📞

Ngoại giao cường quốc bậc trung trước sức ép cạnh tranh Mỹ-Trung

Thái Bình 20:41 | 25/11/2021
Trong thời đại ngày nay, sẽ không thể có giải pháp cho những vấn đề lớn nếu thiếu sự tham gia của các cường quốc, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc. Thành công sẽ phụ thuộc rất nhiều vào lòng tin mà các bên dành cho vai trò của đối phương trong quá trình này.
Ngoại giao cường quốc bậc trung trước sức ép cạnh tranh Mỹ-Trung. (Nguồn: East Asia Forum)

Quan hệ Mỹ-Trung chi phối thế giới

Đối với các vấn đề biến đổi khí hậu và chuyển đổi nền kinh tế; vấn đề kiểm soát vũ khí và hạn chế việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; và trong cả vấn đề cải tổ thương mại và quản trị kinh tế toàn cầu để kiểm soát hiệu quả nền kinh tế số với những mối liên hệ và ràng buộc phức tạp của thế kỷ XXI: nếu Mỹ và Trung Quốc đều không muốn hướng đến giải pháp, thì sẽ không có câu trả lời nào cho những bài toán hóc búa mà thế giới phải đương đầu.

Tuy nhiên, dư luận cũng ngày càng hiểu rõ rằng, cả 2 cường quốc này sẽ không thể tự mình giải quyết các vấn đề trên mà không gây thiệt hại cho trật tự toàn cầu.

Mỹ và Trung Quốc chiếm tới 2/5 sản lượng toàn cầu, và khoảng 1/4 thương mại quốc tế, trong khi mức chi tiêu quân sự tương đương hơn một nửa mức toàn thế giới.

Năm 1960, Mỹ chiếm 2/5 GDP và 15% thương mại toàn cầu. Khoảng 60% GDP và 75% thương mại toàn cầu năm 2020 thuộc về châu Âu và một số các cường quốc bậc trung khác.

Nếu Washington có quyết tâm dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu và hệ thống thương mại ngày nay như những phiên bản “Nước Mỹ trước tiên” mà Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố và giờ được Tổng thống Joe Biden đương nhiệm thúc đẩy, rõ ràng là nước Mỹ cần tăng cường hơn nữa sức ảnh hưởng trên toàn cầu.

Cuộc thảo luận trực tuyến kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ hồi tuần trước giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã diễn ra một cách tích cực và khơi mở đối thoại về tên lửa hạt nhân.

Song một vấn đề lớn khác là nền kinh tế và quản trị toàn cầu, nơi tồn tại rất nhiều khúc mắc, hầu như không đạt được kết quả.

Trên thực tế, Mỹ và Trung Quốc dường như đang cố gắng hết sức để làm giảm giá trị cái gọi là quản trị thương mại toàn cầu.

Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 không phải là thương mại tự do, mà là thương mại có quản lý – với việc Trung Quốc đã đồng ý mua hạn ngạch hàng hóa từ Mỹ.

Nhà phân tích Tom Westland bình luận trong một bài viết gần đây rằng, "trong kinh tế cũng như trong thể thao, cạnh tranh được quản lý tốt nhất bởi các trọng tài trung lập, chứ không phải người chơi".

Theo ông, “không rõ cạnh tranh có quản lý một cách trách nhiệm theo kiểu của ông Tập Cận Bình và ông Biden sẽ như thế nào. Song nếu mọi chuyện giống như những hoạt động thương mại có quản lý đang chi phối các tương tác kinh tế của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, thì 'cạnh tranh' là một cách dùng từ rất sai”.

Áp lực của các cường quốc bậc trung

Nếu các cường quốc bậc trung, vốn cấu thành lực lượng thứ ba, đứng ngoài lề và để Mỹ cùng Trung Quốc định hình thế giới, họ sẽ chẳng khác nào đang đầu hàng lợi ích quốc gia và lợi ích quốc tế cho một tập hợp các lợi ích quyền lực lớn.

Những đường đứt gãy địa chính trị và kinh tế lớn đe dọa sự thịnh vượng và an ninh toàn cầu đang tác động tới khu vực “sân sau” của Đông Á.

Các cường quốc bậc trung tại khu vực đang đối mặt với thách thức trong việc đưa ra các chiến lược cân bằng giữa một bên là đối tác kinh tế lớn với bên kia là đồng minh hoặc đối tác an ninh quan trọng.

Cùng với đó, họ cũng cần bảo vệ lợi ích và các quy tắc toàn cầu để bảo vệ đất nước khỏi bị “chà đạp” trước sức ép từ cả hai phía.

Việc Trung Quốc nỗ lực tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số Chile-New Zealand-Singapore cho thấy mong muốn của Bắc Kinh trong việc tham gia các quy tắc kinh tế tiên tiến mà Mỹ dẫn đầu.

Hệ thống thương mại đa phương là một lợi ích an ninh và chiến lược quan trọng trong khu vực. Điều này có được nhờ những can dự kinh tế cởi mở mà khu vực này cần để thu hút lợi ích của Mỹ tại châu Á, và đó chính xác là nơi mà Washington có các chính sách không mấy ủng hộ hệ thống dựa trên luật lệ đa phương.

Chương trình nghị sự quan trọng của các cường quốc tầm trung sẽ cần đến tài lãnh đạo và chính sách ngoại giao cẩn trọng, chủ động, cùng với sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ.

(theo East Asia Forum)