Tổng thống Obama thể hiện tài ca hát tại Nhà Trắng. |
Truyền thống ở Nhà Trắng
Không chỉ là nơi ở và làm việc của Tổng thống Mỹ, người ta luôn nghĩ đến Nhà Trắng với một hình ảnh mới mẻ, sống động hơn nhiều, một phần cũng bởi âm nhạc.
Thực tế, truyền thống này đã có từ thời của Tổng thống Theodore Roosevelt (1858 - 1919) khi ông quyết định đưa Nhà Trắng trở thành biểu tượng của sức mạnh văn hóa, nghệ thuật. Vị Tổng thống thứ 26 của Mỹ bắt đầu cho tổ chức những chương trình âm nhạc giải trí và mời những ngôi sao lớn đến biểu diễn tại Phòng phía Đông mới xây dựng trong Nhà Trắng - nơi được dùng vào chương trình giải trí của Tổng thống Mỹ.
Năm 1961, phu nhân Jackie nổi tiếng giao thiệp rộng của Tổng thống John F. Kennedy cũng đã làm nên chuyện bất ngờ khi mời được nghệ sĩ đàn Violoncello Tây Ban Nha hàng đầu thế giới Pablo Casals đến chơi nhạc tại Nhà Trắng. Lý do là trong suốt 23 năm, Casals luôn từ chối biểu diễn ở Mỹ để chống đối việc nước này đã công nhận chính quyền độc tài Franco ở Tây Ban Nha.
Năm 1969, nhân sinh nhật lần thứ 70 của nghệ sĩ nhạc jazz vĩ đại Duke Ellington, Tổng thống Richard Nixon cho mời ông đến Nhà Trắng biểu diễn, đồng thời trao tặng Huy chương Tự do của Tổng thống cho nghệ sĩ này. Richard Nixon được coi là Tổng thống Mỹ đầu tiên đưa nhạc jazz vào Nhà Trắng và cũng là vị Tổng thống Mỹ đầu tiên tôn vinh văn hóa nhạc pop khi mời những ban nhạc tên tuổi như Turtles, The Temptations biểu diễn tại bữa tiệc của con gái vào năm 1969.
Ngoài ra, “nghệ sỹ kèn saxophone” Bill Clinton cũng là Tổng thống Mỹ biết cách tổ chức tiệc âm nhạc có hiệu quả. Ông Clinton còn có biệt tài biến những buổi tiệc âm nhạc thành cơ hội cho những thương lượng về thương mại với lãnh đạo các nước khác.
Nắm bắt được thế mạnh này, những năm gần đây, ông Obama thường cho mời những nghệ sĩ lớn tới phục vụ các nguyên thủ, khách mời của Nhà Trắng. Hơn nữa, vợ chồng Tổng thống Mỹ đương nhiệm còn đứng ra tổ chức nhiều buổi hòa nhạc kỷ niệm những ngày lễ đặc biệt và tôn vinh âm nhạc Mỹ bao gồm jazz, country, cổ điển, Latinh và Motown.
Điển hình là buổi tối ngày 21/2/2012, Phòng phía Đông của Nhà Trắng bỗng chốc biến thành một câu lạc bộ âm nhạc chào mừng Tháng lịch sử của những người da màu. Buổi hòa nhạc này tràn đầy các bài hát đấu tranh cho quyền của người da đen với sự tham gia của nghệ sĩ Smokey Robinson, Jennifer Hudson và Blind Boys of Alabama. Đặc biệt, nhiều người đã có dịp được thưởng thức giọng hát của Tổng thống Obama khi ông cất lên vài câu trong bài hát Sweet Home Chicago giữa tiếng vỗ tay hưởng ứng của tất cả vị khách.
Vào ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 vừa qua, Tổng thống Obama đã tổ chức buổi hòa nhạc với chủ đề "Linh hồn của phụ nữ". Đêm nhạc đã biến Nhà Trắng thành sân khấu hoành tráng với sự trình diễn của các ca sĩ huyền thoại như Melissa Etheridge, Patti LaBelle, Janelle Monae...
Xu hướng mới ở Bình Nhưỡng
Có thể nói, việc Dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng Mỹ New York Philharmonic đến biểu diễn tại Nhà hát Lớn Đông Bình Nhưỡng vào tháng 2/2008 chính là sự kiện trao đổi văn hóa lớn đầu tiên giữa hai nước trong hơn nửa thế kỷ qua. Dàn nhạc New York Philharmonic gồm 106 thành viên đã biểu diễn trước khoảng 1.500 khán giả là giáo viên dạy nhạc, sinh viên Triều Tiên cùng nhiều quan khách người nước ngoài. Theo AP, một quan chức Triều Tiên nói rằng: "Những trao đổi văn hoá này là cách để nâng cao sự hiểu biết giữa hai bên. Chúng tôi muốn người phương Tây hiểu được âm nhạc của chúng tôi và chúng tôi cũng muốn người dân nước mình hiểu được âm nhạc phương Tây".
Sau thành công buổi hòa nhạc, nghệ sĩ lừng danh của Mỹ Eric Clapton đã được mời tới Bình Nhưỡng biểu diễn. Trong bối cảnh nhạc pop, rock bị hạn chế tại Triều Tiên thì lời mời này là hiếm thấy đối với một ngôi sao nhạc rock phương Tây.
Như vậy, sau nhiều năm, Triều Tiên đã có những bước đi đầu tiên trong việc thiết lập các mối giao lưu văn hoá với phương Tây. Chẳng hạn như tháng 3/2012, dàn nhạc Unhasu của Triều Tiên và Radio France Philharmonic của Pháp đã có buổi ra mắt công chúng dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Hàn Quốc Chung Myung-whun tại Paris. Với sự tham gia của 90 nghệ sĩ Triều Tiên, đây là lần đầu tiên họ biểu diễn với một dàn nhạc của phương Tây. Dù Paris và Bình Nhưỡng không có quan hệ ngoại giao chính thức nhưng trước đó, Pháp đã mở một văn phòng đại diện ở Bình Nhưỡng vào năm 2011 để tăng cường trao đổi văn hóa giữa hai nước.
TIẾN NGUYỄN