Chị Yên Hương (thứ 4 từ phải sang) tại lễ nhận Quyết định công nhận chuyên gia Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Quang Hòa) |
Giải thích về biệt danh "Người đàn bà thép", chị bảo từ bé chị đã là "đứa con gái mê mẩn các trò không phải của nữ sinh" dù được dạy nữ công gia chánh đầy đủ. Chị từng nổi tiếng là cô học trò nghịch nhất trường, đôi khi còn khoái chí trước cơn tức giận của người lớn.
Trong công việc, chị làm theo tinh thần quyết đoán, mạnh mẽ, thẳng thắn và đi đến tận cùng của kết quả. Chẳng hạn, việc chị muốn mở đào tạo Tiến sĩ. Khi trình lên Lãnh đạo Bộ, đề án được ủng hộ và sau gần 2 năm, dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Học viện, Thủ tướng đã ký giấy phép cho Học viện đào tạo TS ngành QHQT - là cơ sở đầu tiên trong cả nước đào tạo chuyên ngành này. Hoặc mới đây, khi Vụ Cán bộ yêu cầu chị xin dự án 165 mở liên kết đào tạo thạc sĩ QHQT cho Bộ, chị liền trao đổi với Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn và Giám đốc Học viện về ý tưởng liên kết đào tạo với New Zealand. Có lẽ vì biết tính chị đã nhận việc là làm bằng được, đồng chí Giám đốc Học viện cười nói "bà làm được gì cứ làm, đừng làm ảnh hưởng không tốt đến Học viện và uy tín của Ngành". Lao vào cuộc, chị mò mẫm tìm trường. Sau khi được Đại sứ Vương Hải Nam nhiệt tình giúp đỡ, chị đã chọn trường Victoria. Đến nay, Học viện đã liên kết với trường này ở cả hệ đại học và thạc sĩ. Chị cũng "khoe" rằng Học viện đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo xét vào danh sách các trường đào tạo tiên tiến về tiến sĩ vì có tiềm năng. Tương lai, nếu có kinh phí của nhà nước, liên kết đào tạo Tiến sĩ QHQT với trường Victoria cũng là hướng phấn đấu.
Có được như vậy, theo chị, là do Học viện có uy tín về đào tạo, cán bộ trong Học viện xắn tay cùng làm, mặc dù biết sẽ gặp nhiều thách thức. Đồng nghiệp của chị khẳng định "có chị Yên Hương dẫn đầu là chúng tôi ủng hộ, yên tâm và quyết tâm làm". Từ đây, chị rút ra một điều "nếu mình biết huy động và biết nghĩ đến công sức của anh em, mọi người sẽ ủng hộ hết lòng".
Khi tôi hỏi về "nhược điểm" của chị, chị trả lời ngay "đó là hay có các ý tưởng mới", "bướng" và luôn đòi hỏi mọi người quá cao. Mọi người nhận xét là chị có “sức bền vật liệu”, nên cứ làm rồi đến khi được ghi nhận kết quả đều ngoài sự trông đợi.
Tốt nghiệp trong tốp đầu, chị được giữ lại Học viện năm 1985, làm xong thạc sĩ ở Mỹ năm 1993, tiến sĩ năm 2003 và PGS năm 2009. Năm 2010, chị được Bộ Ngoại giao công nhận là chuyên gia cấp Bộ về Mỹ. Năm 2011, được bổ nhiệm Phó Giám đốc và được nhận Bằng khen Phụ nữ sáng tạo..., mà tất cả bước đi đó, theo chị, "đều không theo lộ trình nào cả". Thế nên mới có người bảo chị "là loại không chịu đi luân chuyển, không có việc gì giải trí nên mới đi làm tiến sĩ và PGS...". Nhưng chị tự nhận, đấy cũng là điểm yếu của mình vì là cán bộ đối ngoại mà không có kinh nghiệm về nhiệm kỳ đôi khi không "tự khoe mình được", nên chị không thích nói về mình.
Tiết lộ về việc nhận được Bằng khen Phụ nữ sáng tạo, chị kể: Khi tham gia dự án Ngoại giao đa phương năm 2004, trong số các môn học có môn Chủ trì hội nghị quốc tế được đặt ra cấp thiết vì Việt Nam đang thiếu giáo trình về kỹ năng này. Mọi người ở Học viện lúc đó đều ngại vì chưa có kinh nghiệm, tư vấn UNDP gây sức ép, nên chị nhận vì uy tín Học viện. Không ai tin chị sẽ viết được vì chị chưa hề có kinh nghiệm về chủ trì hội nghị quốc tế. Bản thân tư vấn do UNITAR cử đến giúp Học viện cũng ngại. Nhưng nhờ hướng dẫn tận tình của tư vấn và kinh nghiệm nghiên cứu, chị đã hoàn thiện giáo trình năm 2006. Giáo trình được UNITAR công nhận và mời chị đi dạy cho các nhà ngoại giao trẻ ASEAN, tập huấn các lớp cán bộ cấp vụ tham gia APEC... Khi đăng ký PGS, công trình đạt điểm tuyệt đối... Cho đến "một ngày đẹp trời", Ban nữ công Bộ hỏi chị có đề tài gì tham gia thi không, chị thoáng nghĩ: Nếu không thì xấu hổ lắm, nên chọn vội công trình này để gửi, dù khi tham gia chị không nghĩ mình được đưa vào danh sách nhận giải.
Đến hôm nay, với 27 năm trong nghề, "chưa đăng ký luân chuyển chứ không phải đăng ký mà không được đi" như lời chị nói, chị cảm thấy may mắn vì có được sự hậu thuẫn to lớn từ gia đình. Có lẽ, do được sinh ra trong một gia đình gốc Nho giáo, nên chị được lớn lên cùng khuôn thước Khổng-Mạnh. Cụ thân sinh ra chị thường dạy "nếu con cứ nhìn ra xung quanh thì sẽ không bao giờ dám làm bất kỳ điều gì, mà mình phải có tâm, lòng đam mê, nên cứ gắng làm và sẽ thanh thản". Chị vui vì niềm tin của mình là đúng: Đó là mọi người tốt trong xã hội rất nhiều, sự công bằng vẫn tồn tại. Và khi có niềm tin thì sẽ thấy gắn bó với nơi mình làm việc, yêu công việc mình làm.
Hải Hiền