Trong 5 ngày từ 11-15/10, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tiến hành thăm chính thức 4 nước Đông Nam Á gồm Campuchia, Malaysia, Singapore, Lào và Thái Lan.
Về mặt bối cảnh, chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị diễn ra trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á đang có thay đổi mới.
Đầu tiên, đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Đông Nam Á: Philippines và Indonesia hiện nay đang là hai vùng dịch lớn nhất, trong khi nhiều nước khác vẫn còn phải đối mặt với nguy cơ đại dịch có thể bùng phát mạnh mẽ trở lại bất cứ lúc nào. Nhu cầu cho vaccine Covid-19 trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Cách đây không lâu, ngày 9/10, Mỹ và 5 nước tiểu vùng sông Mekong đã thiết lập Thỏa thuận Đối tác. Theo đó, Washington cam kết cung cấp ít nhất 153 triệu USD cho Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào và Việt Nam để triển khai một số dự án hợp tác trọng điểm về chia sẻ dữ liệu về hệ thống thủy văn, quản lý thiên tai, tăng cường nỗ lực chống tội phạm xuyên biên giới.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) và người đồng cấp Malaysia Hishammuddin Hussein tại thủ đô Kuala Lumpur ngày 13/10. (Nguồn: Bernama) |
Trong bối cảnh đó, Bộ ngoại giao Trung Quốc khẳng định chuyến thăm nhằm “làm sâu sắc quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đề cao chủ nghĩa đa phương, duy trì hòa bình và ổn định”. Thời báo Hoàn cầu nhận định chuyến thăm sẽ “giúp những quốc gia này có nhận thức đúng đắn hơn về Trung Quốc… và giúp họ có lập trường khách quan hơn về quan hệ Mỹ-Trung và vấn đề sông Mekong”.
Song trên thực tế, theo giới quan sát, chuyến công du của người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc có ba mục đích lớn.
Thứ nhất, đó là tận dụng thành quả trong sản xuất vaccinenhằm tăng cường quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á. Theo Sixth Tone, một nguồn tin ẩn danh cho biết vaccine Covid-19 do tập đoàn dược phẩm Trung Quốc Sinopharm sản xuất đã sẵn sàng cho công chúng; người dân tại Vũ Hán và Bắc Kinh sẽ sớm có thể đăng ký để tiêm phòng loại vaccine này thông qua trang chủ của Sinopharm và ứng dụng WeChat.
Khi đó, vaccine Covid-19 do Trung Quốc sản xuất có thể là "cứu cánh" cho hàng loạt quốc gia Đông Nam Á đang gặp khó khăn, chưa thể kiểm soát dịch bệnh và Bắc Kinh hiểu rõ điều này. Trong chuyến thăm Malaysia, gặp người đồng cấp nước chủ nhà Hishammuddin Hussein ngày 13/10, Ngoại trưởng Vương Nghị đã khẳng định vaccine của Trung Quốc đã sẵn sàng sử dụng vào đầu tháng 11 tới và đồng ý đưa Malaysia vào danh sách ưu tiên tiếp nhận vaccine này.
Tương tự, trong chuyến thăm Singapore ngày 14/10 trong năm kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao hai nước, Ngoại trưởng Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẵn sàng tăng cường hợp tác cùng Singapore trong phát triển và phân bổ vaccine Covid-19.
Thứ hai, Trung Quốc mong muốn thể hiện thiện chí, vai trò đối tác then chốt tại khu vực trong một thế giới hậu Covid-19. Đây cũng là mục đích các chuyến thăm mới đây của quan chức cấp cao Trung Quốc, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa, tới Đông Nam Á.
Trong điểm dừng chân đầu tiên tại Campuchia ngày 12/10, đại diện Trung Quốc cùng người đồng cấp nước chủ nhà đã ký Hiệp định Tự do Thương mại Campuchia-Trung Quốc (CCFTA), thỏa thuận tự do thương mại đầu tiên của Campuchia.
Cột mốc này càng ý nghĩa hơn bao giờ hết khi quan hệ thương mại giữa Campuchia với phương Tây đang trắc trở. Quan trọng hơn, nó khẳng định cam kết của Bắc Kinh trong củng cố và phát triển quan hệ với Phnom Penh.
Tại Malaysia, ông Vương Nghị khẳng định sự ủng hộ dành cho Malaysia trong tổ chức Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), trong năm nay.
Tại Singapore, Ngoại trưởng Vương Nghị và người đồng cấp nước chủ nhà Vivian Balakrishnan nhất trí về “khẳng định sự ủng hộ song phương đối với quá trình phục hồi kinh tế, trong đó có hợp tác về điều trị và tiêm vaccine Covid-19, cũng như nối lại các đường bay quốc tế một cách an toàn”.
Tại Thái Lan, Ngoại trưởng Vương Nghị được cho là sẽ ký một thỏa thuận xây dựng đường sắt kéo dài 252km nối Bangkok và tỉnh Nakhon Ratchasima, thúc đẩy sự hình thành của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) mà Trung Quốc hẳng mong muốn.
Khi thế giới nói chung và các nước ASEAN nói riêng đối mặt với nguy cơ suy thoái trưởng kinh tế hậu Covid-19, những khoản đầu tư, hợp đồng lớn từ Trung Quốc là hấp dẫn, dù vẫn đòi hỏi sự cân nhắc thận trọng.
Thứ ba, Trung Quốc mong muốn “cách ly” Đông Nam Á khỏi ảnh hưởng của Mỹ, thể hiện rõ nét hơn cả trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị tới Malaysia ngày 13/10. Tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng nước chủ nhà, đề cập câu chuyện Biển Đông, ông Vương Nghị cho biết: “Bắc Kinh và các nước thành viên ASEAN nên hợp tác với nhau để loại bỏ ‘sự can thiệp từ bên ngoài’ ở khu vực Biển Đông”.
Về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và sáng kiến Bộ Tứ, ông gọi đây là cách Mỹ xây dựng “NATO ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
“Những gì chiến lược này theo đuổi là khuyến khích chiến tranh lạnh kiểu cũ và khơi mào cho sự đối đầu giữa các nhóm, khối khác nhau, gây ra sự cạnh tranh địa chính trị. Tôi tin rằng tất cả các bên đều thấy rõ điều này và sẽ cảnh giác chống lại nó”, ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, tuyên bố này cũng cho thấy điều chỉnh của Trung Quốc bởi năm 2018, chính Ngoại trưởng Vương Nghị từng khẳng định ý tưởng Bộ Tứ hay khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chỉ nhằm “giật tít” và “sẽ sớm tan như bọt biển”. Sau cuộc họp giữa Ngoại trưởng các nước Bộ Tứ tại Tokyo ngày 6/10, với Ngoại trưởng Mỹ công khai chỉ trích Trung Quốc, Bắc Kinh có lẽ đã buộc phải nhìn nhận hai vấn đề trên một cách thận trọng hơn.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tới 5 nước Đông Nam Á vì thế càng đáng chú ý hơn bao giờ hết.