Ngoại giao Việt Nam trong nhiệm kỳ vừa qua đã xử lý tốt nhiều thách thức đặt ra đối với chủ quyền quốc gia |
Sự nóng lên của tình hình Biển Đông thời gian qua như việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cải tạo và bồi đắp phi pháp các đảo nhân tạo ở Trường Sa và ý đồ quân sự hóa Biển Đông cũng như việc Mỹ tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc kiểm soát ở Biển Đông… càng làm cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam trở nên cấp thiết và phức tạp hơn bao giờ hết, đòi hỏi ngoại giao Việt Nam phải có bản lĩnh vững vàng, luôn tỉnh táo, chủ động ứng phó kịp thời với các diễn biến mới của tình hình.
Lĩnh ấn tiên phong trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo trong thời bình, ngoại giao Việt Nam trong nhiệm kỳ vừa qua đã xử lý tốt nhiều thách thức đặt ra đối với chủ quyền quốc gia, góp phần quan trọng giữ vững môi trường hòa bình, ổn định của đất nước.
Bảo vệ chủ quyền trong bối cảnh mới
Về khách quan, cục diện thế giới và khu vực hiện nay rất khác so với các giai đoạn cách mạng trước. Nếu như trước đây chúng ta được chứng kiến sự nổi lên của chủ nghĩa thực dân (cả cũ và mới), chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa khủng bố… thì thế giới ngày nay đang chứng kiến một quá trình chuyển dịch quyền lực to lớn trên quy mô toàn cầu, trong đó châu Á – Thái Bình Dương đang nổi lên thành trung tâm quyền lực mới của thế giới. Quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng có. Các dòng vốn, thương mại toàn cầu… đang tập trung với quy mô ngày càng lớn vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nhưng khu vực này cũng ẩn chưa nhiều rủi ro như các điểm nóng tiềm tàng ở bán đảo Triều Tiên, biển Hoa Đông, Biển Đông, nguy cơ khủng bố, cướp biển, tội phạm xuyên quốc gia, chạy đua vũ trang diễn ra ở nhiều nơi… Các vấn đề toàn cầu đòi hỏi các quốc gia khu vực phải cùng nhau hợp tác giải quyết. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trên các mặt có nguy cơ làm đảo lộn trật tự thế giới đã từng tồn tại từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay.
Ở châu Á – Thái Bình Dương, chính sách cường quốc biển của Trung Quốc, chính sách tái cân bằng của Mỹ, sự điều chỉnh chính sách an ninh quốc phòng mạnh mẽ của Nhật Bản, sự can dự tích cực của nhiều cường quốc khác vào khu vực đang đặt ra cả những cơ hội và thách thức to lớn cho Việt Nam. Nguy cơ ASEAN bị chia rẽ, mất vai trò trung tâm trong một cấu trúc khu vực đang định hình… ngày càng hiện hữu, đòi hỏi phải có những biện pháp chính sách phù hợp.
Về chủ quan, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền hiện nay cũng khác so với các giai đoạn cách mạng trước trên nhiều phương diện.
Mục tiêu bảo vệ chủ quyền hiện nay không chỉ là toàn vẹn lãnh thổ, mà còn là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để tập trung phát triển kinh tế - xã hội và không để ảnh hưởng tới các mối quan hệ đối ngoại đa dạng khác mà Việt Nam đã dày công xây dựng được với rất nhiều bạn bè, đối tác ở khu vực và trên thế giới.
Biển đảo đang trở thành lĩnh vực được quan tâm cao độ, nhưng không chỉ có vậy, sự ổn định của hệ thống chính trị, sự phát triển năng động về kinh tế - xã hội cũng là những ưu tiên cao trong công tác bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Bên cạnh đó, các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng diễn biến phức tạp đang đòi hỏi Việt Nam phải dành những nguồn lực phù hợp và thúc đẩy hợp tác quốc tế để giải quyết.
Nếu như trước kia, vấn đề ý thức hệ, giới tuyến phân chia quan hệ bạn – thù được phân biệt rạch ròi, thì hiện nay do quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, quan hệ đối tác – đối tượng đan xen lẫn nhau, trong đối tác có đối tượng, trong đối tượng có đối tác. Xử lý thỏa đáng hai mặt hợp tác và đấu tranh, đấu tranh nhưng không dẫn tới đổ vỡ quan hệ là những vấn đề không hề đơn giản…
Giữ vững hòa bình ổn định, nâng cao vị thế quốc gia
Nhận thức rõ thời cơ và thách thức trong bối cảnh mới, trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, ngoại giao Việt Nam đã phát huy tốt những thế mạnh của mình, từng bước hóa giải các thách thức, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tốt các điều kiện thuận lợi bên ngoài để phát triển đất nước, đồng thời nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
Nắm vững xu thế hòa bình và hợp tác phát triển là dòng chảy chính trong quan hệ quốc tế, ngoại giao Việt Nam đã phất cao ngọn cờ “hòa bình giải quyết tranh chấp”. Trong bối cảnh hiện nay, đây là luận điểm quan trọng hàng đầu để tập hợp dư luận thế giới ủng hộ rộng rãi quan điểm lập trường của Việt Nam về vấn đề chủ quyền biển đảo. Ví dụ như trong vụ Hải Dương 981, sự kiềm chế của Việt Nam và cách xử lý khủng hoảng bằng ngoại giao vừa có lý, vừa có tình của Việt Nam, cả về đối nội và đối ngoại, được cộng đồng quốc tế và khu vực đánh giá rất cao, coi đây là một nhân tố quan trọng góp phần duy trì hòa bình, ổn định cho cả khu vực.
Ngoại giao Việt Nam đã sử dụng thành công công cụ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 và các chuẩn mực khác đã được quốc tế thừa nhận rộng rãi trong công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Luật pháp quốc tế còn là nền tảng vững chắc trong triển khai chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế mà Đại hội XI đã đề ra. Con người sống trong xã hội phải thượng tôn pháp luật. Các quốc gia sống trong trật tự thế giới phải tôn trọng luật pháp quốc tế. Thế giới văn minh ngày nay lại càng cần đến pháp luật. Không thể để “luật rừng” tồn tại ở Biển Đông nói riêng và khu vực châu Á – Thái Bình Dương dưới bất kỳ hình thức nào. Luật pháp quốc tế cần phải được tôn trọng để điều chỉnh hành vi của các quốc gia nhằm đảm bảo cho cả khu vực cùng chung sống hòa bình và chia sẻ thịnh vượng.
Mặc dù gặp nhiều thách thức, nhưng ASEAN vẫn đang và sẽ tiếp tục là một mặt trận quan trọng. Trong 47 năm qua, ASEAN đã xử lý tương đối tốt quan hệ với các nước lớn, biết cách điều hòa mâu thuẫn và xung đột lợi ích trong và ngoài khu vực để duy trì hòa bình, ổn định. Các cơ chế của ASEAN như Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN (AMM), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)… đang là những diễn đàn quan trọng để các nước trong và ngoài khu vực nói lên tiếng nói của mình. Các công cụ của ASEAN, cả ràng buộc và không ràng buộc về pháp lý như Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC), Hiệp ước Bali II, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)… đều là những công cụ quan trọng, được thừa nhận rộng rãi. Tham gia tích cực vào ASEAN, Việt Nam có thêm bạn bè, thêm cơ hội và công cụ để bảo vệ chủ quyền quốc gia trong bối cảnh mới.
Sự kết hợp hài hòa và có sự bổ sung cho nhau giữa các kênh song phương và đa phương, giữa kênh đảng, kênh nhà nước, quốc hội, giữa quốc phòng với an ninh và ngoại giao, giữa báo chí, luật gia, học giả, kiều bào và ngoại giao… đã tạo thành một mặt trận nhiều binh chủng có sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Trên tất cả, sự tham gia trực tiếp và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo cấp cao vào hoạt động đối ngoại đã giúp ngoại giao Việt Nam tạo ra khác biệt, làm nên thành công trong công tác bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ hiện nay. Đặc biệt năm 2015 đánh dấu những dấu mốc mới trong các hoạt động đối ngoại cấp cao với nhiều đối tác chủ chốt ở khu vực và trên thế giới, tạo ra thế và lực ngày càng vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tình hình thế giới và khu vực vẫn không ngừng biến động. Biển Đông còn tiếp tục là điểm nóng trên bản đồ địa chính trị toàn cầu với những tranh chấp lãnh thổ và cạnh tranh chiến lược giữa các nước, vùng lãnh thổ trong và ngoài khu vực đang diễn ra quyết liệt, đặt ra những thách thức to lớn với công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo nói riêng và đối ngoại của Việt Nam nói chung. Thành công hôm nay sẽ là những hành trang quan trọng để ngoại giao Việt Nam bước vào nhiệm kỳ mới với những nhiệm vụ mới to lớn và nặng nề hơn, nhưng cũng không kém phần vinh quang.
Hải Dương