Người tiêu dùng và doanh nghiệp Nhật Bản đã có phản ứng trái chiều về quyết định tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% bắt đầu vào ngày 1/10/2019 mà Chính phủ nước này công bố ngày 15/10, khi các ý kiến ủng hộ đan xen với quan ngại về tác động tới nền kinh tế.
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Tokyo, Nhật Bản. (Nguồn: TTXVN) |
Lĩnh vực bán lẻ và một số lĩnh vực khác dự báo về khả năng xảy ra sự lộn xộn ở các cửa hàng khi Chính phủ Nhật Bản quyết định giữ nguyên mức thuế tiêu dùng 8% đối với nhu yếu phẩm hàng ngày như thực phẩm, đồ uống, không bao gồm các bữa ăn ngoài và đồ uống có cồn.
Một người tiêu dùng nữ 59 tuổi tại Tokyo cho biết việc tăng thuế sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của bà song không thể tránh được việc này nếu việc tăng thuế là cần thiết. Bà lo ngại không biết chính sách thuế thấp với nhu yếu phẩm hàng ngày được duy trì trong bao lâu. Các cửa hàng bán lẻ sẽ cần làm việc thêm để phân loại những mặt hàng nào bị áp mức thuế nào đồng thời cập nhật máy thu ngân tương ứng.
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, việc Chính phủ Nhật Bản tăng thuế tiêu dùng là cần thiết nhằm khôi phục thể trạng tài chính của đất nước hiện đang tệ nhất trong số các quốc gia công nghiệp trên thế giới, giữa bối cảnh dân số già hóa ở tốc độ nhanh sẽ đồng nghĩa với việc chi tiêu an sinh xã hội, như chi phí y tế và lương hưu, gia tăng. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản Hiroaki Nakanishi cho biết, việc tăng thuế tiêu dùng hiện đã nhận được sự chấp thuận của công chúng Nhật Bản.
Về phần mình, các ngành chế tạo ô tô và bất động sản đang sẵn sàng đón nhận tác động đến chi tiêu do thuế tiêu dùng tăng. Một quan chức tại một hãng chế tạo ô tô cho biết, kinh nghiệm từ các đợt tăng thuế tiêu dùng trước cho thấy nhu cầu đối với ô tô tăng trước thời điểm nâng thuế, song sau đó lại giảm. Một giám đốc tại một công ty bất động sản cho biết, ông dự đoán "một mức độ gia tăng nhất định trong nhu cầu trước thời điểm tăng thuế", song bày tỏ quan ngại về tác động tiêu cực đối với thị trường trong dài hạn.
Một quan chức thuộc Cơ quan Thuế Quốc gia Nhật Bản cho biết cơ quan này đã nhận được vô số câu hỏi từ các nhà hoạt động doanh nghiệp khi "các điểm cơ bản chưa được thông báo đầy đủ". Chuyên gia kinh tế Katsuyuki Hasegawa tại Viện Nghiên cứu Mizuho nhận định, nếu thuế tiêu dùng không thể được nâng tại thời điểm này, sẽ khó khăn hơn trong tương lai.
Trong một diễn biến liên quan, kết quả cuộc thăm dò được Nikkei Research thực hiện từ ngày 27/9-10/10 cho thấy, số lượng công ty Nhật Bản hứng chịu tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã tăng từ mức chỉ 3% hồi tháng 5/2018 lên hơn 30%. 53% số công ty bày tỏ lo ngại về căng thẳng thương mại leo thang và một bộ phận công ty đã bắt đầu nghĩ đến việc dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác.