Tại hội đàm với Bộ trưởng thứ nhất, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab ngày 22/6, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị Anh tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nguồn cung cũng như xem xét chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Covid-19 cho Việt Nam. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Đại dịch Covid-19 là thách thức an ninh phi truyền thống, là vấn đề mang tính toàn cầu nên cần cách thức ứng phó mang tính chất toàn cầu.
Với cách tiếp cận như vậy, ngay từ khi dịch xuất hiện khoảng đầu năm 2020, Bộ Ngoại giao đã tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong nước; phát huy tinh thần hợp tác quốc tế; tìm các cơ hội để duy trì và tăng cường các hoạt động đầu tư - thương mại trong bối cảnh hầu hết các quốc gia đóng cửa biên giới.
Việt Nam đã kiên cường vượt qua hai làn sóng dịch bệnh trong năm 2020, trở thành điểm sáng trong việc khống chế thành công đại dịch Covid-19, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao.
Đồng hành với các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, ngành Ngoại giao cũng đi đầu trong việc phát huy tinh thần đoàn kết quốc tế, chia sẻ thông tin, nguồn lực, tạo ra sức mạnh cộng hưởng để thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Với phương châm “giúp bạn là tự giúp mình”, Bộ Ngoại giao tham mưu cho Chính phủ, chung tay cùng các bộ, ngành, địa phương, tổ chức hữu nghị tham gia hỗ trợ các quốc gia, đối tác gặp khó khăn.
Việt Nam đã hỗ trợ khẩu trang, vật tư y tế, tài chính cho hàng chục quốc gia và tổ chức quốc tế; chú trọng công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài.
Những hoạt động này đã góp phần đưa Việt Nam trở thành hình mẫu xuất sắc trong công cuộc “chống dịch như chống giặc”.
Hàng loạt hãng truyền thông quốc tế ca ngợi thành tựu của Việt Nam trong việc kiểm soát tốt đại dịch, nỗ lực duy trì "mục tiêu kép" với những chính sách linh hoạt, chủ động, sáng tạo, có sự tham gia tích cực, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị và vận dụng được sức mạnh đoàn kết của toàn dân.
Đó cũng là một phần lý do để hồi cuối năm 2020, hãng định giá thương hiệu và tư vấn chiến lược độc lập hàng đầu của Vương quốc Anh Brand Finance xếp Việt Nam là thương hiệu quốc gia tăng giá trị nhanh nhất thế giới, tăng 29% so với năm 2019, lên 319 tỷ USD. Thứ hạng của Việt Nam cải thiện từ vị trí 42 lên 33 trong danh sách 100 thương hiệu quốc gia do Brand Finance bình chọn.
Việc chúng ta nhận được sự chung tay, tiếp sức của các quốc gia, các tổ chức quốc tế… trong giai đoạn hiện nay cũng là "quả ngọt" của những nghĩa cử cao đẹp của Việt Nam đối với các đối tác quốc tế trong thời gian qua.
Trong khi đương đầu với làn sóng dịch thứ ba và thứ tư từ đầu năm đến nay, chúng ta đã tranh thủ được sự hỗ trợ về tài chính, trang thiết bị y tế, công nghệ từ nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế nhằm phục vụ công cuộc kiểm soát dịch bệnh.
Khi Chiến lược vaccine của Việt Nam chưa định hình một cách rõ nét như hiện nay, Bộ Ngoại giao đã chủ động, nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận các nguồn cung vaccine Covid-19.
Ngoại giao Việt Nam đã phát huy vai trò kết nối, chia sẻ thông tin, tiến hành vận động ngoại giao, chủ động đề xuất các sáng kiến phối hợp trong việc phòng, chống dịch bệnh và phục hồi sau đại dịch trên cả bình diện song phương và đa phương.
Ngành Ngoại giao đã tham gia vận động các đối tác tạo điều kiện hơn nữa về cung ứng vaccine, xem xét việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam, phối hợp bảo đảm cung ứng và phân phối vaccine ngừa Covid-19 đồng đều.
Hồi tháng 5, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 bàn về các biện pháp mạnh mẽ hơn trong công tác phòng chống dịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cho Bộ Ngoại giao “chủ động, tích cực tham gia vào quá trình tìm kiếm nguồn cung vaccine phòng dịch”.
Với nhiệm vụ được giao, các đơn vị trong nước của Bộ Ngoại giao cùng với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nỗ lực tìm kiếm, đàm phán với các tập đoàn, công ty cung cấp và nhà sản xuất vaccine trên thế giới để sớm tiếp cận thêm các nguồn vaccine, nhằm tăng độ bao phủ tiêm chủng vaccine cho người dân Việt Nam và sớm góp phần đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
Một trong những ưu tiên trong các cuộc điện đàm, tiếp xúc, làm việc gần đây, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao luôn đề nghị các đối tác hỗ trợ Việt Nam chống dịch bệnh và tiếp cận vaccine ngừa Covid-19.
Việc các nước viện trợ vaccine, Tổ chức Y tế thế giới đồng ý cử chuyên gia giúp cho Việt Nam sản xuất vaccine… không chỉ là tin tốt lành đối với toàn thể người dân Việt Nam nói chung mà cũng là sự khích lệ đối với những người làm công tác đối ngoại khi được góp một phần đưa đến những tin vui như thế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn đang hoành hành.