Chiến lược EU-Trung Quốc của Nghị viện châu Âu tập trung vào giá trị, kinh tế-thương mại và an ninh. (Nguồn: AP) |
Cách tiếp cận Trung Quốc nhất quán
Văn bản nhấn mạnh, Trung Quốc đang khẳng định vai trò toàn cầu mạnh mẽ hơn và do đó, đem lại các “thách thức nghiêm trọng” với EU và “hệ quả lâu dài” tới trật tự thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là đối tác hợp tác và đàm phán của EU.
Cách tiếp cận vừa cạnh tranh, vừa hợp tác này khá nhất quán với cách tiếp cận được Hội đồng châu Âu (EC) đưa ra trong văn bản Kết luận về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hồi tháng 4/2021.
Với cách tiếp cận trên, Nghị viện đưa ra 6 trụ cột trong quan hệ EU-Trung Quốc để Ủy ban, Cao ủy và Hội đồng châu Âu xem xét, bao gồm: đối thoại và hợp tác mở về các thách thức toàn cầu; tăng cường can dự về giá trị phổ quát, quy chuẩn quốc tế và nhân quyền; phân tích và xác định các rủi ro, điểm yếu và thách thức; tăng cường quan hệ với các đối tác đồng quan điểm; củng cố tự chủ chiến lược, bao gồm tự chủ trong thương mại và đầu tư; gìn giữ và thúc đẩy các lợi ích và giá trị cốt lõi của châu Âu thông qua việc biến châu lục này thành nhân tố địa chính trị hữu hiệu hơn.
Ba điểm nổi bật về nội dung
Mặc dù có 6 trụ cột với 70 điều khoản, nghị quyết tập trung vào 3 vấn đề chính trong quan hệ EU-Trung Quốc: giá trị, kinh tế-thương mại và an ninh. So sánh với các văn bản trước đó của liên minh kinh tế-chính trị này, có thể rút ra một số đánh giá ban đầu.
Thứ nhất, vấn đề giá trị được Nghị viện EU đặc biệt nhấn mạnh. Trọng tâm này trước hết được thể hiện qua thứ tự ưu tiên về nội dung.
Theo đó, nội dung giá trị (gồm dân chủ, nhân quyền, thượng tôn pháp luật, trừng phạt của Trung Quốc với các quan chức EU…) đứng thứ hai trong 6 phần nội dung.
Trong phần đầu về thách thức toàn cầu, 2/8 ý cũng tập trung vào vấn đề giá trị và chiếm độ dài lớn nhất. Các nội hàm của giá trị cũng được lồng ghép trong các phần về an ninh và kinh tế theo sau.
Ngôn ngữ và các kiến nghị trong văn bản cũng thể hiện quan tâm của EU tới vấn đề này khi Nghị viện dùng những ngôn từ mạnh mẽ và đưa ra các biện pháp mặc cả được cho là cứng rắn với Trung Quốc.
Một điểm đáng chú ý nữa cho thấy trọng tâm giá trị là, nếu so với bản nháp nghị quyết hồi tháng 7, bản cuối cùng giống y hệt về nội dung, chỉ thêm một ý nhỏ về chính vấn đề giá trị: EU kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật của Macao, không can thiệp vào bầu cử và truyền thông Bồ Đào Nha.
Thứ hai, kinh tế-thương mại đặt sau giá trị nhưng vẫn nhận được nhiều chú ý.
Đây là nội dung có dung lượng lớn nhất (20/70 điều) – điều dễ hiểu bởi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của EU và nhiều thành viên của khối hiện đang tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) như Hungary, Hy Lạp, Italy, Bồ Đào Nha…
So với bản Tầm nhìn chiến lược EU-Trung Quốc của Ủy ban châu Âu (EC) năm 2019, nghị quyết này có một số nội dung mới, cập nhật với diễn biến thực tế hơn.
Cụ thể, nghị quyết nhắc đến các thách thức mới nổi như: phụ thuộc kinh tế của EU vào Trung Quốc ngày một lớn khi trong đại dịch Covid-19 năm 2020, Trung Quốc lần đầu tiên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU; Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc với chiến lược “lưu thông kép” có thể ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của doanh nghiệp EU; thách thức về “chủ quyền” số và công nghệ trong thời đại 5G, 6G, trí tuệ nhân tạo (AI)…
Thứ ba, các vấn đề an ninh phi truyền thống được ưu tiên, nêu lên trước các vấn đề truyền thống. Phần đầu văn bản đã nhắc đến các thách thức an ninh toàn cầu, trong đó nhấn mạnh 2 nguy cơ phi truyền thống như đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu.
Văn bản đề cập các thách thức truyền thống tại Đông Á. Đáng ngạc nhiên, cụm từ an ninh biển không được nhắc đến lần nào, trong khi đây là một trong ba trụ cột trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hồi tháng 4/2021.
Tại Đông Á, điểm nóng Đài Loan có vẻ như được Nghị viện EU chú ý nhất khi nhắc đến 19 lần. Tuy nhiên, vấn đề Biển Đông vẫn được nhắc đến 2 lần, Biển Hoa Đông được nhắc đến 1 lần và an toàn hàng hải được nhắc đến 3 lần, dù chỉ được đặt trong bối cảnh hợp tác với các nước đồng quan điểm, NATO và Bộ tứ…
Một số nét đáng chú ý khác
Trung Quốc đã nhanh chóng phản ứng trước văn bản mới của Nghị viện EU.
Trong cùng ngày, Đại diện Trung Quốc tại EU đã chỉ trích Brussels can thiệp nội bộ, vi phạm quy tắc quan hệ quốc tế và các cam kết của EU trước đó trong nhiều lĩnh vực (dù không nói rõ lĩnh vực nào).
Phản ứng này đã được dự đoán trước, bởi Trung Quốc vẫn thường có những phát ngôn tương tự khi EU hay các nước phương Tây đề cập vấn đề nhân quyền và Đài Loan trước đó.
Ngoài ra, nếu chú ý đến quá trình bỏ phiếu, có thể thấy, nội bộ Nghị viện EU khá đồng thuận về nội dung. Bản dự thảo nghị quyết tháng 7 nhận được 58 phiếu thuận, 8 phiếu chống và 4 phiếu trắng.
Trong đó, các phiếu chống chủ yếu đến từ nhóm bảo thủ (Đảng Identity and Democracy) và nhóm có xu hướng xã hội chủ nghĩa (Đảng The Left). Thậm chí, Đảng The Left còn ra tuyên bố riêng, cảnh báo việc can dự vào cạnh tranh Mỹ-Trung không phải lợi ích của EU.
Nhìn chung, bản nghị quyết về chiến lược EU-Trung Quốc mới tiếp tục cách tiếp cận cạnh tranh-hợp tác với Trung Quốc đã được EU định hình trước đó, nhưng nêu bật thách thức mới về kinh tế, các nguy cơ phi truyền thống và gắn chặt các nội dung quan hệ song phương vào vấn đề giá trị.
Văn bản này, được đưa ra cùng ngày với tuyên bố mới của Ủy ban châu Âu về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, sẽ là nền tảng để EU và các nước thành viên hoạch định chính sách với Trung Quốc trong thời gian tới.