Brazil đã ghi nhận hơn nửa triệu người tử vong vì dịch Covid-19. (Nguồn: AFP). |
Cuối tuần qua, Brazil đã chạm tới cột mốc u ám: 500.000 người tử vong vì Covid-19, con số chỉ xếp thứ 2 sau Mỹ.
Tuy nhiên, nếu Mỹ đang tiến gần đến mục tiêu miễn dịch cộng đồng nhờ chiến dịch tiêm chủng khá hiệu quả tính tới nay thì Brazil đang đối mặt với tình hình dịch bệnh vẫn rất phức tạp.
Có nhiều nguyên do dẫn tới tình trạng này, trong đó, có tình trạng người dân quốc gia Nam Mỹ dường như không muốn đi tiêm chủng vì chưa có loại vaccine mà họ mong muốn - vaccine của hãng Pfizer.
Số lượng liều vaccine Pfizer rất hạn chế ở Brazil vào thời điểm hiện tại. Theo dữ liệu của chính phủ, kho vaccine của Brazil chỉ có 4% của Pfizer (Mỹ/Đức), 96% còn lại là của AstraZeneca (Anh) và Sinovac (Trung Quốc).
Tại Sao Paulo, nhiều người dân muốn được tiêm vaccine Pfizer ở các điểm tiêm chủng và thường ra về nếu không có vaccine này. Một số trung tâm y tế thậm chí phải dán biển "không có vaccine Pfizer" để tiết kiệm thời gian.
Một số cơ sở tiêm chủng vắng không một bóng người, trong khi một số khác có vaccine Pfizer chật kín các hàng dài người xếp hàng chờ đăng ký tiêm.
Maressa Tavares, một giáo viên 29 tuổi, lẽ ra đã đi tiêm chủng từ 2 tuần trước ở Rio de Janeiro. Tuy nhiên, cha cô đã đề nghị cô phải chờ có Pfizer mới tiêm chủng.
"Với tôi, việc tiêm vaccine loại nào cũng không quan trọng lắm, nhưng cha tôi lại nghĩ khác", Tavares nói.
Tâm lý kén chọn của nhiều người Brazil đang ảnh hưởng trực tiếp tới chiến dịch tiêm chủng vốn đã chậm trễ và thiếu hụt chế phẩm ở nước này.
Các chuyên gia cảnh báo, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và sự chậm trễ trong việc tiêm chủng có thể gây ra rủi ro trực tiếp cho Brazil - quốc gia hiện trung bình có 2.000 người tử vong mỗi ngày. Hơn nữa, điều đó còn đe dọa cả thế giới nếu đất nước 213 triệu dân bùng dịch mạnh và trở thành "lò ấp" biến chủng SARS-CoV-2 mới.
Các bác sĩ và chuyên gia y tế khuyên người dân nên tiêm chủng bất cứ loại vaccine nào để có thể để ngăn mầm bệnh. Người đã tiêm chủng nếu có nhiễm bệnh cũng không gặp tình trạng bệnh nặng hoặc nguy kịch.
"Ban đầu, nhiều người không muốn tiêm vaccine CoronaVac của Sinovac, và giờ đây tới lượt AstraZeneca. Họ đã tiếp cận với một số nguồn tin không chính xác, trong khi chính phủ lại quá chậm chạp trong việc đưa ra kế hoạch tiêm chủng và điều này khiến người dân lo lắng", y tá Luiz Carlos de Souza e Silva tại một phòng khám ở Rio de Janeiro, nhận định.
Tâm ý e ngại vaccine không chỉ diễn ra ở Brazil. Tại châu Âu, AstraZeneca cũng từng phải đối mặt với việc bị ngừng sử dụng sau thông tin về một số biến chứng.
Tuy nhiên, Brazil là một trong những quốc gia cần vaccine Covid-19 nhất vào lúc này. Quốc gia Nam Mỹ mới tiêm chủng ít nhất một mũi cho 86 triệu người, tương đương chưa tới 30% dân số. Chỉ 12% dân số được tiêm 2 mũi vaccine, theo Bloomberg.
Nguy cơ biến chủng mới bùng phát
Chuyên gia Amesh Adalja, tại Trung tâm Johns Hopkins về An ninh Y tế ở Baltimore (Mỹ), cảnh báo rằng nếu virus tiếp tục lây lan rộng và không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, biến chủng mới có nguy cơ xuất hiện.
Trên thực tế, một biến thể SARS-CoV-2 lần đầu phát hiện ở Brazil đã lây ra tới 64 quốc gia trên thế giới. Dù vaccine có khả năng đối phó với biến chủng này, nhưng với những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp, một làn sóng lây nhiễm mới nguy hiểm có thể tiếp tục xảy ra.
Để dập dịch hiệu quả, Brazil cần tăng tốc tiêm chủng. (Nguồn: New York Times). |
"Virus lây lan dữ dội và rất nhiều người nhiễm, nhưng chỉ một số ít đã tiêm chủng và hầu hết mới chỉ tiêm một mũi. Việc kén chọn và chờ đợi để được tiêm vaccine theo ý mình là rất nguy hiểm", chuyên gia virus học Brazil Atila Iamarino cảnh báo.
Khác với Mỹ, quốc gia đã "đặt gạch" nhiều loại vaccine từ giai đoạn phát triển, Brazil ban đầu dự kiến chỉ đặt hàng AstraZeneca.
Tuy nhiên, sau khi vaccine bị giao chậm trễ, nhiều chính quyền địa phương đã tự đặt mua và thương lượng các hợp đồng riêng. Cuối cùng, Brazil đã đồng ý ký hợp đồng với Sinovac.
Các chuyên gia cho rằng, trong lúc dịch bệnh lây nhiễm phức tạp, các vaccine dù hiệu quả thấp hơn loại khác cũng rất đáng để tiêm chủng.
Nhà vi sinh vật học Natalia Pasternak, người chỉ trích chiến lược chống dịch của chính phủ, đã kêu gọi chính phủ cần phải truyền tải thông điệp tới người dân rằng họ không nên kén chọn vaccine và loại vaccine nào họ tiêm vào người cũng có hiệu quả.
Tốc độ tiêm chủng ở Brazil đã gia tăng trong thời gian gần đây và nhiều lô vaccine dự kiến sẽ được giao tới quốc gia Nam Mỹ trong thời gian tới. Nhưng giới chuyên gia tỏ ra chưa lạc quan với tình hình hiện tại.
Trong dữ liệu gần nhất công bố, Brazil có 82.288 ca nhiễm mới và 2.301 người chết trong 24 giờ, là vùng dịch lớn thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Ấn Độ.