Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu trong chuyến thăm Jakarta, Indonesia tuần vừa qua. (Nguồn: Reuters) |
Vai trò của Mỹ ở châu Á
Dựa trên vị trí địa lý, Mỹ luôn coi mình là một cường quốc ở Thái Bình Dương. Mỹ cũng thường xuyên tham gia các cuộc chiến tranh trong khu vực.
Trong thời kỳ hậu Thế chiến II, bắt đầu từ thời Tổng thống Harry Truman và những người kế nhiệm ông, Washington nhận thấy họ can dự vào châu Á trên cơ sở lâu dài hơn.
Trong những năm qua, các liên minh và đối tác của Mỹ trong khu vực - Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và phần lớn các quốc gia ASEAN - đã chứng tỏ khả năng phục hồi và khả năng duy trì hòa bình.
Xung đột giữa các quốc gia diễn ra tương đối hạn chế và khu vực này đã không xảy ra chiến tranh quy mô lớn kể từ năm 1945.
Với việc Chiến tranh Lạnh kết thúc, khi các nền kinh tế châu Á tiếp tục phát triển và nền chính trị ở các quốc gia này dần trở nên tự do hơn, cùng với việc Trung Quốc vẫn hướng nội, Mỹ có ít lý do hơn để lo lắng về châu Á.
Triển vọng về một “Thế kỷ của châu Á” được đánh dấu bằng những hứa hẹn duy trì hòa bình và thịnh vượng tương phản rõ rệt với Trung Đông.
Ở đó, Mỹ nhận thấy họ có một danh sách dài các quốc gia thù địch, và với việc an ninh năng lượng trở thành trọng tâm trong chính sách đối ngoại, Washington ngày càng quan tâm hơn đến châu Á.
Vào thời điểm chuyển giao thế kỷ, với sự xuất hiện của chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, chủ nghĩa khủng bố toàn cầu và sự khởi đầu của các cuộc chiến tranh kéo dài của Mỹ ở Iraq và Afghanistan, nhiều nhà ngoại giao châu Á nhận thấy ảnh hưởng của các siêu cường trong khu vực đã thay đổi.
"Luồng gió mới" của ông Blinken
Chuyến công du đầu tiên của Ngoại trưởng Anthony Blinken đến châu Á được đánh dấu bằng chuyến thăm Jakarta, nơi ông vạch ra tầm nhìn về vai trò tương lai của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Không giống như những người đồng cấp trong chính quyền của Tổng thống Donald Trump vốn có quan điểm tương tự về Trung Quốc, Ngoại trưởng Blinken và đội ngũ của ông hiểu vai trò quan trọng của các liên minh và quan hệ đối tác trong việc duy trì trật tự an ninh do Mỹ dẫn đầu ở châu Á.
Chẳng hạn, trong chuyến thăm Jakarta gần đây, ông Blinken đã nhắc lại cam kết của chính quyền Tổng thống Biden trong việc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với Indonesia.
Nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của mối quan hệ song phương, nhà ngoại giao Blinken và người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi cũng thảo luận về các khía cạnh kinh tế, bao gồm cả việc Mỹ tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng, và thậm chí còn ca ngợi Indonesia đang dẫn đầu ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhấn mạnh rằng đó là “quốc gia ủng hộ mạnh mẽ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.
Trong bài phát biểu tại Đại học Indonesia về tầm nhìn của chính quyền Tổng thống Biden đối với chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, ông Blinken nói rằng, ông muốn phục hồi và tiếp thêm năng lượng cho các liên minh hiệp ước với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Philippines và Thái Lan.
Chính trị gia 59 tuổi này cũng nói về sự hợp tác ngày càng sâu rộng giữa các đồng minh trong khu vực, tại các diễn đàn như cuộc gặp ba bên Mỹ-Nhật-Hàn, hiệp ước an ninh AUKUS với Australia và Anh, và nhóm Bộ tứ với Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, nhằm bảo đảm một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Về kinh tế, ông Blinken lưu ý, chính quyền của Tổng thống Biden đang xây dựng một Khung kinh tế toàn diện Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một tổ hợp các sáng kiến chính sách sẽ bao gồm thương mại, kinh tế (kỹ thuật) số, chuỗi cung ứng linh hoạt, công nghệ, khử carbon và năng lượng sạch, cũng như cơ sở hạ tầng.
Cuối cùng, ông Blinken nêu rõ “các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương muốn Mỹ tăng cường đầu tư và chính sách tập trung vào ASEAN của Mỹ sẽ bao gồm việc Washington tham gia nhiều hơn vào thương mại bằng cách xác định các cơ hội mà các công ty Mỹ không thể tự tìm kiếm và tạo điều kiện thuận lợi để các công ty Mỹ đem chuyên môn và vốn đến những nơi mới và những lĩnh vực mới”.
So với chính sách đối ngoại lấy Mỹ làm trung tâm của chính quyền Tổng thống Trump, tầm nhìn của ông Blinken là một "luồng gió mới" cho các chính trị gia và giới ngoại giao châu Á.
Chắc chắn, đó là một khởi đầu tốt. Nhưng trong khi các nhà lãnh đạo đánh giá tích cực về chuyến công du của Ngoại trưởng Blinken, đằng sau những cánh cửa đóng kín là không ít sự hoài nghi.
Ví dụ, một nhà ngoại giao nổi tiếng của Indonesia đã đặt câu hỏi về khả năng Washington thực hiện những cam kết mang lại nhiều đầu tư tư nhân hơn và tài trợ cho cơ sở hạ tầng ở châu Á.
Lý do khác cho sự hoài nghi là câu hỏi về tính bền vững.
Ngay cả khi chính quyền của Tổng thống Biden thực hiện những lời hứa, không có gì đảm bảo những chính sách đó sẽ được các chính quyền trong tương lai tuân thủ.
*Tiến sĩ Rizal Ramli là cựu Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia (giai đoạn 2000-2001) và cựu Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải Indonesia (giai đoạn 2015-2016).