📞

Ngôi nhà đa phương và chuyện ‘cái gật đầu’

Phương Hằng 10:00 | 11/02/2024
Từ chia sẻ của Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ), thấy rõ một Việt Nam với sự chân thành và tinh thần trách nhiệm đã cùng cộng đồng quốc tế “kể những câu chuyện đẹp” về sự đồng lòng và khát vọng hòa bình của nhân loại giữa muôn trùng gian nan!
Đại sứ Đặng Hoàng Giang (giữa), Phó chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, chủ trì một phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Ngày 22/12, Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ thông qua nghị quyết lần đầu tiên công nhận Tết Nguyên đán (Lunar New Year) là ngày nghỉ lễ hằng năm của LHQ. Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa của sự kiện này?

Đây là niềm vui không chỉ của riêng Việt Nam mà còn của rất nhiều nước có ngày lễ này. Điều đặc biệt là Nghị quyết được cả ĐHĐ LHQ bao gồm 193 quốc gia thành viên thông qua bằng đồng thuận, cho thấy sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, của các nước đối với dịp nghỉ lễ Tết Nguyên đán - một nét văn hóa rất đặc trưng của các nước Á Đông, trong đó có Việt Nam.

Ý nghĩa của việc Nghị quyết được thông qua không chỉ đơn giản là có thêm một ngày nghỉ mà lớn hơn là sự công nhận một nét văn hóa đặc sắc của các nước Á Đông như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Thêm nữa, nhóm đồng tác giả yêu cầu LHQ thông qua Nghị quyết này bao gồm 12 nước, trong đó có rất nhiều nước thành viên ASEAN. Điều này cho thấy các nước ASEAN rất đoàn kết và đồng thuận. Mặc dù có nhiều nước không kỷ niệm ngày lễ này nhưng họ rất ủng hộ chúng ta thúc đẩy LHQ thông qua Nghị quyết.

Sự kiện này rất có ý nghĩa với chúng ta, Tết Nguyên đán chính thức được công nhận là ngày nghỉ, ngày lễ không chỉ của LHQ mà có thể coi là của cả cộng đồng quốc tế (vì được 193 quốc gia thành viên thông qua), đại diện cho ngày lễ của gần 2 tỷ người trên toàn thế giới, cùng nhau kỷ niệm, chung vui nhân ngày lễ này. Đặc biệt, chúng tôi rất vui khi Nghị quyết được thông qua ngay trước thềm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Việt Nam là một trong 12 nước tham gia thư chung gửi lãnh đạo LHQ hồi tháng 8/2023 và tích cực thúc đẩy vấn đề này. 12 nước “thuyết phục” hơn gần gấp 10 lần số nước như vậy, “gật đầu” với một “nếp” văn hóa có nước lạ, có nước quen. Hành trình đó có điều gì để “kể” về thông điệp cũng như vai trò của Việt Nam, thưa Đại sứ?

Thư chung gửi LHQ được ký vào tháng 8/2023 nhưng quá trình trao đổi giữa nội bộ các nước đã diễn ra cách đây một năm. Chúng ta nhận thấy trong danh sách ngày nghỉ lễ của LHQ có rất nhiều ngày, tuy nhiên hầu hết đều liên quan đến phong tục, tôn giáo của phương Tây như nghỉ lễ Giáng sinh, lễ Tạ ơn hay một số ngày lễ Hồi giáo và không có một ngày lễ nào của nước Á Đông.

Chính vì vậy, chúng ta cùng với một số nước trong khu vực đã trao đổi và đi đến ý tưởng là cần thúc đẩy LHQ thông qua một ngày nghỉ đại diện cho dịp lễ quan trọng nhất của chúng ta và các nước trong khu vực trở thành ngày nghỉ lễ cho LHQ.

Từ khi hình thành, ý tưởng đó cũng phải trải qua một quá trình chuẩn bị rất công phu, bởi vì để LHQ công nhận một ngày nghỉ không đơn giản. Các nước phải xem xét việc nghỉ lễ này liệu có ảnh hưởng tới công việc chung hay ngân sách của LHQ không. Thông thường việc công nhận các ngày nghỉ lễ sẽ phải trình lên Ủy ban tài chính ngân sách của LHQ, sau khi xét thấy không có ảnh hưởng nào thì mới đưa lên ĐHĐ để bỏ phiếu thông qua. Điều đáng mừng là 12 nước đã cùng chung tay trao đổi và nhất trí thúc đẩy Nghị quyết, từ đó tranh thủ đi vận động các quốc gia ở mọi khu vực để họ hiểu hơn ý nghĩa của ngày lễ Tết Nguyên đán. Cũng thật mừng là tất cả quốc gia đều ủng hộ ý tưởng này và khi Nghị quyết thông qua tại ĐHĐ thì tất cả các nước chia vui với chúng ta.

Trước đây, tại LHQ, ngày Tết Nguyên đán được các quốc gia tổ chức riêng, chưa tập hợp lại thành một ngày chung. Chính vì vậy, khi được sự công nhận từ ĐHĐ LHQ, chúng tôi kỳ vọng sau này các quốc gia, nhất là các phái đoàn tại LHQ sẽ cùng chung tay làm sự kiện chung, quảng bá cho thế giới nét văn hoá đặc sắc của Tết Nguyên đán.

Từ câu chuyện “vận động” nêu trên, theo Đại sứ, ngoại giao công tâm – thu phục lòng người của Việt Nam, ở môi trường đa phương, có ý nghĩa quan trọng như thế nào, thưa Đại sứ?

Đối với triển khai đối ngoại nói chung, không chỉ của Việt Nam mà của tất cả các nước, là quan hệ giữa người với người. Do vậy, sự chân thành, hiểu biết, trân trọng lẫn nhau hết sức quan trọng trong công tác đối ngoại.

Đối ngoại song phương đã khó khi phải tìm hiểu lối sống, phong tục tập quán, bối cảnh lịch sử của đối tác. Với đối ngoại đa phương, chúng ta cần phải tìm hiểu nét đặc trưng của tất cả 193 đối tác ở các khu vực khác nhau. Chúng ta cần hiểu các đối tác nghĩ gì, cần gì, quan tâm đến vấn đề gì để có thể tìm điểm đồng dù là nhỏ nhất để có thể hợp tác. Chắc chắn trong lợi ích của mỗi nước đều có những điểm chung, vấn đề chung. Đơn cử như việc làm sao để gìn giữ môi trường hoà bình, ổn định, tất cả các quốc gia đến nay đều đồng thuận phải tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ.

Chính vì vậy, sự chia sẻ, chân thành rất quan trọng. Không chỉ Việt Nam, tất cả các nước trên thế giới đều rất coi trọng ngoại giao tâm công. Qua ngoại giao tâm công, chúng ta mới có thể thúc đẩy, xây dựng, củng cố lòng tin, đồng thuận và đoàn kết.

Với sự chân thành đó, hình ảnh Việt Nam ở LHQ là…

Công tác đối ngoại đa phương của Việt Nam thời gian qua đã có bước tiến dài, chúng ta ngày càng tự tin hơn, chủ động hơn trong triển khai công tác đối ngoại nói chung và đối ngoại đa phương nói riêng. Điều đó không tự nhiên mà có mà là một quá trình tích lũy trên cơ sở đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta.

Từ năm 1945, khi vừa thành lập nước, chúng ta đã mong muốn trở thành thành viên của LHQ. Các cuộc đàm phán đa phương lớn trong quá trình giành độc lập, thống nhất đất nước đã giúp chúng ta tích lũy được nhiều kinh nghiệm, bài học từ các thế hệ lão thành, tiền bối đi trước. Từ những bước đầu tiên tham gia vào khu vực và toàn cầu, cho đến nay, chúng ta đã thực sự trở thành một thành viên chủ động, đối tác đáng tin cậy của cộng đồng quốc tế, của LHQ.

Việt Nam từ một nước nhận viện trợ của LHQ để tái thiết đất nước sau khi giành được độc lập, đến nay Việt Nam đã đóng góp trở lại cho LHQ trên rất nhiều vấn đề như xây dựng các khuôn khổ luật pháp quốc tế lớn, tham gia các cơ chế quan trọng của LHQ như: HĐBA LHQ, các vị trí lãnh đạo của ĐHĐ LHQ, Hội đồng Kinh tế - Xã hội, Hội đồng Nhân quyền. Gần đây nhất, chúng ta đã là thành viên của hầu hết các cơ chế của UNESCO. Đó là những đóng góp có ý nghĩa rất quan trọng.

Trên thực địa, chúng ta còn cử lực lượng gìn giữ hòa bình để bảo đảm hòa bình, ổn định cho các khu vực trên thế giới, nhất là châu Phi. Đây là những đóng góp hết sức thiết thực của Việt Nam. Thêm nữa, việc chúng ta triển khai những nhiệm vụ, mục tiêu của LHQ tại Việt Nam cũng là nỗ lực đóng góp cho công việc chung của LHQ.

Có thể khẳng định rằng, cho đến nay, chúng ta hoàn toàn tự tin khi triển khai công tác đối ngoại đa phương nói chung cũng như triển khai các nhiệm vụ tại LHQ nói riêng.

Trong thời gian qua, một nhận định đã trở nên quen thuộc là “tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề chưa từng có tiền lệ…”, ở một tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh - LHQ, nơi “đầu sóng, ngọn gió” của đối ngoại, chúng ta đứng trước những thử thách như thế nào, thưa Đại sứ?

Đúng như vậy, môi trường quốc tế hiện nay không có lợi cho hợp tác đa phương và tạo ra nhiều thách thức do các hành động đơn phương và các vấn đề toàn cầu lớn, chưa đạt được giải pháp như vấn đề biến đổi khí hậu, phát triển…

Câu hỏi đặt ra là liệu hợp tác đa phương có còn hiệu quả hay không và có còn cần thiết không? Với tư cách là một quốc gia đang hội nhập toàn diện, Việt Nam cũng sẽ gặp phải không ít thách thức khi triển khai đối ngoại đa phương trong bối cảnh chung đó.

Tuy nhiên, trong trao đổi của tôi với các Đại sứ tại LHQ, đáng mừng là hầu hết các Đại sứ đều vẫn rất coi trọng hợp tác đa phương, LHQ và kỳ vọng LHQ tiếp tục đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định ở quy mô toàn cầu. Chúng ta sẽ có trách nhiệm phải đóng góp vào kỳ vọng chung như vậy.

Trước những thách thức đang đặt ra, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa cùng các nước đồng quan điểm, các nước trong khu vực và trên thế giới thúc đẩy việc củng cố xây dựng lòng tin, đoàn kết, đồng thuận nhằm giải quyết các vấn đề chung, kêu gọi đối thoại và hợp tác để giải quyết các khác biệt thay vì dùng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực. Việt Nam kỳ vọng các nước cùng chung tay vào thực hiện nguyện vọng chung bằng những lập trường, cam kết cụ thể, tôn trọng các cam kết đưa ra, thực sự trên cơ sở tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau để thúc đẩy hợp tác đa phương.

(thực hiện)