Ngày 26/3/2000, cuộc bầu cử Tổng thống LB Nga diễn ra với kết quả đúng như dự đoán: Vladimir Putin được bầu làm Tổng thống. Trong lễ nhậm chức, ông Boris Elsin nhắc nhở Putin là "cần trân trọng nước Nga". Và sau lễ chuyển giao quyền lực đó, nước Nga đã thay đổi cơ bản đường lối đối ngoại.
Lên nắm quyền và đối mặt với nhiều thử thách to lớn về các mặt chính trị, kinh tế, quân sự trong và ngoài nước, Tổng thống Putin khi đó đã tiến hành một loạt cuộc cải cách. Tuy nhiên, để nước Nga khôi phục hình ảnh và vị thế trên trường quốc tế, Putin đã điều chỉnh chính sách về ngoại giao, với nền "ngoại giao hai cánh" - là sự kế thừa, phát triển và sáng tạo trên cơ sở nền ngoại giao "chim ưng hai đầu" của Elsin.
Thời gian trước đó, nước Nga từng có lúc thực hiện chính sách đối ngoại "nhất biên đảo" hoàn toàn nghiêng về phương Tây. Nhưng ảo tưởng có thể dùng thỏa hiệp và nhượng bộ để đổi lấy sự tiếp viện của phương Tây đã không thành hiện thực. Nga đã không gần hơn với phương Tây, thậm chí còn bị mất đi ảnh hưởng truyền thống ở phương Đông. Điều đó buộc Tổng thống Nga khi đó là Elsin chuyển hướng sang chính sách ngoại giao "chim ưng hai đầu" để cân bằng cả phương Đông và phương Tây. Tuy nhiên, tính cân bằng của chính sách ngoại giao này đã không phát huy được hiệu quả trong tình hình chính trị bên trong nước Nga tiếp tục chao đảo. Bối cảnh này là lý do khiến cho Putin chuyển từ sự cân bằng "hai đầu" sang "hai cánh" cho nước Nga.
Nói một cách hình ảnh, ngoại giao hai cánh có thể được miêu tả là, phương Đông và phương Tây giống như hai cánh của nền ngoại giao và chỉ có hai cánh cùng bay thì nước Nga mới có thể tự do bay lượn trên vũ đài quốc tế được. Trong chính sách ngoại giao đó, Nga đặt cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) vào vị trí đặc biệt, còn Âu Mỹ và châu Á được xếp vào hướng ưu tiên phát triển. Thứ tự sắp xếp phương Đông, phương Tây tuy có trước có sau, nhưng vị trí vẫn quan trọng như nhau.
Trong suốt hai nhiệm kỳ làm Tổng thống của Putin, và sau đó được duy trì bởi Tổng thống đương nhiệm Dimitry Medvedev, tính cân bằng hai cánh này được thực thi triệt để và nó đã "nâng" nước Nga lên một vị thế mới. Ngoại giao hai cánh đã kết hợp giữa nhu cầu hiện thực và lợi ích lâu dài của Nga, hóa giải được thách thức và tận dụng được cơ hội của thời cuộc. Mátxcơva đã thực thi tích cực thắt chặt hợp tác với Tây Âu, đồng thời phát triển quan hệ với phương Đông và lấy sự củng cố quan hệ với các quốc gia trong khu vực ảnh hưởng truyền thống làm điểm tựa.
Là người khởi xướng chính sách ngoại giao hai cánh của nước Nga đương đại, phải chăng ông Putin đã vận dụng kỹ thuật cũng như tinh thần của môn võ Judo mà ông là một võ sinh xuất sắc? Một trong những kiến thức vật lý cơ bản của môn phái võ thuật có nguồn gốc từ Nhật Bản này là nguyên lý thăng bằng và điểm tựa. Cũng vì thế mà bí quyết phá thế thủ của đối phương trong Judo chính là tạo sự mất cân bằng để quật ngã địch thủ. Và nếu vậy, chiến thuật Judo cũng có thể là một cách lý giải thú vị về ngoại giao hai cánh của thời đại Putin.
Nhất Lam