Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị Ngoại giao 31, sáng 15/12. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Tổng Bí thư gợi lại một dịp sang làm việc với Bộ Ngoại giao cách đây mấy năm và có ví ngoại giao của chúng ta là “ngoại giao cây tre Việt Nam”. “Thân gầy guộc lá mong manh, mà sao nên lũy nên thành tre ơi” - Tổng Bí thư trích dẫn và nhấn mạnh, trường phái ngoại giao Việt Nam rất độc đáo và đặc sắc, từ đây có thể gọi là “ngoại giao cây tre Việt Nam”. Theo Tổng Bí thư, sở dĩ ví như vậy bởi sự đặc biệt của cây tre là rất mềm dẻo, rất kiên cường, thành cây tre, khóm tre, lũy tre.
Truyền thống, bản sắc lâu đời
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, “tâm đắc” với “ngoại giao cây tre Việt Nam”, Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi cho rằng, bài phát biểu của Tổng Bí thư có ý nghĩa vô cùng quan trọng, trong đó nhấn mạnh ngoại giao Việt Nam là ngoại giao Hồ Chí Minh và quán triệt truyền thống của ông cha ta từ hàng nghìn năm nay, vun đúc lên.
Tổng Bí thư đã lấy hình ảnh cây tre, vốn rất gắn bó với đồng quê, con người Việt Nam. Cây tre thân thì mảnh khảnh, lá mong manh nhưng rất vững chắc từ cây tre, bụi tre, khóm tre và lũy tre. Đó là hình ảnh rất sinh động, hình tượng cho ngoại giao Việt Nam.
Theo Đại sứ Đặng Minh Khôi, ngoại giao của Việt Nam phải thể hiện được bản sắc, văn hóa, cốt cách của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam và văn hóa Việt Nam. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, tình huống nào cũng phải kiên cường, vững chắc như cây tre nhưng vẫn phải rất mềm mỏng, linh hoạt, dĩ bất biến ứng vạn biến.
Đại sứ Đặng Minh Khôi đặc biệt chú ý phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư có câu căn dặn Bộ Ngoại giao, đó là “chỉ sợ chúng ta không biết, nếu đã biết thì không có sợ”.
Rõ ràng hình tượng cây tre rất đẹp, gắn bó với con người, làng quê, truyền thống dân tộc, đặc biệt là bản sắc nền ngoại giao Việt Nam, nền ngoại giao Hồ Chí Minh. Nền ngoại giao Việt Nam có truyền thống từ rất lâu đời. Từ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28, Tổng Bí thư đã họp và nhắc tới hình ảnh cây tre và tại Hội nghị Ngoại giao lần này, Tổng Bí thư đã phát triển rõ ràng hơn về hình tượng cây tre gắn chặt với ngoại giao Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi. |
Với Đại sứ Đặng Minh Khôi, ý quan trọng nhất trong hình tượng cây tre là vừa kiên cường nhưng cũng mềm dẻo và linh hoạt.
Nhìn lại tất cả quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha ta và từ khi thành lập nước cho đến nay, nền ngoại giao của chúng ta đều như vậy, được thể hiện trong các cuộc đàm phán trước đây cũng như hiện nay.
“Tôi có tham gia một số cuộc đàm phán. Tôi cảm nhận, sự kiên cường nhưng cũng mềm dẻo và linh hoạt được thể hiện rõ nhất vào thời điểm Việt Nam đàm phán về lãnh thổ trên bộ với Trung Quốc. Cuộc đàm phán thời kỳ đầu hết sức khó khăn, phức tạp, có những lúc căng thẳng, lời lẽ hết sức nặng nề. Nhưng trong tình hình đó, chúng ta thể hiện thái độ rất hòa hiếu, hữu nghị, chúng ta giữ được đàm phán để tiến triển, không vì những phát biểu nặng nề trong đàm phán mà để đàm phán đổ vỡ”, Đại sứ Đặng Minh Khôi nhớ lại.
Kết quả là, từ năm 1991-1999 Việt Nam đã ký với Trung Quốc hiệp ước biên giới đất liền và tiến hành phân giới cắm mốc, hoàn thành năm 2009. Từ đó đến nay, có thể thấy tuyến biên giới trên bộ tiếp giáp với Trung Quốc là một tuyến biên giới thực sự hòa bình hữu nghị, hợp tác của các tỉnh biên giới phía Bắc đã phát triển rất tốt. Đây là kết quả của quá trình đàm phán kiên trì vừa giữ vững nguyên tắc lập trường vừa mềm mỏng, linh hoạt để đạt được mục tiêu cuối cùng.
Bối cảnh hiện nay cho thấy rõ nhất bản lĩnh của ngoại giao Việt Nam. Trong tình hình thế giới biến đổi nhanh chóng, các nước xung quanh cũng biến đổi, ngoại giao Việt Nam phải thích ứng, vững tin, tự tin giải quyết những vấn đề khó khăn. “Ngoại giao cây tre Việt Nam” là hình tượng mà Tổng Bí thư đã khái quát rõ ràng cả một quá trình xuyên suốt của nền ngoại giao Việt Nam.
Đằng sau nhà ngoại giao là cả dân tộc!
Lắng nghe trực tiếp bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Trần Việt Thái cảm nhận được những nội hàm mà Tổng Bí thư muốn truyền đạt tới các nhà ngoại giao, qua những lời văn rất nôm na, dễ hiểu. Đại sứ Trần Việt Thái thấm nhuần ba khía cạnh.
Thứ nhất, ngoại giao phải có gốc, Tổng Bí thư đã nói gốc tre rất bền chặt, quyện vào nhau với hàm ý sâu sắc là ngành Ngoại giao với 76 năm hình thành và phát triển, không chỉ kế thừa truyền thống của rất nhiều thế hệ cha anh đi trước đã bồi đắp nên ngành Ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh hiện nay mà trực tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên mà còn đằng sau đó là cả thành tựu của đất nước, dân tộc.
Đại sứ Trần Việt Thái cho rằng, hình ảnh gốc tre mà Tổng Bí thư nhấn mạnh còn hàm ý tinh thần đoàn kết, các bộ, ngành trong nước và các Cơ quan đại diện ở Việt ở nước ngoài phải gắn bó và hợp tác tốt với nhau.
Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Trần Việt Thái. (Nguồn: Vietnamnet) |
Thứ hai, về hình ảnh thân cây tre trong nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Đại sứ Trần Việt Thái lưu tâm ba thông điệp rất quan trọng là uyển chuyển, linh hoạt nhưng đặc biệt phải khiêm tốn - “thân tre gầy guộc”.
Các nhà ngoại giao khiêm tốn nhưng phải mạnh mẽ, biết bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc nhưng đằng sau đó phải có sự uyển chuyển, linh hoạt tuỳ vào từng thời điểm, hoàn cảnh. Gốc tre, thân tre phải đi liền với nhau, gốc có vững thì thân, cành mới tốt tươi, sum suê và uyển chuyển.
Thứ ba, Đại sứ Trần Việt Thái ghi nhớ thông điệp rất rõ của Tổng Bí thư là trong mỗi thời kỳ, hoàn cảnh, ngoại giao lại có những nhiệm vụ riêng, và phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết.
Trong thời bình hiện nay, các nhà ngoại giao là những người tiên phong, mặc dù làm việc ở nước ngoài nhưng đằng sau đó là phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc, và mỗi một thời kỳ lại có một nhiệm vụ trọng tâm. Hiện nay, ngoại giao không chỉ ngăn ngừa chiến tranh, xung đột, mà còn góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Đặc biệt, câu nói của Tổng Bí thư khiến Đại sứ Trần Việt Thái cảm thấy rất phấn khởi và yên tâm khi làm nhiệm vụ ở nước ngoài, đó là: “Các nhà ngoại giao, các nhà hoạt động đối ngoại cần luôn luôn ghi nhớ rằng, phía sau mình là Đảng, là Đất nước, là Nhân dân. Phải tự tin, vững vàng, kiên định và khôn khéo, mưu lược”.
Đại sứ Trần Việt Thái bày tỏ: “Với tư cách là một nhà ngoại giao đang công tác ở nước ngoài, tôi quán triệt, tiếp thu tất cả các ý kiến chỉ đạo để góp phần nhỏ bé vào xây dựng ngành Ngoại giao nói riêng, công tác đối ngoại nói chung, từ đó đóng góp vào sự phát triển, hoà bình, ổn định của đất nước như lời Tổng Bí thư nói: "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, ngăn ngừa chiến tranh, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, phục vụ cho đất nước phát triển. Đằng sau một nhà ngoại giao là cả dân tộc!”.
"Khi là măng thì măng mọc thẳng, rồi đẻ ra thành khóm, thành bụi, rễ chằng chịt với nhau... Rễ tre bám rất chắc với nhau, rất mềm mại. Khi chẻ lạt thì lạt mềm buộc chặt. Tôi mạnh dạn ví đường lối đối ngoại của chúng ta là trường phái riêng, tạm gọi là cây tre Việt Nam. Gốc vững chắc, cành uyển chuyển. Cây tre Việt Nam, mềm mại nhưng cứng cỏi, rất dẻo nhưng rất kiên cường". (Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc, ngày 14/12. |
| Nhà ngoại giao nữ và sức mạnh giữ mãi ngọn lửa đam mê Nữ cán bộ ngoại giao Việt Nam cũng như các nhà ngoại giao nữ các nước khác trên thế giới, mục tiêu tiên quyết của ... |
| Ngoại giao Việt Nam làm tốt 'sứ mệnh' trong đại dịch Ưu tiên chính sách đối nội và đối ngoại của bất kỳ quốc gia nào trong giai đoạn đại dịch cũng là đảm bảo an ... |