📞

Người Hà Nội nhớ tiếng leng keng

15:00 | 17/07/2016
TGVN. Tôi sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Gai thuộc khu phố cổ Hà Nội. Nhà bán tạp hóa lấy tên là Bảo Hợp, số nhà 69, ở phía cây đa đình Cổ Vũ.

Còn nhớ thuở bé, cứ 5 giờ sáng, nghe tiếng leng keng “tàu điện” (cách gọi hồi đó) chạy qua nhà là bừng mắt dậy. Đường tàu điện sát ngay vỉa hè, chỉ cách độ vài chục cm. Vỉa hè hẹp, lòng đường không rộng, nên đến Tết Trung thu, khi qua phố, thời đó chuyên bán đồ chơi bằng giấy (sau mới chuyển sang Hàng Mã), tàu đi với tốc độ người đi bộ, vừa lăn bánh kèn kẹt vừa leng keng inh ỏi.

Năm 1902, cùng với cầu Long Biên (tức cầu Doumer), tàu điện Hà Nội xuất hiện. Không biết ông tôi, cụ Tú Thuật, rời quê ở Kinh Bắc lên định cư ở phường Cổ Vũ, Hàng Gai có chứng kiến hai sự kiện ấy không. Ngành xe điện Hà Nội ra đời do Công ty Điền Địa Đông Dương (Société Foncière de LIndochine) đứng ra thành lập Công ty xe điện. Năm 1904, có 4 tuyến: Bờ Hồ đi Bạch Mai (hơn 3 km), Bờ Hồ đi Bưởi (hơn 5 km), Bờ Hồ đi Hà Đông (hơn 10 km), Bờ Hồ đi Cầu Giấy.

Trụ sở Công ty xe điện đặt ở Thụy Khuê hồi đầu còn ở trong làng, sau ra mặt phố số nhà 67. Nơi khứ hồi của 4 đường xe điện là ga xe điện đặt ở Bờ Hồ, chỗ bể phun nước ngày nay, nơi phố Đinh Tiên Hoàng dẫn đến phố Hàng Đào, Hàng Gai. Gọi là ga, nhưng tôi nhớ mang máng là một cái nhà nhỏ gồm một văn phòng và một phòng cho khách đợi với mấy ghế dài bằng gỗ sơ sài. Có cái tiện là khách quê ra Hà Nội không sợ lạc vì cứ ngồi xe điện là thế nào cũng về đến Bờ Hồ là trung tâm Hà Nội.

Khi Pháp rút khỏi Hà Nội năm 1954, cơ sở vật chất xe điện không còn gì. Nhưng xe điện đã phục hồi và phát triển. Ngay từ năm 1968, hơn ba chục triệu khách mỗi năm. Thành phố đã có ý đồ hiện đại hóa xe điện, nên cử một đoàn đi nghiên cứu xe điện ở Romania. Dự án không thành do chiến tranh chống Mỹ. Sang những năm đầu thập kỷ 80, xe điện xuống cấp quá, mỗi năm chỉ còn khoảng 8 triệu lượt khách. Giám đốc Trần Huy Bá lãnh đạo anh em đã vực công ty lên: nâng cao chất lượng xe, số khách tăng lên gần hai mươi triệu lượt mỗi năm, công nhân lên đến 900 người. Năm 1989, Pháp tài trợ 6, 7 đoàn xe. Để tăng thêm thu nhập, công ty sản xuất cả gạch men, gốm sứ và than tổ ong, cán thép… Nhưng đến sau Đổi Mới, xe điện cũng phải cáo chung.

Xe điện với tiếng chuông leng keng, tiếng bánh ầm ầm, tiếng phanh kít, tốc độ ngang xe đạp, còn để lại cho người Hà Nội nhiều niềm vui, nỗi buồn, nhớ về một thời nghèo nàn mà giản dị, tình người đậm hơn bây giờ.

Xe điện là phương tiện hiện đại hóa thô sơ, nối ngoại ô nông thôn với thành thị, dẫn đến nhiều chợ: chợ Đồng Xuân, chợ Bưởi, chợ Hôm, chợ Châu Long, chợ Mơ. Trên tàu, mọi người chuyện trò, cười đùa tự nhiên như ở nhà. Mua vui thế nào cũng có anh bán dầu cù là tán một tấc đến trời, nhất là các bác hát xẩm nghe thật lâm ly. Nhảy tàu là một trò chơi đặc biệt của học trò trường Bưởi, chạy theo tàu đang chạy để nhảy vọt lên, hoặc nhảy từ tàu đang chạy xuống. Năm 1921, học trò trường Bưởi tẩy chay không đi xe điện để phản đối thái độ hống hách của tên Tây kiểm soát vé (theo nhà Hà Nội học Nguyễn Văn Uẩn).

Cuối những năm 60, đúng thời kỳ Mỹ ném bom, tôi có lần đưa bà bạn là nhà thơ Pháp F. Corrèze đi một nhà chuyến tàu lên Bưởi. Về Pháp bà có kể chuyến đi ấy trong một cuốn sách du ký như sau: “Trước cửa chợ Đồng Xuân, xe điện ngừng rất lâu, bị bỏ mặc, lái xe biến mất, rồi đùng một cái, lại chuyển bánh, người chật như nêm. Trong đám người, đàn bà đông hơn đàn ông, đứng ép vào nhau, lô nhô một vài cái đầu trẻ em. Tầu đi rì rì đến nỗi bọn trẻ ngoài phố chạy theo, nhảy lên dễ dàng.

Khách phụ nữ đa số là nông thôn, khó đoán tuổi, mặc áo dài nhuộm nâu, răng đen, toát lên hương vị đồng quê, ao rau muống, vườn trầu.

Một bà rút từ thúng ra mấy lá trầu mời bà cụ ngồi một góc toa xe. Bà cụ nhận một cách tự nhiên, lấy vôi từ chiếc hộp nhỏ và một miếng cau, rồi bắt đầu nhai. Cụ lim dim, như hưởng cái vui của miếng trầu trong ca dao cổ. Một em bé ngủ gật gà trên vai bà mẹ chưa có chỗ ngồi. Một chị ngồi trên ghế giơ hai bàn tay đón em bé cho mẹ đỡ mệt. Hai người không quen nhau, nhưng có lẽ cùng tuổi, cùng một vẻ nghèo kín đáo.

Bà cụ nhai trầu bỏm bẻm, bình luận một câu khiến mọi người chung quanh cười ồ: “Này khéo cháu nó lại tè ra cô đấy!”. Tè cũng tốt, vì như vậy chị ẵm đứa bé trong năm sẽ có con, ẵm nó để lấy “khước” (vận may). Bà mẹ ôm lại đứa bé để xuống chỗ đỗ sau nhà máy rượu, nơi chị làm công nhân…

Một, hai, ba… nhiều trạm dừng. Tàu chạy chầm chậm, đủ thì giờ để quen nhau và có chút vấn vương khi xuống tàu”.

Chuyến tàu nên nghĩa! Vang bóng một thời!