📞

Ngoại giao bóng đá Trung Quốc: Mạnh vì gạo…

17:00 | 28/03/2016
Dường như Chủ tịch Tập Cận Bình đang dồn hết tâm huyết vào công cụ “ngoại giao bóng đá” để sánh ngang với “ngoại giao bóng bàn” đình đám thời Chủ tịch Mao Trạch Đông.
Chủ tịch Tập Cận Bình luôn bộc lộ niềm đam mê đối với bóng đá. (Nguồn: Reuters)

Là cường quốc mới nổi với 1,35 tỷ dân và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thể thao Trung Quốc cũng nhận được nhiều sự quan tâm và đầu tư để có thể vươn tới đẳng cấp quốc tế. 

Từ quyết tâm của vị Chủ tịch nước

Tuy nhiên, riêng với môn thể thao mà Chủ tịch Tập Cận Bình yêu thích - bóng đá - thì lại chưa đạt được kỳ vọng. Thực tế này khiến Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ quyết tâm nâng tầm đội bóng đá quốc gia (hiện ở hạng 82 bóng đá nam thế giới và 13 bóng đá nữ thế giới) lên để có thể vô địch World Cup. 

Tuyên bố này có thể gây shock hay chọc cười nhiều người từng biết về bóng đá Trung Quốc, nhưng nếu phản ứng như vậy thì dường như họ chưa biết về sự “táo bạo” của vị Chủ tịch Trung Quốc mê bóng đá này.

Bắt đầu với kế hoạch cải cách kinh tế – xã hội mới do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề ra, có một phần là “cải cách bóng đá” nhằm chấm dứt sự “lạc hậu” của nền bóng đá Trung Quốc cũng như giúp quốc gia này thực hiện giấc mơ siêu cường thể thao. 

Theo đó, kể từ năm 2015 đến năm 2025, Bắc Kinh quyết tâm tạo ra một nền thể thao có giá trị lên tới 850 tỷ USD (tổng giá trị toàn bộ nền thể thao toàn cầu trong năm 2015 là khoảng 400 tỷ USD). Khác với việc Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Bộ Tư pháp Mỹ phải rất vất vả để đưa một vài hình ảnh của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) vào hệ thống sách giáo dục thì Bắc Kinh có thể nhanh chóng tập hợp 30 chuyên gia về bóng đá và xây dựng lên bộ sách dạy bóng đá cơ bản áp dụng bắt buộc cho các học sinh tiểu học và trung học.

Vốn là một người hâm mộ bóng đá lâu năm, Chủ tịch Tập Cận Bình tin rằng bóng đá có thể giúp tăng cường lòng yêu nước và tinh thần tập thể của nhân dân bởi ông bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự chia cắt trong xã hội Trung Quốc do ảnh hưởng của tốc độ phát triển kinh tế. 

Không để cho ông Tập Cận Bình thất vọng, nền kinh tế Trung Quốc đã nhanh chóng “hòa nhịp” cùng tình yêu bóng đá của vị Chủ tịch này. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã tham gia vào công cuộc cải cách bóng đá trong nước. Ngay lập tức, công cụ “ngoại giao bóng đá” đã gặt hái được thành công đầu tiên với việc thu hút bản hợp đồng trị giá 1,3 tỷ USD cho bản quyền truyền hình giải Super League Trung Quốc (CSL), nhiều gấp 25 lần so với bản hợp đồng của năm 2014. 

Mạnh tay mua cầu thủ

Bên cạnh đó, công tác “nâng cấp” được các câu lạc bộ bóng đá nội địa Trung Quốc không ngừng đẩy mạnh. Đầu năm nay, câu lạc bộ Jiangsu Suning thuộc sở hữu của chuỗi bán lẻ Suning đã phá vỡ kỷ lục về khoản tiền mà một câu lạc bộ bóng đá châu Á từng chi cho một cầu thủ khi trả tới 35 triệu USD để chiêu mộ Ramires, tiền vệ người Brazil lúc đó thi đấu cho Chelsea. Bảy ngày sau, câu lạc bộ Guangzhou Evergrande Taobao cũng thể hiện sự cạnh tranh khi mua Jackson Martinez từ câu lạc bộ Atletico Madrid (Tây Ban Nha) với giá 45 triệu USD. Không chịu để mất kỷ lục, vài ngày sau, Jiangsu chi ra 53 triệu USD cho câu lạc bộ Shakhtar Donetsk (Ukraine) để có được tiền vệ người Brazil Alex Teixeira.

Cuộc chạy đua cầu thủ cứ thế tiếp diễn. Chỉ tính đến 26/2, tổng chi phí chuyển nhượng cầu thủ của các câu lạc bộ hàng đầu Trung Quốc đã lên tới khoảng 300 triệu USD, nhiều hơn tổng kinh phí sản xuất của tất cả các câu lạc bộ này trong năm giải đấu hàng đầu châu Âu vào mùa Đông năm ngoái. 

Với đà này, cũng chẳng quá xa vời khi dự đoán CSL nhiều khả năng sẽ sớm soán ngôi giải Major League Soccer của Mỹ để trở thành điểm dến cho các cầu thủ muốn kiếm nhiều tiền hơn là danh tiếng. Có thể nói, nền bóng đá Trung Quốc đang trong cơn “khát hàng ngoại” còn hơn cả cơn “khát tài nguyên” của nền kinh tế tăng trưởng nóng.

Thực tế trước đây cho thấy, chiến lược “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” này của Bắc Kinh đã được triển khai trong cả lĩnh vực quân sự, khoa học công nghệ và đem đến nhiều hiệu quả to lớn. 

Khi đã sở hữu một nền bóng đá “đắt giá”, Chủ tịch Trung Quốc cũng có thể sử dụng nó làm một công cụ ngoại giao hữu ích như là trao đổi tình yêu bóng đá với các quan chức cấp cao hay đến sân vận động ở các nơi ông công du để xem đội bóng yêu thích thi đấu. 

Dù vậy, trước mắt nền bóng đá Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài để lấn át thứ quyền lực mềm mà giải Premier League trao cho nước Anh. Nhưng ít nhất, trong chuyến thăm đến Trung Quốc năm 2015 của Hoàng tử Anh William, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chia sẻ tình yêu cho đội bóng Aston Villa với hoàng tử. Ông còn thẳng thắn bày tỏ hy vọng có thể đưa một câu lạc bộ Trung Quốc tham dự Premier League. Trong khi đó, về phần mình, hoàng tử của một cường quốc nổi tiếng với các câu lạc bộ bóng đá lớn lại ước ao có thể học nhiều hơn từ nền bóng đá Trung Quốc. Bởi dẫu sao Chủ tịch Tập Cận Bình đã bộc lộ giấc mơ vô địch World Cup của mình trong khi nước Anh thậm chí còn chưa bao giờ có được danh hiệu đó, kể từ năm 1966 đến nay. 

Có lẽ, đây cũng chính là bước khởi đầu cho công tác tạo dựng “sức mạnh mềm” mới của Trung Quốc khi sử dụng môn bóng đá để thu hút sự chú ý của thế giới.

(tổng hợp)