Khi đi qua khu Ngoại giao đoàn Vạn Phúc khang trang ngày nay, ít ai có thể hình dung cách đây gần nửa thế kỷ, khu vực này chỉ là ao muống của làng Vạn Phúc. Nhưng với Đại sứ Nguyễn Đăng Quang, mỗi trụ sở cơ quan đại diện của các nước được xây dựng ở Hà Nội vào thời điểm đó đều gắn với những kỷ niệm khó phai.
Quan hệ ngoại giao “nở rộ”
Tại trụ sở của Quỹ Hòa bình và Phát triển, nơi ông Quang giữ vai trò ủy viên, ông đã chia sẻ với TG&VN những ký ức sống động của mình trong giai đoạn trước và sau khi nước nhà thống nhất. Ông kể: “Tháng 5/1972, tôi công tác tại bộ phận kỹ thuật, phụ trách triển khai các chính sách hậu cần thời hậu chiến của Bộ Ngoại giao. Có khoảng 70 nước tiến hành thiết lập quan hệ ngoại giao với chúng ta trong những năm 70 của thế kỷ trước và rất nhiều nước muốn sớm mở cơ quan đại diện của họ tại Hà Nội”.
Chính vì vậy, để đáp ứng các yêu cầu này, Cục phục vụ Ngoại giao đoàn (thuộc Bộ Ngoại giao) được giao đảm nhiệm việc cung cấp nhà ở, phương tiện làm việc, phiên dịch… cho các cơ quan đại diện ngoại giao của các nước. Với số lượng nhân sự hạn chế, Cục phục vụ Ngoại giao đoàn phải căng mình đáp ứng lượng công việc khổng lồ. Trong đó, nhân sự phục vụ là vấn đề rất lớn, đặc biệt là nhân sự phiên dịch. Khi đó, Cục phải tuyển dụng thêm nhiều nhân sự, mở lớp đào tạo các thứ tiếng và tuyển sinh viên học các ngành khác ở nước ngoài về để phục vụ cho công việc này trong suốt những năm 70-90 của thế kỷ trước.
Khu Ngoại giao đoàn hiện tại. |
Tháng 5/1972, ông Nguyễn Đăng Quang được phân công phụ trách việc xây dựng nhà ở cho Đoàn ngoại giao. Công việc là khảo sát và chuyển dân khỏi các biệt thự Pháp để các cơ quan đại diện thuê lâu dài và cung ứng các dịch vụ khác phục vụ Ngoại giao đoàn. Với ông, đó là những năm tháng vô cùng bận rộn khi Hà Nội là tâm điểm rải bom của máy bay Mỹ, mọi việc phải vừa nhanh gọn, hiệu quả, lại vừa phải đảm bảo an toàn.
Cùng thời gian này, Đại sứ quán Thụy Điển (khi đó có trụ sở tại 18 Lê Phụng Hiểu – nay là Trung tâm văn hóa Italy) bày tỏ ý muốn chuyển đến một địa điểm rộng hơn do trụ sở cũ quá chật chội. Tuy nhiên, phía Việt Nam đang rất khó khăn, không thể cung cấp được nên các bạn Thụy Điển muốn tự xây. Thế là, trong tiếng còi báo động phòng không rú liên hồi, ông Nguyễn Đăng Quang cùng Đại sứ Jean-Christophe Oberg, đầu đội mũ sắt, xắn quần lội xuống ao làng Vạn Phúc để khảo sát địa điểm xây dựng Đại sứ quán nước bạn tại Hà Nội. Đó cũng chính là trụ sở Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội mà chúng ta thấy ngày nay.
Những cuộc đàm phán cam go
Theo Đại sứ Quang, “công việc này mới nghe qua tưởng đơn giản. Chẳng hạn ở nhiều nước trên thế giới, luật pháp quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua đứt bất động sản, nhưng khi đó Việt Nam chưa có quy định này, chỉ có thể cho thuê – trong khi nhiều nước lại muốn mua đứt. Thậm chí, có những nước không muốn trả tiền thuê địa điểm ở Việt Nam mà muốn trao đổi thì phải tiến hành đàm phán để soạn thảo hợp đồng hỗ tương thay vì hợp đồng cho thuê… Việc đi đến thống nhất những điều khoản của các hợp đồng này cam go hơn rất nhiều so với việc giải phóng mặt bằng để bàn giao cho phía bạn”.
Trước năm 1983, để có địa điểm mở cơ quan đại diện, đa số các nước đều thuê bất động sản tại Việt Nam trong thời gian 99 năm. Riêng trường hợp Đại sứ quán Bulgaria, hai bên ký hợp đồng hỗ tương về cung cấp địa điểm, tức là phía Việt Nam cấp địa điểm cho bạn mở Đại sứ quán tại Hà Nội và bạn cấp cho Việt Nam cơ sở mở cơ quan đại diện ở thủ đô Sofia.
Theo Đại sứ Nguyễn Đăng Quang, việc thảo luận cấp Thứ trưởng Ngoại giao về các điều khoản hợp đồng đôi khi diễn ra trong vài ngày, khá căng thẳng mà không thu được kết quả. Có những cuộc họp kéo dài từ 8 giờ sáng hôm trước đến 10 giờ sáng hôm sau vẫn chưa thể chốt được vấn đề. Ông bảo: “Đến khi chỉ còn một tiếng đồng hồ trước khi đoàn bạn ra sân bay, thỏa thuận mới được ký. Kết quả, cả hai bên chấp nhận thỏa hiệp. Tuy nhiên, khi bạn đang tiến hành xây dựng, Đông Âu sụp đổ, công trình bỏ dở cho đến nay và hợp đồng cũng không thể triển khai”.
Đại sứ Nguyễn Đăng Quang cho biết, so với thiết kế ban đầu, Đại sứ quán Nhật Bản đang thuê đất trên diện tích đáng lẽ dành cho Đại sứ quán Liên Xô (cũ). Sau khi Đông Âu sụp đổ, Nga không đủ tiềm lực tài chính để triển khai xây dựng trên khu đất này nên đã trả lại cho Việt Nam rồi chuyển về xây dựng Đại sứ quán tại Kim Mã, nơi Thương vụ Liên Xô đặt trụ sở trước đây.