📞

Ngôi nhà Bình yên cho những nạn nhân không may mắn

Hà Anh 15:00 | 10/04/2021
Có những ngôi nhà mang tên Bình yên, nằm ngay trên những con phố sôi động của Hà Nội và Cần Thơ. Nơi ấy, những nỗi đau về thể xác được xoa dịu, những tâm hồn bị tổn thương dần được chữa lành...

Năm 2007, sáng kiến mô hình Nhà tạm lánh (Ngôi nhà Bình yên) được Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) xây dựng dành cho nạn nhân bị bạo lực gia đình nhằm giúp đỡ, đồng thời hỗ trợ họ có môi trường sống tốt nhất để sớm ổn định về thể chất và tinh thần sau thời gian phải chịu đựng những hành vi bạo lực.

Trải qua gần 15 năm hoạt động, ba Ngôi nhà Bình yên được đặt tại Hà Nội và Cần Thơ đã trở thành địa chỉ tin cậy với những nạn nhân không may mắn của xã hội, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19.

Lớp tập huấn dành cho nhân viên tham vấn và công tác xã hội trực tiếp hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực tại ba Ngôi nhà Bình yên.

Câu chuyện từ đường dây nóng

Đường dây nóng cùng với Ngôi nhà Bình yên được thành lập nhằm cung cấp các dịch vụ toàn diện và tạm trú miễn phí cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình, xâm hại tình dục và mua bán. Bà Nguyễn Thúy Hiền – Phó Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cho biết, kể từ khi thành lập, Đường dây nóng và Ngôi nhà Bình yên đã hỗ trợ tham vấn cho 9043 người, giải cứu, tiếp đón và hỗ trợ trực tiếp cho 1361 phụ nữ và 560 trẻ em vào tạm trú.

Chia sẻ về những thách thức trong thời điểm Covid-19, Phó Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển nói: “Riêng trong giai đoạn dịch bệnh, số lượng tham vấn qua tổng đài 1900969680 và mạng xã hội của Ngôi nhà Bình yên đã tăng bảy lần so với cùng kỳ năm trước. Chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương tư vấn khủng hoảng/can thiệp khẩn cấp, giải cứu gần 30 vụ, tăng 40%. Phụ nữ và trẻ em bị bạo lực có thể gọi tới số điện thoại 1900969680 để nhận được hỗ trợ kịp thời”.

Bà Nguyễn Thúy Hiền cũng kể, đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội từ tháng Ba đến tháng Tư năm 2020, các hình thức bạo lực đều gia tăng đột biến. Ngôi nhà Bình yên đã tiếp nhận 15 phụ nữ và trẻ em.

Trước tình hình đó, các cán bộ và nhân viên của Ngôi nhà đã chủ động xây dựng kế hoạch để tiếp nhận nạn nhân, rất quyết tâm và sát sao phối hợp với chính quyền địa phương. Thậm chí, để đảm bảo an toàn cho người tạm trú, nhiều nhân viên tình nguyện ở lại Ngôi nhà để chống tình trạng lây nhiễm chéo.

Theo bà Hiền, nguyên nhân chính từ bối cảnh dịch Covid-19 bởi khi nạn nhân giãn cách xã hội ở nhà, người gây bạo lực có cơ hội kiếm cớ và kiểm soát chặt chẽ họ. Nếu như đối với nhiều gia đình thời gian ở nhà do Covid-19 là khoảng thời gian để các thành viên gần gũi và hạnh phúc hơn thì với những nạn nhân bị bạo lực đây lại thời điểm đầy bất hạnh của họ.

Đại dịch Covid-19 không chỉ gây ảnh hưởng trầm trọng tới kinh tế, xã hội mà còn là tác nhân gia tăng tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Theo báo cáo của UN Women, tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trên toàn cầu đã tăng từ 30%-300% kể từ khi đại dịch bùng phát.
Những món quà ấm ấp được gửi tặng đến nạn nhân bạo hành tại Ngôi nhà Bình yên.

... và những tấm lòng sưởi ấm và lan tỏa

Tuy nhiên, trong suốt thời gian ấy, Ngôi nhà Bình yên luôn nhận được hỗ trợ kịp thời từ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, chính quyền các địa phương, nhiều tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt là Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền Phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam...

Mới đây, UN Women tại Việt Nam trao tặng trang thiết bị thiết yếu trị giá 1,5 tỷ đồng để nâng cấp Đường dây nóng, cải thiện cơ sở vật chất của các dịch vụ xã hội tại ba Ngôi nhà Bình yên ở Cần Thơ và Hà Nội. Hoạt động này được hỗ trợ bởi Đại sứ quán Australia, nằm trong dự án chung ứng khó khẩn cấp với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trong bối cảnh Covid-19 được Chính phủ Australia tài trợ với sự đóng góp tài chính và kỹ thuật của UN Women, UNFPA và UNICEF.

Tại sự kiện, ông Andrew Barnes, Phó Đại sứ Australia đã bày tỏ sự cảm kích tới những nhân viên trực đường dây nóng và nhân viên xã hội của Ngôi nhà Bình yên .

Phó Đại sứ chia sẻ: “Trên toàn thế giới, đại dịch Covid-19 đã vạch trần sự bất bình đẳng và những chấn thương mà rất nhiều người, trong đó có phụ nữ và trẻ em phải chịu đựng. Đại dịch đã phơi bày quy mô của bạo lực trong các gia đình mà chúng ta không thể làm ngơ. Còn nhiều việc phải làm và chúng tôi cảm ơn các nhân viên tuyến đầu, đặc biệt, những người đã làm việc không mệt mỏi trong nỗ lực này”.

Bà Dương Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cũng cho rằng, những trang thiết bị này là một món quà đầy ý nghĩa, góp phần mang lại sự hoàn thiện cho gói dịch vụ thiết yếu hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực trên cơ sở giới.

Không chỉ cung cấp trang thiết bị, UN Women tại Việt Nam còn quan tâm đến nâng cao năng lực cho các nhân viên xã hội trực đường đây nóng và Ngôi nhà Bình yên. Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam cho rằng: “Mỗi một cuộc gọi tới Đường dây nóng và Ngôi nhà Bình yên đều mang ý nghĩa sống còn, là chiếc phao cứu sinh đối với nạn nhân”.

Bởi vậy, UN Women tại Việt Nam đã hành động ngay khi nhận được những báo cáo đầu tiên về việc gia tăng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em khi đại dịch bùng phát. Vào đầu tháng Hai vừa qua, hơn 30 nhân viên tham vấn và công tác xã hội trực tiếp hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực ở ba Ngôi nhà Bình yên tại Hà Nội và Cần Thơ đã được tập huấn nâng cao các kỹ năng giúp nạn nhân vượt qua sang chấn và khủng hoảng tâm lý trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Trong ba ngày tập huấn, học viên được cung cấp kiến thức và kỹ năng nhận diện các triệu chứng của căng thẳng/áp lực và các loại hình sang chấn tâm lý cũng như thực hành một số phương pháp sơ cứu và chăm sóc tâm lý kịp thời cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực.

Đây là một trong chuỗi các hoạt động trong lộ trình nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội của Trung tâm phụ nữ và Phát triển trong đó có dịch vụ tư vấn tâm lý, hỗ trợ qua đường dây nóng và trực tiếp tại Ngôi nhà Bình yên, hướng đến việc cung cấp dịch vụ thiết yếu hiệu quả, kịp thời và đúng với nhu cầu của nạn nhân.

Theo Thạc sĩ tâm lý Đoàn Thị Hương, giảng viên của lớp tập huấn, sang chấn tâm lý là hệ quả về mặt thể chất, tâm lý và não bộ sau khi cá nhân trải qua những sự kiện, tình huống độc hại hoặc đe dọa đến thể chất và cảm xúc, tạo ra những hệ quả kéo dài trên một hoặc nhiều khía cạnh chức năng như: sức khỏe thể chất, cảm xúc, tinh thần hay tương tác xã hội. Tuy nhiên, sang chấn có thể được hàn gắn và phục hồi nếu cá nhân, cộng đồng được chăm sóc và hỗ trợ phù hợp.

Trước những kiến thức kịp thời từ lớp tập huấn, chị Nguyễn Thị Thu Hoài, một nhân viên trực đường dây nóng cho biết: “Trong bối cảnh các cuộc gọi đến đường dây nóng của Ngôi nhà Bình yên tăng lên đột biến trong thời gian Covid-19 vừa qua, những kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ này đã giúp tôi rất nhiều trong việc tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân sớm vượt qua sang chấn sau bạo lực”.