Nhân dịp này, Ngoại trưởng đã chia sẻ về các chính sách đối ngoại quan trọng của Thụy Điển. Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom từng nắm giữ các cương vị quan trọng trong Chính phủ Thụy Điển, Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc (LHQ). Năm nay, bà Margot Wallstrom cũng đã được LHQ trao tặng giải thưởng Agent of Change vì những nỗ lực trong việc đóng góp cho hòa bình trên thế giới.
Ngoại trưởng Thụy Điển trả lời phỏng vấn sau buổi nói chuyện. (Ảnh: PH) |
Nếu như khoảng hơn 100 năm trước, Thụy Điển bị xem là quốc gia nghèo nàn, lạc hậu nhất của châu Âu, đến nay đất nước Bắc Âu này lại được xem là hình mẫu xã hội mà nhiều quốc gia khác ngưỡng mộ và học tập, trở thành nơi đáng sống trên thế giới. Ngoại trưởng có thể chia sẻ những giá trị mà Thụy Điển coi là nguyên tắc trong quá trình phát triển của mình?
Thụy Điển cam kết mạnh mẽ trước những giá trị và nguyên tắc liên quan tới quyền con người, theo tinh thần của LHQ. Việc đẩy mạnh sự tôn trong quyền con người, dân chủ và thượng tôn pháp luật sẽ thúc đẩy vị thế và sự tự do hơn cho phụ nữ và toàn xã hội. Ngày nay, khi trật tự quốc tế đa phương dựa trên luật pháp đang bị đe dọa, tất cả nỗ lực cần được đẩy mạnh để bảo vệ trật tự này và cùng nhau giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu.
Thụy Điển cam kết thúc đẩy hợp tác đa phương và bảo vệ trật tự quốc tế đa phương mà ở đó chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả quốc gia lớn, nhỏ đều được tôn trọng.
Bên cạnh đó, Thụy Điển cho rằng việc bảo vệ các nguyên tắc tự do thương mại và hệ thống thương mại đa phương đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế toàn cầu. Những nỗ lực chung nhằm đẩy mạnh việc triển khai Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu cũng rất cần thiết. Biến đổi khí hậu đang đe dọa hàng triệu người không thể tiếp cận được với sự thịnh vượng, tụt hậu lại phía sau và khiến chúng ta không thể chấm dứt được đói nghèo trên toàn thế giới trước năm 2030. Hiện nay, những người nghèo và dễ bị tổn thương nhất trên thế giới đang phải chịu tác động mạnh mẽ từ biến đổi khí hậu. Do đó, ứng phó biến đổi khí hậu là chìa khóa để hỗ trợ phát triển.
Có lẽ chưa bao giờ như lúc này, chúng ta có nhiều hiểu biết, giải pháp và công nghệ để tạo ra những cơ hội phát triển một nền công nghiệp carbon thấp, đang có một cuộc cách mạng năng lượng, đặc biệt là tại những nước đang phát triển nhằm sử dụng những giải pháp về năng lượng tái tạo.
Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallström chụp ảnh cùng các sinh viên Đại học Ngoại thương. (Ảnh: PH) |
Là một trong những người đã góp phần giúp Thụy Điển trở thành quốc gia đầu tiên theo đuổi chính sách đối ngoại nữ quyền, bà có những chia sẻ gì xung quanh chính sách này?
Khi trở thành Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển năm 2014, tôi và những người trong chính phủ Thụy Điển nhận thấy rõ ràng rằng bình đẳng giới là chìa khóa trong tất cả khía cạnh của cuộc sống ở Thụy Điển cũng như trên thế giới ở cả mặt kinh tế, chính trị, đối ngoại, gìn giữ hòa bình và an ninh.
Vì vậy, chúng tôi quyết tâm phát triển chính sách đối ngoại nữ quyền. Tôi muốn làm rõ hơn chính sách của chúng tôi dựa trên 4 trụ cột: Thực tế - Realities; Quyền – Rights, Đại diện – Representation và Nguồn lực – Resource.
Trong suốt 3 năm qua, kể từ khi Thụy Điển triển khai chính sách, 10 quốc gia khác đã giới thiệu luật cũng như những kiến nghị tăng cường bình đẳng giới. Chúng tôi đã thành lập một mạng lới trung gian hòa giải nữ và tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các tiến trình hòa bình ở Mỹ Latin, châu Á, châu Phi và Trung Đông. Chúng tôi đã thúc đẩy thực hiện các chiến lược bình đẳng giới ở các ngân hàng phát triển và các quỹ môi trường, cố gắng đảm bảo rằng nhận thức về giới được lồng ghép vào các chương trình nghị sự phát triển. Chúng tôi đã giúp hàng trăm nghìn phụ nữ tiếp cận với việc phá thai an toàn.
Thực tế, trên thế giới vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử, bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới. Một số nước hiện vẫn cấm phụ nữ được làm nhiều việc, ngăn cản họ thực hiện quyền công dân. Phụ nữ xứng đáng được hưởng quyền lợi công bằng và khái niệm quyền phụ nữ và quyền con người là một và không thể tách rời. Tôi cho rằng, để làm nên sự thay đổi cần mất một thời gian dài và là một hành trình không hề dễ dàng nhưng tôi tin rằng chúng ta có thể làm tốt được.
Với những ai còn đang trăn trở về việc làm thế nào để tạo ra một tương lai cho chính mình và tương lai cho đất nước, tôi muốn đưa ra lời khuyên rằng nếu bạn tin có những thứ không công bằng, hãy hành động, hãy can đảm và kiên nhẫn.
Tôi muốn nhắc tới một ý thơ của nhà thơ Việt Nam Hoàng Thị Ý Nhi để làm rõ hơn thông điệp của mình. “Chúng ta không thể biết phía trước chúng ta là gì, là biển, là rừng, thung lũng hay đầm lầy. Nhưng bất chấp tất cả chúng ta vẫn đi tới cuối cùng con đường chúng ta đã chọn lựa, dù như một nghệ sĩ đi trên một sợi dây cáp, căng giữa một không gian rộng lớn. Cân bằng là điều mà chúng ta phải chú trọng”.
Ngoại trưởng đánh giá như thế nào về bình đẳng giới cũng như năng lực của giới trẻ Việt Nam?
Tôi tin Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa với thế hệ trẻ đầy nhiệt huyết và năng động. Hãy đeo kính râm vì tôi thấy tương lai của các bạn rất tươi sáng. Tôi luôn mong muốn được nói chuyện với giới trẻ trên toàn cầu để lắng nghe những nguyện vọng, mơ ước của thế hệ trẻ cũng như những khó khăn mà họ đang gặp phải.
Các bạn trẻ hãy chăm chỉ học tập, hãy học ngoại ngữ. Các bạn hãy tìm kiếm niềm đam mê của bản thân, hãy học cách quan tâm đến những người xung quanh. Hãy để tâm tới các vấn đề xã hội. Hãy chịu khó đọc sách và tìm tòi về các nước khác trên thế giới. Hãy kết bạn và xây dựng nên một mạng lưới những người có thể giúp đỡ bạn trong cuộc sống.
Tôi thấy Việt Nam đã có những nhận thức rất rõ ràng về quyền của phụ nữ, chúng ta đang cùng phối hợp chặt chẽ với nhau để đạt được mục tiêu của chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030.
Thụy Điển sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình với Việt Nam, chúng tôi luôn mong muốn với mạng lưới các nhà ngoại giao trải khắp thế giới, chúng tôi không chỉ truyền thông điệp tới đất nước Việt Nam mà còn hầu hết các quốc gia trên thế giới về vai trò quan trọng của phụ nữ cũng như tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào trong các công việc xã hội. Tôi cho rằng việc đặt ra những mục tiêu cụ thể trong việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hệ thống chính trị rất cần thiết, chúng tôi cũng đang lên những kế hoạch cụ thể để ngày càng có nhiều cán bộ nữ trong các tổ chức đa phương như EU hay LHQ.