📞

Nghi lễ lên đồng “Tứ Phủ” - món quà Xuân đầy ý nghĩa

09:55 | 19/02/2016
Tối 18/2, Ủy Ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Viet Theatre đã phối hợp tổ chức chương trình biểu diễn Nghi lễ lên đồng “Tứ Phủ” trong tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam.

Đại sứ Phạm Sanh Châu, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO và đạo diễn Nguyễn Việt Tú tại buổi diễn. (Viet Theatre)

Chương trình diễn ra tại rạp Công nhân Hà Nội như món quà đầu Xuân đầy ý nghĩa gửi đến bạn bè quốc tế và người dân Thủ đô.

Tại buổi trình diễn Nghi lễ lên đồng “Tứ Phủ”, Đại sứ Phạm Sanh Châu, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO cho biết: "Ngày 28/3/2015, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã đệ trình lên tổ chức UNESCO hồ sơ: "Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hồ sơ sẽ được UNESCO xem xét đánh giá vào tháng 12/2016 tại kỳ họp thứ 11 của Ủy ban liên chính phủ Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể 2003 (Công ước 2003) tại Ethiopia".

Dưới sự dàn dựng công phu, kỹ đến từng chi tiết của Đạo diễn Nguyễn Việt Tú, ba giá đồng tiêu biểu: Chầu Đệ nhị, Ông Hoàng Mười và Cô bé Thượng ngàn do thanh đồng Thục Hiền; hầu dâng Hải Biên, Đăng Chương; Cung văn Văn Phương, Thành Lê… thực hiện, đã cho khán giả thấy được sự gần gũi với đời sống người dân của những thánh minh như ông Hoàng Mười, Cô bé Thượng ngàn.

Việc thể hiện một cách sống động hình ảnh mẫu mực của Chầu Đệ nhị, sự oai nghiêm của ông Hoàng Mười hay sự nhí nhảnh vui tươi của Cô bé Thượng ngàn đã cho người xem cảm giác về sự may mắn, tốt đẹp. Sân khấu vừa tĩnh bởi những họa tiết cổ với cặp hạc đứng hai bên, vừa động bởi màn ảnh 3D thay đổi liên tục những nội dung, tích chuyện thánh thần. Tất cả kết hợp hài hòa với nhau, tạo nên những nghi thức lên đồng vừa uy nghiêm, lại vừa gần gũi.

Hình ảnh giá đồng Chầu Đệ nhị do thanh đồng Thục Hiền thực hành. (Viet Theatre)

Nói về Chương trình, Đạo diễn Nguyễn Việt Tú cho biết: “Văn hóa nghi lễ lên đồng Tứ Phủ của Việt Nam rất đẹp. Tôi chỉ là người mong muốn làm đúng được vẻ đẹp ấy. Tôi đã mất ba năm để thực hiện chương trình này. Trong đó, thai nghén và bước vào thực hiện trong suốt một năm. Tôi đã may mắn khi gặp được những nghệ nhân vẽ tranh Hàng Trống và nhiều người khác vẫn còn lưu giữ được những hiện vật liên quan đến nghi lễ này. Tôi trân trọng những khán giả quan tâm đến nghệ thuật lên đồng, trong đó có cả người nước ngoài, vượt lên trên cả sự khác biệt về ngôn ngữ”.

Tại buổi biểu diễn, ông Thomet Philippe (người Bỉ) chia sẻ: “Tôi rất vui khi được vợ (người Việt Nam) đưa đi xem buổi biểu diễn này. Tôi thấy được tín ngưỡng văn hóa của Việt Nam rất phong phú, thú vị và tôi rất thích. Tôi được biết, các bạn còn thực hành hoạt động này tại những nơi linh thiêng. Nếu có dịp, tôi sẽ đến những nơi đó để thưởng thức”

Chương trình khép lại bằng sự giá “Cô bé thượng ngàn” vui tươi nhí nhảnh ban phát lộc may mắn đầu năm làm cho khán giả càng thêm ấn tượng về buổi diễn khó quên này.