG&VN nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.
Bình đẳng giới là chìa khóa giúp phụ nữ nhận ra giá trị đích thực của mình, được tôn trọng và yêu thương. Thực tế bình đẳng giới ở nước ta ra sao thưa chị?
Các kiến thức về bình đẳng giới và quyền con người giúp cho mỗi người tự tôn trọng, yêu thương bản thân cũng như tôn trọng và yêu thương người khác, dù họ mang trên mình giới tính hay xu hướng tính dục nào. Các kiến thức này có được từ các cam kết quốc tế của Việt Nam, quá trình thảo luận và ban hành các chính sách có liên quan, cũng như các dự án truyền thông do các tổ chức Nhà nước, đoàn thể, các tổ chức phi chính phủ và các nhóm cộng đồng thực hiện.
Tuy nhiên, thực tế những phát ngôn và thảo luận trên các diễn đàn, bao gồm trên mạng xã hội trong thời gian gần đây cho thấy, cần nhiều hơn nữa những nghiên cứu, thảo luận mang tính học thuật và thực tiễn về nguyên nhân gốc rễ của bất bình đẳng giới và lịch sử của các diễn ngôn, các phong trào nữ quyền ở Việt Nam và trên thế giới. Từ đó, tạo ra những tri thức mới và chính sách mới phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay.
Bên cạnh đó, tuỳ từng lĩnh vực của đời sống xã hội mà cả nam giới và nữ giới đang chịu áp lực từ những khuôn mẫu giới và phân biệt đối xử trên cơ sở giới. Khuôn mẫu giới cho rằng, nam giới là phái mạnh, là trụ cột gia đình, là người quyết đoán, là người giỏi ra quyết định, vô hình trung phải nỗ lực hết sức ở ngoài xã hội để có thu nhập cao và khẳng định vị thế của mình. Ngược lại, nữ giới phải gồng mình để hoàn thành vai trò nội trợ, chăm sóc con cái bên cạnh áp lực công việc chung.
Điều này làm cho cả nam giới và nữ giới đôi khi không được là chính mình, không được làm những công việc mà mình yêu thích, phù hợp với khả năng ở cả gia đình và xã hội. Từ đó, trên bình diện chung và dù ở lĩnh vực đời sống nào hay ở vị trí xã hội nào, dường như phụ nữ cũng đang thấp hơn so với nam giới.
Định kiến giới đã khiến phụ nữ gặp khó khăn khi muốn tham gia vào các “mặt trận”. Nhiều người quan niệm, muốn thành đạt trước hết phụ nữ trí thức phải làm tròn trách nhiệm gia đình. Có phải đây là nguồn gốc của bất bình đẳng?
Nguồn gốc của bất bình đẳng là định kiến, khuôn mẫu giới, thiếu tôn trọng quyền và sự lựa chọn của mỗi cá nhân. Theo tôi, việc một nữ giới hay nam giới hài lòng với sự lựa chọn vừa có trí thức vừa làm tròn trách nhiệm gia đình không có gì là sai trái cả.
Tương tự, nếu ai đó chọn chỉ cần làm tròn trách nhiệm gia đình là đủ hay chỉ giỏi tạo ra thu nhập, tham gia công tác xã hội cũng cần được ủng hộ. Do đó, việc tạo ra một môi trường sống và làm việc thoải mái, không nuôi dưỡng những phán xét cá nhân, không áp đặt các khuôn mẫu giới, là cần thiết để có được bình đẳng giới.
Xã hội hay thậm chí bản thân phụ nữ đặt ra yêu cầu phụ nữ vừa xinh đẹp, vừa giỏi việc nước, vừa đảm việc nhà thực sự đang tạo gánh nặng cho phụ nữ, đặc biệt những người đang tham gia vào lĩnh vực kinh tế và đời sống công.
Trong chuyến khảo sát gần đây của chúng tôi về vai trò của nữ đại biểu trong các cơ quan dân cử ở Việt Nam, tôi rất buồn khi nói rằng, để có nhiều phụ nữ tham gia lãnh đạo ra quyết định thì xinh đẹp là tiêu chí đầu tiên được cả nam giới và nữ giới đề cập, sau đó là tiêu chí về năng lực ra quyết định và theo đuổi vấn đề, giải quyết bức xúc của người dân. Đây là kết quả của các chiến dịch quảng cáo thương mại và các phong trào phụ nữ trong thời gian gần đây.
Do đó, đã đến lúc xem lại các thông điệp truyền thông hay các phong trào được xem là củng cố khuôn mẫu giới hiện nay, như phong trào “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, phong trào “5 không, 3 sạch” hay những chiến dịch tôn vinh vẻ đẹp hình thể của phụ nữ.
Việt Nam được bạn bè quốc tế công nhận là quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á. Theo chị, làm thế nào để phụ nữ được tăng “quyền năng” nhưng không thêm áp lực?
Nhìn vào số liệu, tỷ lệ nữ tham gia thị trường lao động, tham gia vào bộ máy Nhà nước, cụ thể là các cơ quan dân cử và quản lý các doanh nghiệp được đánh giá là cao ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn thấp so với một số quốc gia có cùng trình độ phát triển ở châu Phi hay Mỹ La tinh và thường không giữ các vị trí có quyền lực ra quyết định thực chất.
Trong thị trường lao động-việc làm, phụ nữ Việt Nam thường tham gia trong các ngành nghề có kỹ năng tay nghề thấp hoặc ở khu vực phi chính thức và có thu nhập thấp hơn so với nam giới. Khuôn mẫu giới và phân biệt đối xử trong định hướng nghề nghiệp, tuyển sinh và tuyển dụng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này.
Với cấu trúc phát triển kinh tế-xã hội và các diễn ngôn về phát triển, tăng trưởng cũng như việc xã hội hoá các dịch vụ công cơ bản như hiện nay sẽ tạo gánh nặng, áp lực cho cả nữ giới và nam giới. Trong đó, nữ giới sẽ có áp lực nhiều hơn khi vừa phải tăng thời gian dành cho công việc tạo ra thu nhập, vừa dành thời gian cho công việc chăm sóc, nuôi dưỡng, duy trì cuộc sống gia đình không giảm hoặc giảm không đáng kể.
Do đó, từ góc độ chính sách, Nhà nước cần có những nghiên cứu mang tính toàn diện để ghi nhận đúng đắn những công việc chăm sóc không được tính công (mà thường do phụ nữ đảm nhận). Từ đó có các chiến lược truyền thông thay đổi nhận thức của xã hội, cũng như có các đề án phát triển các dịch vụ chăm sóc trẻ em và người cao tuổi, phát triển điện-đường-trường-trạm-nước sạch và vệ sinh môi trường ở những vùng nông thôn, khó khăn. Từ đó, giảm gánh nặng công việc chăm sóc không lương, "thời gian lấy củi, lấy nước" của phụ nữ.
Thời hội nhập và công nghệ số vừa là thách thức vừa là cơ hội dành cho phụ nữ trong việc “định vị” hình ảnh của chính mình ra sao, thưa chị?
Cần nhìn nhận một cách khách quan, hội nhập quốc tế và phát triển công nghệ số mang lại nhiều cơ hội cho cả phụ nữ và nam giới, bao gồm cơ hội học hành, tiếp cận thông tin, công việc, kinh doanh và định vị hình ảnh bản thân.
Quan sát truyền thông và mạng xã hội cho thấy, ai cũng có thể trở thành người làm truyền thông, người gây ảnh hưởng xã hội, người quảng bá sản phẩm, kinh doanh chứng khoán.
Công nghệ số cũng giúp cho những ý tưởng, kết quả công việc, những phát ngôn của chị em hay những thảo luận về phong trào nữ quyền, bình đẳng giới trở nên phổ biến hơn. Công nghệ số giúp cho phụ nữ thay đổi chiến lược kinh doanh, sản xuất của mình, cũng như hoàn thiện hệ thống quản trị doanh nghiệp, tổ chức.
Tuy nhiên, công nghệ số và mạng xã hội cũng có những rủi ro, thách thức đối với cả phụ nữ và nam giới. Nếu không tỉnh táo, mỗi người có thể là tác nhân tiếp nhận và chuyển tải thông tin giả hay những phát ngôn thù ghét, cổ vũ cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan hay vi phạm quyền riêng tư của người khác.
Thậm chí, theo quan sát của tôi, công nghệ số và mạng xã hội cũng là tác nhân chuyển tải những thông điệp củng cố khuôn mẫu giới, thậm chí kỳ thị giới và cổ vũ cho bạo lực giới.
Xin cảm ơn chị!