📞

Ngoại giao công chúng: Muốn tốt phải thuận “hai tay”

Diệu Linh 16:00 | 04/01/2020
TGVN. Trong kỷ nguyên số, các nhà ngoại giao “hiện đại” không chỉ tập trung vào mạng xã hội mà còn cần tiếp tục giữ liên hệ mật thiết với giới báo chí truyền thống.
Mối quan hệ mật thiết với các nhà báo nước sở tại vẫn hết sức cần thiết với các nhà ngoại giao. (Nguồn: USC)

Năm 1986, buổi gặp gỡ đầu tiên giữa một Tùy viên báo chí Israel tại Anh với một nhà báo nước sở tại chuyên viết xã luận cho Thời báo London bị hủy ngay trước giờ hẹn hai tiếng. Lý do là nhà báo này phải tìm hiểu cấp tốc về vụ ám sát Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme và tất cả thông tin liên quan đến nền chính trị Thụy Điển trong vài giờ.

Với kinh nghiệm từng là Tùy viên báo chí 4 năm tại Stockholm, vị Tùy viên báo chí Israel đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội để đưa ra đề nghị gỡ rối cho phóng viên Thời báo London: “Chúng ta hãy cứ gặp nhau đi, tôi sẽ cho anh biết mọi thông tin cần thiết về Thủ tướng Palme và Thụy Điển. Chúng ta có thể nói về Israel vào một dịp khác”.

Hôm sau, khi bài báo đầy đặn thông tin được đăng tải, anh Tùy viên báo chí Israel nhận được cuộc gọi với nội dung: “Hôm qua, anh đã giúp tôi rất nhiều, sau này cứ gọi tôi nhé nếu anh muốn viết bất cứ bài báo nào về Israel”.

Thời “Đại sứ quán ảo” lên ngôi

Đó là câu chuyện của hơn ba thập kỷ trước. Trong thời đại công nghệ hiện nay, câu chuyện trên đã trở nên lỗi thời khi các nhà ngoại giao chuộng truyền thông kỹ thuật số và giảm bớt sự phụ thuộc vào báo chí truyền thống. Trong hơn một thập kỷ qua, nhiều chính phủ đã tìm cách tiếp cận các quốc gia chưa có quan hệ ngoại giao chính thức hay đang có quan hệ căng thẳng bằng cách lập “Đại sứ quán ảo”.

“Đại sứ quán ảo” là nơi các chính phủ đặt niềm tin rằng ngoại giao kỹ thuật số có thể thành công khi ngoại giao truyền thống thất bại và không gian mạng có thể đóng vai trò là nơi gặp gỡ trung lập của hai nước hay là cây cầu kết nối.

Israel lập tài khoản Twitter IsraelintheGulf nhằm thúc đẩy đối thoại với 6 quốc gia vùng Vịnh (GCC) mà Israel không có quan hệ ngoại giao chính thức.

Điển hình của mô hình này có thể kể đến trang U.S. Virtual Embassy Tehran, “Đại sứ quán ảo” của Mỹ tại Tehran được Bộ Ngoại giao Mỹ ra mắt năm 2011 nhằm thúc đẩy đối thoại giữa Mỹ và người dân Iran; hay trang web Second Life (Cuộc sống thứ hai), hoạt động như một cầu nối văn hóa của Thụy Điển.

Tiếp nối sáng kiến trên, Israel cũng đã ra mắt tài khoản IsraelintheGulf trên Twitter vào ngày 7/3/2013, nhằm thúc đẩy đối thoại giữa Israel và công dân của 6 quốc gia vùng Vịnh (GCC) mà Israel không có quan hệ ngoại giao chính thức. Từ đó, các nhà ngoại giao Israel đưa ra các giải pháp giảm thiểu sự chỉ trích đến từ truyền thông địa phương. Cho đến nay, "Đại sứ quán ảo” này đã đăng 751 dòng tweet với 29.150 người theo dõi.

Hoạt động của hai “Đại sứ quán ảo” của Thụy Điển và Mỹ hiện đã bị gián đoạn. Trang Second Life bị dừng hoạt động năm 2013 và trang U.S. Virtual Embassy Tehran đã bị chính phủ Iran chặn. Tuy nhiên, xu hướng áp dụng phương thức ngoại giao này sẽ tăng trong những năm tới. Lý do là các “Đại sứ quán ảo” có thể giúp các nhà ngoại giao đạt được mục tiêu cuối cùng của ngoại giao kỹ thuật số là tiếp cận và tương tác nhiều hơn với cộng đồng quốc tế.

Không thể xa rời kênh truyền thống

Mặc dù ngoại giao kỹ thuật số là một xu thế không thể phủ nhận, vai trò của báo chí truyền thống vẫn đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền đối ngoại của mỗi quốc gia.

Trong những năm đầu tiên khi số hóa hoạt động đối ngoại, các cơ quan ngoại giao đã xem phương tiện truyền thông xã hội như các kênh truyền thông đại chúng. Một đại sứ quán có thể đăng nhập vào Twitter, đăng các dòng tweet và tiếp cận hàng triệu người dùng, hay làm việc tương tự như khi sử dụng Facebook, Reddit hoặc Instagram. Tuy vậy, khả năng tiếp cận công chúng của các tài khoản này khá hạn chế, một phần nguyên nhân là số lượng người theo dõi các nền tảng mạng xã hội của các cơ quan ngoại giao vẫn chưa phổ biến.

Chẳng hạn, chỉ những người dùng theo dõi trực tiếp trang blog của Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh (FCO) hoặc những người quan tâm đến ngoại giao, chính sách đối ngoại, các vấn đề quốc tế và ngoại giao của Anh mới xem được các bài viết do cơ quan này đăng tải. Còn những người không theo dõi hay ít quan tâm đến lĩnh vực này sẽ không biết đến các bài viết của FCO.

Muốn khắc phục hạn chế trên, các nhà ngoại giao phải liên tục tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng và độ lan tỏa đến công chúng. Để đạt được hiệu quả mong đợi, họ có thể tận dụng khiếu hài hước, cá tính của mình, hay dùng các hashtag theo xu hướng… để thu hút người quan tâm.

Song song với các phương pháp trên, việc đăng tải nội dung, tiết lộ thông tin đúng mà hấp dẫn sẽ thu hút các cơ quan báo chí, truyền thông khai thác và chia sẻ lại trên nền tảng trực tuyến vốn phổ biến với độc giả hơn so với các đại sứ quán. Theo đó, các nhà ngoại giao phải duy trì và phát triển các mối quan hệ mật thiết với các nhà báo nói riêng và các cơ quan truyền thông, báo chí nói chung.

Mặt khác, việc hợp tác với báo chí giúp các nhà hoạt động đối ngoại thu thập tin tức, tránh được việc bỏ sót thông tin và bác bỏ các thông tin giả mạo, gây bất lợi. Khi có “bạn đồng hành” là các cơ quan báo chí và truyền thông uy tín, các nhà ngoại giao sẽ dễ dàng truyền tải các thông điệp với mức độ lan tỏa rộng hơn, bởi độc giả dễ dàng tiếp cận thông tin nhờ vào báo chí, truyền thông hơn là lấy thông tin trực tiếp từ các tài khoản mạng xã hội của đại sứ quán.

Có thể thấy rằng, trong ngoại giao công chúng thời kỳ kỹ thuật số, nếu truyền thông xã hội được cho là “tay phải” trong việc tiếp cận và tương tác với cộng đồng, thì các cơ quan báo chí và truyền thông lại là “tay trái” giúp kết nối công chúng thực thụ, trên phạm vi rộng hơn. Việc vận dụng tối đa ưu điểm của hai “cánh tay” này luôn là mục tiêu mà giới ngoại giao truyền thống theo đuổi để phát triển ngoại giao trực tuyến.

(theo DigDipBlog)