Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) gặp Tổng thống Israel Isaac Herzog tại khách sạn David Kempinski, ở Tel Aviv, Israel, ngày 9/1 (Nguồn: Reuters) |
Sức nóng xung đột
Đây là chuyến đi thứ tư của ông Blinken tới Trung Đông kể từ sau vụ tấn công do Hamas gây ra ngày 7/10/2023. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh xung đột trong khu vực ngày càng diễn biến phức tạp, nguy cơ lan rộng ra khắp khu vực Trung Đông.
Ba ngày trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ, cộng đồng quốc tế đồng loạt phản ứng trước sự kiện thủ lĩnh Hamas Saleh al-Arouri bị ám sát trong cuộc không kích được cho là do Israel gây ra ở Beirut, Lebanon.
Xung đột tại Dải Gaza ngày càng nóng lên sau vụ tấn công tại buổi lễ kỷ niệm 4 năm ngày mất của Tướng Qassem Soleimani thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) làm 103 người thiệt mạng.
Trước những diễn biến căng thẳng ở “chảo lửa” Trung Đông, Washington lập tức thực hiện sứ mệnh “dẫn dắt” của mình. Chuyến công du lần này của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hứa hẹn phần nào mang lại hoà bình cho Dải Gaza và hạ nhiệt xung đột đang có nguy cơ lan rộng ở khu vực. Theo đó, ông Blinken đã tới thăm 5 nước Arab bao gồm Jordan, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saudi Arabia và Ai Cập, trước khi đến Israel và Bờ Tây.
Israel dưới ảnh hưởng của Mỹ
Ngày 9/1, Ngoại trưởng Antony Blinken có mặt tại Tel Aviv để gặp các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự của Israel. Dù có những tuyên bố mạnh mẽ ủng hộ Israel kể từ khi nổ ra xung đột, nhưng khi đối mặt với chỉ trích từ cộng đồng quốc tế, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng cảnh báo Israel nên thay đổi chiến dịch ở Gaza để giảm thương vong trong khu vực.
Trong những cuộc họp kín với các nhà lãnh đạo chủ chốt của Israel, Ngoại trưởng Blinken muốn dùng ảnh hưởng của nước Mỹ để giải quyết tốt nhất mối bận tâm lúc này là khủng hoảng nhân đạo Gaza.
Ông Blinken nhấn mạnh, cả Mỹ và Israel cần có nhiều hành động thiết thực hơn để thúc đẩy các biện pháp viện trợ nhân đạo và tránh thương vong đáng tiếc trong cuộc xung đột. Ông nói thêm, Washington sẽ tập trung giải cứu các con tin người Mỹ, Israel và các quốc gia khác trong khu vực.
Đáp lại nỗ lực từ Mỹ, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu rằng, quân đội Israel sẽ làm mọi cách để khôi phục an ninh khu vực, nhưng đồng thời vẫn “chuẩn bị mọi thứ cần thiết” để bảo vệ biên giới phía bắc. Tuần trước, Israel thông báo, họ sẽ rút một lượng quân khỏi phía Bắc và sẽ tập trung nỗ lực ở Nam Gaza. Đây được xem là thành tựu quan trọng của Mỹ trong quá trình gây ảnh hưởng tới lập trường của Israel.
Song, theo nhận xét của ông Daniel Levy, nhà phân tích dự án Mỹ-Trung Đông, cho tới này, nhìn chung nỗ lực của Mỹ nhằm gây ảnh hưởng tới Thủ tướng Israel Netanyahu vẫn không có hiệu quả. Israel khẳng định họ đang theo đuổi chính sách mới cho xung đột Hamas-Israel nhưng đấy là chính sách gì thì vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.
Hình ảnh hiện trường sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Saleh al-Arouri ở ngoại ô Beirut của Lebanon. (Nguồn: AP) |
Tương lai chung cho Trung Đông
Trước khi đến Israel, Ngoại trưởng Mỹ đã tiếp xúc với lãnh đạo các quốc gia khác trong khu vực Trung Đông.
Tại Abu Dhabi, ông Blinken đã gặp Tổng thống Sheikh Mohammed. Ông Blinken nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được thỏa thuận ngừng bắn và đảm bảo viện trợ nhân đạo tới người dân Gaza. Ông Blinken nói: “Tôi nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện cam kết của mình đối với việc thành lập nhà nước Palestine độc lập”.
Ngày 8/1, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman kêu gọi nên dừng tất cả hoạt động quân sự ở dải Gaza và khôi phục tiến trình hòa bình để người dân Palestine có các quyền hợp pháp của mình.
Chuyến đi của ông Blinken tới UAE và Saudi Arabia diễn ra sau khi ông đến thăm Jordan. Trong cuộc đàm phán với nhà vua Jordan Abdullah II, Ngoại trưởng Mỹ đảm bảo rằng sẽ gây áp lực lên Israel và ngăn chặn việc di dời của người Palestine. Jordan cũng khẳng định, nước này muốn người Palestine quay trở lại phía Bắc Gaza và chấm dứt leo thang căng thẳng ở Bờ Tây.
Kết thúc chuyến công du, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Saudi Arabia, Jordan, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Thổ Nhĩ Kỳ “đã đồng ý chung tay vì nỗ lực giúp ổn định khu vực Gaza và đem lại hoà bình, an ninh, ổn định trong toàn khu vực”.
Như vậy, chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Trung Đông diễn ra trong bối cảnh sức nóng của xung đột Israel-Hamas dần lan sang các quốc gia khác như Lebanon, Yemen, Iran. Hàng loạt các tranh chấp, khủng bố còn làm trầm trọng hơn diễn biến căng thẳng hiện tại, buộc Mỹ không thể “ngồi yên”, mà ngay lập tức phải thúc đẩy giải pháp ngoại giao, đồng thời viện trợ nhân đạo để xua tan “mây đen” trên bầu trời Trung Đông đang rất u ám.