📞

Ngoại giao học thuật để bảo vệ chủ quyền biển đảo

16:32 | 24/08/2016
Gần một thập kỷ qua, khi tranh chấp Biển Đông căng thẳng trở lại, cũng là giai đoạn Ngoại giao kênh II - còn gọi là Ngoại giao học thuật - của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, góp phần quan trọng cùng Ngoại giao Nhà nước tham gia công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước.

Con đường dẫn tới thỏa hiệp

Ngoại giao chính thức kênh Nhà nước luôn là ưu tiên hàng đầu đối với mỗi quốc gia, đặc biệt với những vấn đề an ninh mang tính sống còn như tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Hoạt động ngoại giao góp phần giúp các quốc gia truyền tải lập trường chính sách và tương tác với các bên liên quan tìm ra các cơ hội hợp tác.

Tuy nhiên, tính chất chính thức của kênh ngoại giao Nhà nước và sự hệ trọng của các vấn đề tranh chấp chủ quyền đẩy các nước vào tình huống khó đạt được thỏa thuận. Thông thường, rất ít quốc gia sẵn sàng nhượng bộ về đòi hỏi chủ quyền. Do vậy, các tuyên bố lập trường của họ rất hiếm khi thay đổi, gần như là sự lặp lại các tuyên bố đã có từ nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ trước, và thường mang tính chính trị cao. Về hành vi trên thực địa, những điều chỉnh chính sách, nếu có, thường có khuynh hướng quyết đoán hơn và dễ tạo ra căng thẳng lớn hơn trong khu vực. Nói cách khác, chính phủ các nước rất khó tìm ra con đường đi tới thỏa hiệp ở các vấn đề nhạy cảm mà không phải đối diện với sức ép lớn từ các lực lượng trong nước khác.

Một buổi tọa đàm chuyên đề về “Quan hệ Việt - Trung và vấn đề Biển Đông

Trong bối cảnh đó, ngoại giao học thuật, với đặc trưng là kênh của các học giả thường có tư tưởng cởi mở hơn và không đại diện cho bất kỳ chính quyền nào, trở thành một lựa chọn lý tưởng giúp các nước tương tác với nhau thực chất hơn, đấu tranh bảo vệ lợi ích và tìm kiếm cơ hội thúc đẩy hợp tác. Các học giả có quyền tự do hơn trong việc công khai truyền tải, cọ xát, và kiểm nghiệm ý tưởng; giúp các chính phủ nhận thức rõ hơn về lập trường và ứng xử của các nước khác.

Do vậy, ngoại giao học thuật luôn đóng vai trò quan trọng trong quan hệ quốc tế. Chính phủ các nước lớn như Mỹ, Anh hay Đức thường thuê các học giả có uy tín tư vấn hoặc trực tiếp hoạch định chính sách.

Ngoại giao kênh II về Biển Đông

Trung Quốc là một trong những nước sử dụng ngoại giao kênh II mạnh mẽ nhất trong vấn đề Biển Đông thời gian qua. Khi tranh chấp trên Biển Đông ngày càng căng thẳng và phức tạp, Trung Quốc đã xây dựng hệ thống nhiều viện nghiên cứu và đội ngũ lớn gồm các học giả chuyên sâu về Biển Đông, có khả năng ngoại ngữ vững vàng để tham gia các hoạt động học thuật quốc tế, tuyên truyền lập trường của Trung Quốc. Các viện nghiên cứu Nam Hải (NISCSS), Viện nghiên cứu Quốc tế đương đại Trung Quốc (CICIR), Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải (SIIS), Viện Nghiên cứu Quốc tế (CIIS), hay Đại học Ngoại giao Trung Quốc (CFAU) là nơi làm việc của hàng trăm học giả về Biển Đông của Trung Quốc ở nhiều khía cạnh chính trị, an ninh, kinh tế, luật pháp...

Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng mở rộng mạng lưới học thuật ra phạm vi quốc tế bằng cách thành lập cơ sở nghiên cứu ngoài nước (như viện Nghiên cứu Mỹ-Trung tại Washington) và cử các chuyên gia nghiên cứu và giảng dạy tại các cơ sở có uy tín trên thế giới (như GS Zhou Keyuan giảng dạy tại Anh, GS You Ji giảng dạy tại Australia). Kể từ năm 2015, Trung Quốc cũng công bố nhiều sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác trên Biển Đông qua kênh học thuật, trong đó đáng chú ý có sáng kiến Đối tác Trung Quốc - ASEAN vì hòa bình khu vực do NISCSS chủ trì. Hàng ngàn bài nghiên cứu liên quan đến Biển Đông trong thời gian qua tập trung ở ba nội dung lớn: Bảo vệ lập trường của Trung Quốc, xây dựng hình ảnh Trung Quốc là nước "bị hại" trong tình hình căng thẳng ở Biển Đông, và tỏ ra sẵn sàng làm việc với các nước Đông Nam Á trong việc thúc đẩy hòa bình, hợp tác trong khu vực.

Bên cạnh Trung Quốc, Mỹ là nước có số cơ quan nghiên cứu và chuyên gia liên quan đến Biển Đông hàng đầu thế giới. Các học giả Mỹ có nhiều nghiên cứu và đánh giá chuyên sâu về tình hình Biển Đông. Đáng chú ý, từ năm 2014, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) đã tung ra sáng kiến Minh bạch Biển ở châu Á, cung cấp thông tin cập nhật về các hoạt động trên thực địa của các bên ở Biển Đông và các bài bình luận chuyên sâu. Hoạt động của giới học giả Mỹ giúp tăng cường tính minh bạch ở Biển Đông, góp phần giúp cộng đồng quốc tế nhận thức rõ về các diễn biến trong khu vực.

Ở Đông Nam Á, Singapore, Philippines, Malaysia, và Indonesia là những nước có nhiều chuyên gia và các viện nghiên cứu quan tâm tới tình hình Biển Đông bởi có lợi ích trực tiếp, gắn liền với hòa bình và ổn định trong khu vực. Thậm chí, các nước ít quan tâm hơn, hoặc phản đối sự can dự của các nước không có tuyên bố chủ quyền như Campuchia hay Lào cũng có các viện nghiên cứu theo dõi tình hình ở Biển Đông (CICP của Campuchia và IFA của Lào).

Học giả thuộc các cơ sở nghiên cứu ngoài khu vực như tại Australia, EU, Nhật Bản cũng tích cực quan tâm đến các diễn biến trên Biển Đông. Hoạt động trao đổi, đấu tranh học thuật đã diễn ra trên nhiều khía cạnh, đưa tranh chấp trên Biển Đông trở thành một tâm điểm trong quan hệ quốc tế ở phạm vi toàn cầu.

Góp phần định hình nhận thức và dư luận

Trong bối cảnh tương tác học thuật quốc tế về Biển Đông ngày càng gia tăng, đội ngũ ngoại giao học thuật của Việt Nam cũng được đầu tư phát triển, góp phần đấu tranh bảo vệ lập trường chủ quyền và các lợi ích của Việt Nam. Một cơ quan hàng đầu là Viện Biển Đông thuộc Học viện Ngoại giao, vừa được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có nhiều đóng góp trong công tác nghiên cứu và đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông. Ngoài ra còn có các cơ quan nghiên cứu khác như các viện nghiên cứu liên quan thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, các trường Đại học KHXH& NV Hà Nội và TP.  Hồ Chí Minh, các trường đại học khác như Đại học Luật Hà Nội và Đại học Phạm Văn Đồng (Đà Nẵng), Hội Luật gia... và nhiều học giả tự do trong và ngoài nước.

Với đội ngũ nghiên cứu Biển Đông ngày một phát triển, các cơ quan nghiên cứu của Việt Nam đã tổ chức chuỗi Hội thảo quốc tế hàng năm về an ninh và hợp tác phát triển ở Biển Đông, quy tụ các học giả về Biển Đông hàng đầu thế giới và khu vực. Nhiều nội dung khác như chương trình phổ cập kiến thức biển đảo cũng được tổ chức phục vụ các cơ quan trong nước liên quan đến Biển Đông, góp phần định hình nhận thức và dư luận nội bộ, phục vụ hoạt động đấu tranh bảo vệ đất nước.

Ở cấp độ cá nhân, học giả Việt Nam thường xuyên tham gia các diễn đàn lớn trong khu vực và thế giới, phối hợp lập trường với học giả các nước có cùng lợi ích, tích cực tuyên truyền lập trường và chủ quyền lãnh thổ của nước ta ở Biển Đông; bảo vệ lợi ích đất nước và phản bác các luận điểm sai trái. Trong các sự kiện lớn như vụ Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng thềm lục địa của Việt Nam (tháng 5/2014), học giả Việt Nam đã tích cực đăng nhiều bài viết trên các trang tạp chí uy tín thế giới, nêu rõ lập trường chính nghĩa của Việt Nam trong việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền và quyền hợp pháp của Việt Nam theo luật quốc tế.

Tóm lại, trong thời gian qua, lực lượng học giả chuyên sâu về Biển Đông ở Việt Nam đã tăng lên, trực tiếp góp phần vào công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích đất nước trong khu vực thông qua các hoạt động chuyên biệt như viết bài nghiên cứu, tham gia các sáng kiến, và trực tiếp đấu tranh trên các diễn đàn quốc tế. Đó là tiền đề cho hoạt động tích cực tiếp theo của lực lượng này trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, thực tế là lực lượng nghiên cứu Biển Đông của Việt Nam còn mỏng, với nguồn lực đầu tư hạn chế hơn một số nước trong khu vực. Do vậy, bên cạnh việc lựa chọn các hình thức đấu tranh phù hợp để tối đa hóa hiệu quả nguồn lực sẵn có, giới học giả Việt Nam cần tiếp tục được đầu tư mở rộng số lượng và nâng tầm chất lượng, tham gia sâu vào các hoạt động học thuật quốc tế để góp phần đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích của nước ta một cách hiệu quả hơn nữa.