📞

Ngày quốc tế Hạnh phúc 20/3: Hạnh phúc bình dị của một đứa trẻ

Phương Ly 11:02 | 20/03/2024
Một đứa trẻ hạnh phúc là khi được yêu thương, biết quan tâm người thân, sống chan hòa, nhân ái, có trách nhiệm với cộng đồng...
Một đứa trẻ hạnh phúc là khi được sống chan hòa, nhân ái với thiên nhiên... (Ảnh: Kim Ngân)

Năm 2012, Liên hợp quốc chính thức công bố ngày 20/3 hằng năm là Ngày quốc tế Hạnh phúc. Trong cuộc sống, hạnh phúc đôi khi chỉ đơn giản là được sẻ chia những niềm vui và nỗi buồn. Một đứa trẻ hạnh phúc là khi được quan tâm, yêu thương chăm sóc những người thân, sống chan hòa với thiên nhiên, nhân ái, có trách nhiệm với cộng đồng, biết bảo vệ môi trường...

Nhiều chuyên gia cho rằng, để cuộc sống trở nên hạnh phúc hơn, trẻ em thời nay cần hiểu và được giáo dục về hạnh phúc.

Một đứa trẻ cảm thấy hạnh phúc là khi chúng được tôn trọng, yêu thương. Nơi đó không có sự áp đặt, không có những kỳ vọng, không bị áp lực học hành đè nén. Đó là khi đứa trẻ luôn cảm thấy hài lòng với những thành tích đạt được, luôn tự tin vì mình tiến bộ hơn ngày hôm qua, không bị “bủa vây” bởi danh hiệu, thành tích.

Nghĩa là, để đứa trẻ cảm nhận trọn vẹn hạnh phúc, chỉ đơn giản là sự sẻ chia, được là chính mình. Khi sự sẻ chia ấy được nhân lên sẽ giúp các em trở nên tử tế hơn.

Còn nhớ trong buổi trò chuyện mới đây tại Hà Nội với chủ đề “Trường học hạnh phúc”, PGS.TS. Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, hạnh phúc là cảm giác nội tại từ bên trong. Nếu phụ huynh muốn hạnh phúc thì không nên thay đổi con cái hay thầy cô mà nên thay đổi cách thức nhìn nhận vấn đề.

Theo ông Nam, việc thay đổi quan niệm về sự thành công của con cái cũng giúp cha mẹ và đứa trẻ trở nên hạnh phúc hơn. Bên cạnh thay đổi quan niệm từ phía phụ huynh, bản thân giáo viên cũng cần có sự thay đổi để phụ huynh, học sinh bớt áp lực hơn, để đứa trẻ không phải gánh những lo toan, cảm xúc tiêu cực đến từ người lớn.

Như vậy, muốn tạo nên những đứa trẻ hạnh phúc, cần chiếc “kiềng ba chân” gia đình - nhà trường - xã hội để hiểu nhau, hỗ trợ lẫn nhau và giúp đứa trẻ đạt được mục tiêu cuộc đời một cách hạnh phúc. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, đôi khi sự sáng tạo bị hạn chế cùng với việc chạy đua thành tích vô tình khiến đứa trẻ trở nên chai lì cảm xúc. Nhiều đứa trẻ không được cha mẹ tôn trọng ý kiến, không được phản biện mà phải chạy theo những quy chuẩn của người lớn đặt ra. Ở đó, chắc chắn sẽ không có những đứa trẻ hạnh phúc.

Giáo dục cần hướng đến sự cá nhân hóa, để mỗi đứa trẻ đều được phát huy thế mạnh của mình bởi chúng ta không thể đánh giá tài leo cây của một con cá. Hãy để tiềm năng khác nhau của đứa trẻ được “phát lộ”, hãy cho phép học sinh được thể hiện cá tính riêng của mình, để cho việc học trở nên nhẹ nhàng hơn. Làm sao để các em đón nhận việc học trên tâm thế khám phá tri thức chứ không phải học chỉ để đáp ứng những kỳ thi.

Trẻ em cảm thấy hạnh phúc từ những điều bình dị trong cuộc sống. (Ảnh: Kim Ngân)

Ngày quốc tế Hạnh phúc năm nay có chủ đề “Hạnh phúc cho mọi người”. Muốn đứa trẻ hạnh phúc, điều quan trọng là cha mẹ hãy luôn đồng hành cùng con và tận hưởng những giây phút quý giá đó. Hãy giúp con biết ứng dụng kiến thức vào cuộc sống thường ngày, để đứa trẻ không cảm thấy cô đơn trên hành trình tìm kiếm tri thức và chinh phục chính mình.

Nếu cha mẹ kỳ vọng con theo các mẫu hình khác, sẽ vô tình gây áp lực cho con em mình. Đứa trẻ sẽ cảm thấy áp lực khi không đạt được như sự kỳ vọng của cha mẹ, không cảm nhận được tình yêu thương từ cha mẹ dù được đáp ứng đầy đủ nhu cầu về vật chất. Với những đứa trẻ luôn cảm thấy cô đơn trong nhà mình thì khi đó, con sẽ không thể cảm thấy hạnh phúc.

Tại sao có nhiều đứa trẻ được chiều chuộng, được đáp ứng đầy đủ nhu cầu về vật chất nhưng vẫn không hạnh phúc? Khi sống quá đủ đầy, trẻ sẽ không hiểu được nhu cầu cấp thiết của cuộc sống.

Chính vì vậy, những đứa trẻ được chiều chuộng quá mức sẽ khó cảm nhận được niềm vui giản đơn như được nhận một món quà, một bộ quần áo mới, được ăn một bữa ngon bên gia đình. Quan niệm cha mẹ bù đắp hết vật chất cho con vô tình sinh ra những đứa trẻ thiếu vững vàng trong cuộc sống, không cảm nhận được niềm hạnh phúc xung quanh mình.

Mỗi người được ví như một mảnh ghép không thể thiếu trong thế giới muôn màu. Hãy luôn dạy trẻ cảm nhận về hạnh phúc, cách trải nghiệm để tìm kiếm những điều nhỏ bé, dung dị và ý nghĩa xung quanh mình.