Người trẻ chủ động nắm bắt và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI). (Nguồn: ĐĐK) |
Ngoài ra, các bạn trẻ sẽ có thêm nhiều cơ hội nếu có khả năng dẫn dắt và truyền cảm hứng cho người khác, kỹ năng thích ứng, thích nghi với những thay đổi nhanh chóng của môi trường làm việc; ý thức về trách nhiệm xã hội và đạo đức trong việc sử dụng AI.
Tại sao những kỹ năng này lại quan trọng? Bởi lẽ, AI có thể thực hiện nhiều công việc lặp đi lặp lại nhưng không thể thay thế hoàn toàn con người, đặc biệt là trong những công việc đòi hỏi sự sáng tạo, tư duy phản biện và kỹ năng giao tiếp. Những kỹ năng này giúp bạn trẻ tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới, mang lại giá trị cho xã hội. Hơn thế, những kỹ năng này còn giúp nâng cao khả năng cạnh tranh. Theo các chuyên gia, trong một thị trường lao động ngày càng cạnh tranh, những người sở hữu những kỹ năng này sẽ có nhiều cơ hội hơn.
GS. Phan Văn Trường, chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế và là Cố vấn của chính phủ Pháp về thương mại quốc tế từng chia sẻ, thế giới ngày nay vô cùng phức tạp, dường như chưa ngày nào qua đi mà không có một biến cố mang tầm quốc tế. Với những bạn trẻ bám thời sự, phấn đấu, thử thách bản thân với cuộc sống thực tế, nhào vào các cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường lao động chắc chắn đã mang sẵn bản lĩnh cao.
Thực tế, nền giáo dục tại rất nhiều quốc gia đang lỗi thời nhanh chóng. Giá trị của một học viên không còn được đánh giá trên số lượng kiến thức thuộc lòng nữa, vì việc này đã trở thành vô dụng. Máy sẽ đảm nhiệm trao bất cứ thông tin nào chúng ta cần. Thậm chí, trong một tương lai gần, máy sẽ thay thế con người trong những việc đơn giản.
Tại hàng trăm quốc gia, trong đó có rất nhiều nước văn minh hàng đầu thế giới, nền giáo dục đã trở nên lỗi thời từ việc vẫn còn chú trọng thi cử. Trong khi đó, tại nhiều quốc gia, ngay chuyện kiểm tra học vấn cũng không được coi là ưu tiên; khi đi làm, khá nhiều công ty không quan tâm đến những thành tích hoặc lý lịch nữa.
"Khuynh hướng của giáo dục là giúp học sinh có nhiều thời gian để lớn lên, sớm trưởng thành, sớm nhận thức trách nhiệm công dân, tập sử dụng tay chân thay vì chỉ học với trí óc. Từ đó, chương trình học nhẹ hơn, học sinh thoải mái hơn và bắt đầu khởi động khả năng sáng tạo, làm việc nhóm, lý luận, đúc kết và truyền thông. Thực tế, những điều này rất quan trọng đối với các công dân toàn cầu nhưng đôi khi lại không được nhà trường chú trọng. Ngày nay, việc làm có ích nhất trong nền giáo dục là phải tập trung vào việc tạo ra những con người có khả năng chỉ huy robot, sáng tạo nhanh hơn trí thông minh nhân tạo, lý luận sắc sảo hơn mọi phần mềm và sử dụng dữ liệu thay vì cố lưu giữ trong trí nhớ", GS. Phan Văn Trường nhấn mạnh.
Như vậy, trong thời đại AI, việc không ngừng học hỏi và nâng cao kỹ năng là điều vô cùng quan trọng. Bằng cách trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết, bạn trẻ có thể tận dụng tối đa cơ hội mà AI mang lại và trở thành một người có ích cho xã hội. Muốn vậy, các em cần nắm bắt và ứng dụng công nghệ AI; tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về AI để có thể phục vụ học tập và làm việc hiệu quả trong môi trường số.
Có thể nói, AI hỗ trợ rất lớn trong việc tạo ra nội dung sáng tạo, nhưng chính con người mới quyết định ý tưởng và định hướng. AI có thể thực hiện nhiều công việc lặp đi lặp lại, nhưng khả năng sáng tạo, tư duy phản biện vẫn là thế mạnh của con người. Trong một thế giới luôn thay đổi, khả năng thích ứng và giải quyết vấn đề một cách linh hoạt là rất quan trọng. Làm việc nhóm hiệu quả là yếu tố quan trọng để thành công trong các dự án phức tạp.
Người trẻ phải ý thức được những tác động của AI đến xã hội và sử dụng công nghệ một cách có trách nhiệm. Bạn trẻ có thể khởi nghiệp bằng cách ứng dụng AI vào các lĩnh vực khác nhau như y tế, giáo dục, nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm dịch vụ mới. AI mở ra vô vàn cơ hội để tạo ra các sản phẩm dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay người trẻ cũng đang phải đối mặt với thách thức như mất việc làm; AI có thể thay thế con người trong một số công việc. Do đó, không còn cách nào khác, các em hãy nâng cao kỹ năng, học hỏi những lĩnh vực mà AI chưa thể thay thế.
AI có thể tạo ra các thông tin giả mạo vì vậy, phát triển tư duy phản biện, kiểm chứng thông tin là vô cùng quan trọng. AI có thể làm gia tăng bất bình đẳng xã hội nên việc xây dựng các chính sách công bằng, đảm bảo mọi người đều có cơ hội tiếp cận công nghệ là rất quan trọng.
Để đối phó với những thay đổi của cuộc sống và sự lên ngôi của Trí tuệ nhân tạo, các bạn trẻ phải học tập không ngừng, cập nhật kiến thức và kỹ năng mới. Tham gia các hoạt động xã hội, phát huy tinh thần khởi nghiệp, tạo ra những giá trị mới, xác định con đường phát triển bản thân.
GS. Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (ĐHQGHN) bày tỏ quan điểm, nếu một người không có năng lực, tư duy phản biện cũng sẽ không có năng lực tư duy phản biện trước AI. AI trả lời cái gì cũng tin đó là thật, chưa kể AI có thể chế tạo ra các câu chuyện, tin giả và thông tin không đúng với sự kiện lịch sử hay các giá trị văn hoá. Cho nên vấn đề đặt ra, chúng ta không thể học, hoặc làm việc theo kiểu “truyền thống” được nữa khi AI ngày càng phát triển.
Phải dạy cho học sinh, sinh viên biết cách thức tận dụng công nghệ mới AI, hiểu nó để nó không gây hại cho thế hệ trẻ. Đồng thời, thay đổi cách giáo dục để các em không được lười lao động, lười suy nghĩ, lười sáng tạo; dẫn đến tương lai có thế hệ “nằm dài” suốt ngày phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ mà không sáng tạo ra giá trị mới.
Vì thế, bây giờ phải giúp con người học về AI, thậm chí phán xét AI. Chúng ta phải tận dụng AI để giúp cho học tập, lao động có sự sáng tạo để tăng năng suất lao động chứ không phải cấm. Cho nên, cần có cách ứng phó để tận dụng, sử dụng nó phục vụ cho sự phát triển.
Trong kỷ nguyên số, thế hệ trẻ đóng vai trò là những người tiên phong trong việc khám phá và khai thác tiềm năng của Trí tuệ nhân tạo. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tinh thần cầu tiến, bạn trẻ hoàn toàn có thể tự tin bước vào tương lai và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.