Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí Lê Thị Thu Hằng báo cáo với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh về công tác chuẩn bị cho Trung tâm Báo chí quốc tế phục vụ Thượng đỉnh Mỹ - Triều. (Ảnh: ĐK) |
Là người có nhiều năm gắn bó với báo chí, bà có suy nghĩ thế nào về vai trò của những người làm báo nói chung, đặc biệt là người làm thông tin tuyên truyền đối ngoại nói riêng?
Tôi cho rằng nghề báo là một nghề thú vị nhưng cũng đầy thách thức, thậm chí nguy hiểm. Tôi vẫn ấn tượng mãi về bộ phim truyền hình nhiều tập của Italy có tên “Nghề nguy hiểm” – phản ánh về cuộc sống và công việc của những người làm báo.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, thế giới ngày càng phẳng, lượng thông tin dày đặc như hiện nay đòi hỏi người làm báo phải rất nhanh nhạy, truyền tải thông tin một cách nhanh nhất, phải “nhanh”, “đúng”, “trúng” nhưng cũng phải “hay”.
Đối với các phóng viên đối ngoại, khối lượng công việc vì thế cũng ngày một nhiều, đòi hỏi phóng viên phải xử lý linh hoạt hơn, có tầm nhìn toàn diện hơn, nhất là trong bối cảnh thông tin đối nội và thông tin đối ngoại dường như không còn ranh giới. Tôi lấy ví dụ, có những sự kiện quốc tế xảy ra ở nơi rất xa về mặt địa lý như những bất ổn tại Trung Đông hay châu Phi… tưởng như không liên quan đến Việt Nam, nhưng thực chất có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của chúng ta do tác động của giá dầu lên cao hay hoạt động xuất khẩu và đầu tư của ta ở khu vực đó bị ngưng trệ.
Ngược lại, những vấn đề đối nội của Việt Nam, nếu xử lý không khéo cũng có thể ảnh hưởng đến các hoạt động đối ngoại của ta. Câu chuyện bảo hộ công dân của ta là một ví dụ. Với số lượng người Việt Nam ra nước ngoài lao động, học tập, du lịch ngày một nhiều, cùng với đó là những vấn đề phát sinh như vi phạm pháp luật sở tại, tai nạn, thậm chí bị khủng bố. Nếu thông tin tuyên truyền không khéo, chỉ tập trung khai thác những vấn đề tiêu cực thì cũng có thể ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, tác động bất lợi cho các hoạt động xuất khẩu lao động, du học, du lịch của chính người dân chúng ta.
Trong một thế giới đầy biến động và môi trường truyền thông đang ngày càng thay đổi, khi mạng xã hội chiếm ưu thế về không gian, thời gian, người dân có thể tiếp cận nhiều nguồn thông tin không chính thức và không chính xác, thậm chí tin giả, tin xấu độc, thì người phóng viên đối ngoại hơn bao giờ hết phải làm tròn sứ mệnh người đưa tin khách quan, trung thực, công bằng, định hướng dư luận tích cực.
Tác nghiệp của báo chí trong bối cảnh mới có gì nổi bật, đặc biệt là trong lĩnh vực đối ngoại, thưa bà?
Môi trường tác nghiệp mới đòi hỏi phóng viên phải thường xuyên rèn luyện, ngoài các kiến thức cơ bản về các vấn đề quốc tế, phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, đi kèm với các kỹ năng chuyên nghiệp, hiện đại. Một phóng viên bây giờ cùng một lúc phải là người viết bài, đưa tin, chụp ảnh, nhà quay phim. Trong điều kiện chỉ với chiếc điện thoại thông minh, phóng viên buộc phải làm tất cả mọi việc để có thể ngay lập tức truyền tải thông tin đến bạn đọc.
Phóng viên phải có sự chủ động cao, có khả năng độc lập tác chiến, đặc biệt là các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, tạo quan hệ (networking)…, nhất là khi tác nghiệp trong môi trường quốc tế, nơi mà báo giới quốc tế luôn có ưu thế về thể lực, kỹ năng, phương tiện kỹ thuật hiện đại. Làm thế nào để chúng ta tự tin cạnh tranh với họ, từ vị trí đặt máy quay phim cho đến việc giành quyền đặt câu hỏi trong một cuộc họp báo quốc tế với cả “rừng” phóng viên.
Qua các sự kiện quốc tế được tổ chức gần đây tại Việt Nam như APEC 2017 với sự tham dự của gần 3000 phóng viên trong nước và quốc tế hay như Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tháng 2/2019 vừa qua với 4000 phóng viên từ khắp các châu lục, đội ngũ người làm báo nói chung và phóng viên đối ngoại nói riêng của Việt Nam đã có dịp cọ sát, thể hiện năng lực chuyên môn và bản lĩnh nghề nghiệp ngang tầm khu vực và quốc tế.
Ngay trong năm đầu tiên nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN năm 2020. Đây là trách nhiệm kép. Trước những nhiệm vụ lớn của ngành đối ngoại, báo chí cần phát huy vai trò như thế nào, thưa bà?
Trong năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhiệm vị trí kép, ở tầm khu vực chúng ta đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN 2020 còn ở quy mô thế giới là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Theo tôi, chúng ta có nhiều cơ hội để báo chí có thể phát huy vai trò của mình khi tham gia thông tin về các hoạt động, sáng kiến, vai trò của Việt Nam trong hợp tác khu vực, khuôn khổ ASEAN cũng như rộng hơn là khuôn khổ Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội thì báo chí cũng đứng trước những thách thức khi làm sao phải tận dụng được cơ hội để đưa thông tin nhiều hơn về Việt Nam, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế…
Ngoài ra, báo chí cũng cần tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, vị thế của Việt Nam tại ASEAN cũng như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Người dân cần biết việc Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của đất nước hay khi Việt Nam đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN 2020 với việc tổ chức hàng trăm cuộc họp lớn nhỏ thì sẽ thu được những lợi ích gì? Nâng cao hiểu biết và nhận thức cho công chúng, từ đó tạo sự đồng thuận trong xã hội ủng hộ của người dân sẽ góp phần để chúng ta đảm nhiệm tốt, hoàn thành xuất sắc vai trò kép này.
Theo bà, sự đồng hành của báo chí đối ngoại có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển chung của ngành đối ngoại?
Tôi cho rằng, báo chí đối ngoại đã, đang và sẽ đóng góp không nhỏ vào thành công chung của đối ngoại Việt Nam. Báo chí đối ngoại luôn đồng hành cùng các hoạt động đối ngoại, không đơn thuần là phương thức tuyên truyền mà còn là công cụ để triển khai các hoạt động đối ngoại.
Trong triển khai các hoạt động đối ngoại không thể thiếu được các hoạt động thông tin, tuyên truyền. Báo chí đưa tin về diễn biến, kết quả, thành công của hoạt động đối ngoại, giúp làm lan tỏa đến công chúng, làm nổi bật những dấu ấn đối ngoại. Đồng thời, báo chí còn đóng vai trò tạo môi trường thuận lợi, góp phần vào thành công của hoạt động đối ngoại. Đơn cử như trước các chuyến thăm nước ngoài, lãnh đạo của ta thường có bài trả lời phỏng vấn/bài viết để công chúng, dư luận nước sở tại biết đến, quan tâm đến chuyến thăm, là dịp để gửi thông điệp đến người dân nước sở tại về mục đích và kỳ vọng về chuyến thăm, tương lai của quan hệ hai nước…qua đó tạo bầu không khí hữu nghị, thuận lợi cho chuyến thăm.
Quan trọng hơn nữa, báo chí còn là công cụ để tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân đối với chủ trương, chính sách, hoạt động đối ngoại.
Có thể khẳng định báo chí đối ngoại luôn phối hợp chặt chẽ với ngoại giao làm tốt công tác duy trì môi trường hoà bình, ổn định, đấu tranh dư luận, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, đồng thời quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra thế giới.
Nhân ngày báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi xin nhiệt liệt chúc mừng các nhà báo, các đồng nghiệp và mong rằng chúng ta sẽ tiếp tục sát cánh bên nhau trong những chặng đường sắp tới.
Xin cảm ơn bà!
| Mỹ đánh giá chưa khách quan về tự do tôn giáo ở Việt Nam Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do ... |
| Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về việc Triều Tiên phóng vật thể bay không xác định ngày 9/5 Theo đó, Việt Nam mong muốn các bên thúc đẩy đối thoại vì hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển trên bán đảo ... |
| Việt Nam mong Mỹ và Trung Quốc giải quyết bất đồng thương mại thông qua đối thoại Tuyên bố của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang ... |