📞

Ngày hội Thể thao 2020 - Khơi dậy niềm yêu thích thể thao ở lứa tuổi tiểu học

Trang Nguyễn 11:17 | 30/10/2020
TGVN. Tham gia vào Ngày Hội thể thao 2020, các em học sinh đã có những giờ học thể chất sôi động và lý thú với những trò chơi vận động sáng tạo.
Học sinh tham gia vào trò chơi thể chất trong khuôn khổ Ngày hội Thể thao 2020. (Nguồn: Nike)

Vừa qua, tại sân bóng đá Trần Hữu Dực (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã diễn ra chương trình Ngày Hội thể thao 2020 (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội). Đây là sự kiện trong khuôn khổ dự án “Năng động cùng thể thao” – một sáng kiến cộng đồng phi lợi nhuận mà Nike xây dựng cho học sinh lứa tuổi từ 6-11 và được triển khai thực hiện tại Hà Nội từ năm 2017.

Ngày Hội thể thao cũng là cam kết của Nike nhằm giúp trẻ em vận động nhiều hơn, từ đó các em có cuộc sống năng động, khỏe mạnh, hạnh phúc và thành công hơn.

Tại Ngày hội, các thầy cô giáo và toàn thể học sinh đã cùng tham gia vào những trò chơi sôi động như bóng đá, chuyền bóng nhanh, đi qua suối, dẫn bóng ghi bàn... Đây là các trò chơi vận động được giới thiệu trong cuốn Tài liệu hướng dẫn phương pháp dạy học môn Giáo dục thể chất (GDTC) cấp Tiểu học theo Chiến lược 6C, với mục tiêu xây dựng nền giáo dục thể chất năng động, sáng tạo, lấy trẻ em làm trung tâm.

Phương pháp tiếp cận môn GDTC bậc Tiểu học đề cập trong tài liệu này được phát triển từ “Chiến lược huấn luyện dẫn đến thành công – 6C” - một phương pháp quy chuẩn cho GDTC bậc tiểu học được xây dựng bởi nhiều tổ chức trên toàn cầu và đã được nhóm nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam biên soạn lại cho phù hợp giáo trình GDTC tại Việt Nam.

Sự hào hứng của mỗi em học sinh khi tham gia các trò chơi trong Ngày Hội thể thao một lần nữa khẳng định tính hiệu quả của "Chiến lược huấn luyện dẫn đến thành công – 6C” trong bộ môn GDTC tại cấp tiểu học.

PGS. TS Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam – Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng Giáo dục Phổ thông Quốc gia, nhận định: “Ngày Hội thể thao 2020 là một sân chơi bổ ích và lý thú dành cho học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thông qua việc áp dụng các trò chơi vận động trong cuốn Tài liệu hướng dẫn không chỉ mang lại những khoảnh khắc vui tươi và đáng nhớ cho các em học sinh mà còn khuyến khích các em vận động nhiều hơn, khơi dậy tình yêu thể dục thể thao trong mỗi em. Đây cũng chính là nguồn động lực to lớn để nhóm nghiên cứu phương pháp dạy học môn GDTC tiếp tục phát triển cuốn tài liệu cũng như mang những phương pháp đó thí điểm tại nhiều trường tiểu học trên cả nước”.

Nhân dịp này, trường Tiểu học, THCS và THPT Thực Nghiệm Khoa học giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng tổ chức 1 lớp tập huấn mẫu dành cho các giáo viên bộ môn GDTC thông qua việc ứng dụng phương pháp dạy học giáo dục thể chất trong Tài liệu hướng dẫn phương pháp dạy học môn Giáo dục thể chất (GDTC) cấp Tiểu học theo Chiến lược 6C. Mục tiêu của buổi tập huấn này nhằm chuẩn bị cho các khóa tập huấn giáo viên bộ môn GDTC tại 7 tỉnh thành trên khắp cả nước, dự kiến sẽ triển khai vào tháng 12 năm 2020.

Dự án “Năng động cùng thể thao” được triển khai dựa trên Sổ tay hướng dẫn Made to Play của Nike, cam kết giúp trẻ em vận động nhiều hơn thông qua các hoạt động vui chơi và thể thao để các em phát triển toàn diện, có cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc và thành công hơn.

Được triển khai lần đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh từ năm 2015, trong năm học 2018-2019, dự án “Năng động cùng thể thao” đã tiếp cận trực tiếp tới 5.000 em học sinh, nâng cao năng lực cho 85 giáo viên giáo dục thể chất, huấn luyện viên và sinh viên sư phạm thể dục thể thao.

Trong năm học 2019-2020, dự án đã tổ chức thành công chuỗi sự kiện “Giờ học vui” dành cho các em học sinh và cha mẹ tại các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đặc biệt, lần đầu tiên trong khuôn khổ của dự án có các hoạt động giáo dục thể chất được thiết kế dành riêng cho các em học sinh khiếm thị.

Các hoạt động trong dự án đã nhận được sự đánh giá tích cực từ các chuyên gia giáo dục thể chất, cha mẹ học sinh, thầy cô và lãnh đạo các nhà trường; đặc biệt thành công trong việc khơi dậy sự hứng khởi và chủ động rõ rệt của học sinh trong từng giờ học.