Back to E-magazine
e magazine
08:00 | 19/04/2021
Nguyễn Cơ Thạch – huyền thoại ngành ngoại giao và những chuyện kể mãi không hết…

08:00 | 19/04/2021

Đối với nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phú Bình, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch là nhà lãnh đạo tầm chiến lược nhưng lại rất gần gũi, giản dị.
Nguyễn Cơ Thạch – huyền thoại ngành ngoại giao  và những chuyện kể mãi không hết…

Với nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phú Bình, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch là nhà lãnh đạo tầm chiến lược nhưng lại rất gần gũi, giản dị.
“Một huyền thoại, một tấm gương sống, một nhà ngoại giao kiểu mẫu, bản lĩnh, tầm nhìn chiến lược, phong cách ứng xử đàng hoàng, tinh tế - tất cả đều có trong nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch”.

Nguyễn Cơ Thạch – huyền thoại ngành ngoại giao  và những chuyện kể mãi không hết…

Thứ trưởng Nguyễn Phú Bình là người may mắn được tham gia lớp kiến thức ngoại giao đầu tiên, tiếp theo lớp tập sự cấp Vụ của các bậc đàn anh, theo sáng kiến của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch (từ lúc là Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao).

Những cán bộ ngoại giao phải trải qua kỳ thi rất nghiêm ngặt, học tập toàn diện kiến thức ngoại giao, qua thời gian thử thách tập sự cấp Vụ và có đề tài nghiên cứu được thông qua, trước khi được xem xét bổ nhiệm lãnh đạo cấp Vụ.

Sau khóa học, Bộ chọn 8 người cao điểm nhất – có tổng điểm thi 4 môn là 32 điểm trở lên, làm tập sự cấp Vụ, trong đó có ông Bình.

“Có thể nói, sáng kiến của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã góp phần giải quyết vấn đề trẻ hóa đội ngũ cán bộ và đảm bảo đào tạo lực lượng cán bộ lãnh đạo kế cận theo chủ trương Hội nghị ngoại giao năm 1977.

Vì lúc đó, đa số cán bộ lãnh đạo cấp Bộ, cấp Vụ đều tham gia cách mạng từ năm 1945 hoặc trước đó. Bộ Ngoại giao thiếu cán bộ trẻ để kế thừa. Bên cạnh đó, cán bộ ngoại giao được tập hợp từ rất nhiều nguồn khác nhau, chưa được chuẩn hóa về kiến thức ngoại giao”, nguyên Thứ trưởng Nguyễn Phú Bình chia sẻ.

Nguyễn Cơ Thạch – huyền thoại ngành ngoại giao  và những chuyện kể mãi không hết…
Bác Hồ và một số đồng chí lãnh đạo cùng gia đình tại Việt Bắc. (Ông Nguyễn Cơ Thạch đứng thứ ba từ phải sang).

Nguyễn Cơ Thạch – huyền thoại ngành ngoại giao  và những chuyện kể mãi không hết…

Khi phóng viên đặt câu hỏi về những kiến thức được học, nguyên Thứ trưởng Nguyễn Phú Bình kể lại câu chuyện ông Nguyễn Cơ Thạch khi được cử đi làm Tổng lãnh sự ở Ấn Độ (năm 1956) đã hỏi Bác Hồ: Tôi không biết gì về ngoại giao thì làm thế nào?

Bác Hồ nói: Cứ xem người ta làm thế nào thì làm theo thôi. Thế nên trong bữa tiệc đầu tiên ở sở tại, Tổng Lãnh sự Nguyễn Cơ Thạch đã không ăn món được phục vụ đầu tiên vì… “phải nhìn xem những người khác cầm thìa dĩa như thế nào để làm theo!”

Bởi vậy, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã rất chú trọng vào giáo trình của lớp kiến thức ngoại giao.

Ông “ra đầu bài” cho đội ngũ những cán bộ đã từng học ở nước ngoài về, hoặc cán bộ giảng dạy Đại học Ngoại giao biên soạn giáo trình cho các môn học cần thiết, cơ bản nhất cho các cán bộ ngoại giao, bao gồm: Quan hệ quốc tế, chính sách đối ngoại, kinh tế (kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam) và pháp luật quốc tế.

Nguyễn Cơ Thạch – huyền thoại ngành ngoại giao  và những chuyện kể mãi không hết…

“Là người vừa mới vào ngành, vẫn còn trẻ, được đi học một lớp bài bản về ngoại giao như vậy nên chúng tôi cảm thấy đầu óc được mở mang, không phải ‘nhìn người khác rồi làm theo’ nữa.

Không chỉ hiểu về lịch sử ngoại giao Việt Nam, chúng tôi còn biết lịch sử quan hệ quốc tế, biết tại sao nổ ra các cuộc chiến tranh thế giới, tại sao hình thành các liên minh… Không khí trong ngành lúc đó phấn khởi lắm. Mọi người cảm thấy mình đã được trang bị để trở thành một cán bộ ngoại giao thực sự”, ông Bình nhớ lại.

Sau khi lớp tập sự cấp Vụ thành công, đầu những năm 1980, Bộ mới đặt ra cơ chế tập sự cấp Bộ, gọi là trợ lý Bộ trưởng. Đây cũng là sáng kiến của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, và Bộ Ngoại giao cũng là Bộ đầu tiên có cơ chế này.

Nguyễn Cơ Thạch – huyền thoại ngành ngoại giao  và những chuyện kể mãi không hết…

Thủ tướng Phạm Văn Đồng (ngồi thứ hai từ phải) trong chuyến thăm Ấn Độ và Sri Lanka năm 1978. Ông Nguyễn Cơ Thạch lúc đó là Thứ trưởng Ngoại giao.

Nguyễn Cơ Thạch – huyền thoại ngành ngoại giao  và những chuyện kể mãi không hết…

Sau khi được chọn là Tập sự cấp Vụ, làm Trợ lý Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, tiếp đó chuyển về Vụ Tổng hợp đối ngoại, ông Bình đã được đi dự các cuộc giao ban hàng ngày của Bộ. Đây là thời gian ông được tiếp cận Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch.

Được bổ nhiệm Phó Vụ trưởng, hơn một năm sau, ông được điều về làm Phó Chánh Văn phòng, Quyền Chánh Văn phòng rồi Chánh Văn phòng, đây là thời kỳ ông được làm việc trực tiếp dưới sự dẫn dắt của ông Thạch.

Giao ban hằng tuần sáng thứ hai và hằng ngày (ngắn gọn hơn) bao giờ cũng bắt đầu bằng việc phổ biến tin tức hàng ngày, được tổng hợp từ nhiều nguồn tin: thông tin về những sự kiện hoặc tiếp xúc đối ngoại; chủ trương hoặc thông tin từ Trung ương, các bộ ngành…, và sau đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch.

Trừ khi có việc đi vắng, bao giờ Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cũng dự và chỉ đạo tại giao ban. Ông rất chăm chú nghe phần điểm tin, sau đó khơi gợi làm gì tiếp theo hoặc cần phải giải quyết vấn đề gì.

“Hồi đó, Bộ áp dụng cơ chế đánh giá theo sản phẩm, cũng là sáng kiến của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, gọi tắt ‘đầu vào’ và ‘đầu ra’. Ví dụ, sau khi một đơn vị được giao làm một đề án hay xử lý một vấn đề thì đều phải có đánh giá kết quả. Đầu vào là chương trình, đầu ra là sản phẩm. Qua đó, Văn phòng, nơi phân công cho các đơn vị, cũng phải theo dõi, nhận xét công tâm, và sát sao.

Có thời kỳ, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch còn chỉ đạo lập ra Vụ Thưởng phạt để đánh giá kết quả ‘sản phẩm’, công việc của các Vụ. Đúng là Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đưa ra nhiều cái nghe ‘lạ tai’, nhưng đều rất có lý”.

Nguyễn Cơ Thạch – huyền thoại ngành ngoại giao  và những chuyện kể mãi không hết…
Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (thứ tư và thứ năm từ phải sang) cùng các đại biểu dự Hội nghị Ngoại giao, tháng 4/1985.

Nguyễn Cơ Thạch – huyền thoại ngành ngoại giao  và những chuyện kể mãi không hết…

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, nguyên Thứ trưởng Nguyễn Phú Bình nhắc đi nhắc lại công tác nghiên cứu, lĩnh vực mang dấu ấn đậm nét của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch.

Trước đó, việc nghiên cứu đánh giá một sự kiện, một vấn đề xảy ra thường dựa theo suy diễn cảm tính hoặc kinh nghiệm của lãnh đạo các đơn vị. Để khắc phục, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã yêu cầu Văn phòng phải đưa công tác nghiên cứu vào chương trình làm việc thường xuyên của Bộ, tuần nào cũng phải thu xếp ít nhất 1 đến 2 buổi nghiên cứu, kể cả khi ông đi vắng. Tất cả cán bộ cấp Vụ, cấp Bộ đều phải tham gia.

Nhờ vậy, dần dần, mọi người mới nắm được phương pháp luận, quy trình của công tác nghiên cứu, và tham gia công tác nghiên cứu một cách thường xuyên và bài bản hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch luôn nhắc phải đặt vấn đề nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu trong chiều rộng của không gian và chiều sâu của lịch sử, và trong quá trình vận động không ngừng.

Cũng từ phương pháp tư duy đó, ông rất coi trọng công tác sơ kết, tổng kết ở mỗi đơn vị và ở cấp Bộ. Qua sơ kết, tổng kết, sẽ tìm ra ưu khuyết điểm, kinh nghiệm và bài học. Qua mỗi lần sơ kết, ông lật đi lật lại vấn đề và luôn có những đánh giá ngày càng sát thực hơn.

Trong lúc cả lãnh đạo Bộ và các đơn vị thường bị chi phối bởi công việc hằng ngày, công tác nghiên cứu chưa được quan tâm đúng mức, ông chủ trương phá "vương quốc", thay vào đó xây dựng mô hình "phễu" do các trợ lý Bộ trưởng (tập sự cấp Bộ) luân phiên đảm nhận, để xử lý các vấn đề thường ngày trong từng mặt: chính trị đối ngoại, kinh tế, xây dựng ngành… để các lãnh đạo Bộ tập trung chỉ đạo công tác nghiên cứu chiến lược, nghiên cứu cơ bản, tổng kết.

Cứ 6 tháng một lần thay đổi phân công. Cứ như thế, cán bộ tập sự cấp Bộ kinh qua phụ trách các lĩnh vực khác nhau sẽ nắm được toàn bộ công việc của Bộ. Các vị lãnh đạo khác, qua báo cáo hàng ngày của Văn phòng cũng nắm được những công việc đã giải quyết.

Nguyễn Cơ Thạch – huyền thoại ngành ngoại giao  và những chuyện kể mãi không hết…

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và nguyên Đại sứ Mỹ tại Lào William Sullivan trong cuộc gặp tại Hà Nội năm 1989.

Nguyễn Cơ Thạch – huyền thoại ngành ngoại giao  và những chuyện kể mãi không hết…

Ông Nguyễn Cơ Thạch được cử giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao (năm 1980) trong bối cảnh đất nước sau chiến tranh khó khăn tứ bề. Bên trong là nền kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp theo mô hình của Liên Xô đang lâm vào trì trệ, trong tình trạng thực phẩm và nhu yếu phẩm khan hiếm, giá cả tăng vọt, làn sóng di tản và thiên tai liên tiếp đã làm cho kinh tế suy sụp, đời sống thiếu thốn.

Còn bên ngoài, Mỹ, Trung Quốc và các nước phương Tây áp đặt bao vây cấm vận do vấn đề Campuchia, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa cũng đang lâm vào khủng hoảng.

Đó cũng là lúc ngành ngoại giao “tả xung hữu đột” để tìm giải pháp cho vấn đề Campuchia, tiến tới bình thường hóa quan hệ với các nước, đẩy lùi bao vây cấm vận.

Trong vấn đề Campuchia, giữa lúc sức ép từ bên ngoài đòi Việt Nam phải rút quân ngay và những lo ngại về tàn dư chế độ Khmer đã trở lại, ông kiên trì chủ trương rút quân từng phần, song song với việc giúp củng cố chế độ mới ở Campuchia, dẫn đến việc rút quân hoàn toàn vào năm 1989 và giải pháp về Campuchia năm 1991.

Nguyên Thứ trưởng Nguyễn Phú Bình nhớ lại: Sau mỗi lần bỏ phiếu về Campuchia tại Liên hợp quốc (LHQ), giữa lúc các nước ủng hộ chế độ Khmer Đỏ tiếp tục giữ ghế Campuchia ở LHQ cao giọng phê phán Việt Nam, ông Thạch dõng dạc tuyên bố: “Rồi sẽ đến lúc các vị sẽ phải xấu hổ vì đã ủng hộ một chế độ diệt chủng giữ ghế Campuchia ở LHQ”. Điều này đã được thực tế chứng minh.

Hay giữa lúc Việt Nam và các nước Đông Dương bị Mỹ, Trung Quốc và các nước phương Tây bao vây, cô lập nặng nề nhất, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã tiên đoán về xung đột lợi ích giữa Mỹ và Trung Quốc trong tương lai, từ đó có sách lược khôn khéo đối với từng nước.

Nguyễn Cơ Thạch – huyền thoại ngành ngoại giao  và những chuyện kể mãi không hết…
Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đọc diễn văn tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 35, năm 1980.

Kiên trì quan điểm “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”, ông là kiến trúc sư của Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị (5/1988) với mục tiêu tranh thủ các lực lượng tiến bộ, phân hóa hàng ngũ đối phương làm thất bại âm mưu cô lập ta về chính trị và kinh tế, chủ động chuyển cuộc đấu tranh từ trạng thái đối đầu sang đấu tranh và hợp tác trong “cùng tồn tại hòa bình”, tận dụng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ và xu thế quốc tế hóa cao của kinh tế thế giới để có được vị trí tối ưu trong phân công lao động quốc tế.

Đáng chú ý, trong quá trình chỉ đạo xây dựng Nghị quyết 13, đã xảy ra sự kiện Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma trong Quần đảo Trường Sa (3/1988). Mặc dù vậy, ông vẫn kiên trì tư tưởng lớn là “phải giữ vững hòa bình để tập trung phát triển kinh tế”, bởi vì nếu đất nước tiếp tục bị bao vây cấm vận, kinh tế suy sụp, đời sống nhân dân khổ thì chủ quyền lãnh thổ cũng khó lòng giữ được.

Nguyễn Cơ Thạch – huyền thoại ngành ngoại giao  và những chuyện kể mãi không hết…
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch và Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô E.Shevardnadzhe tại thủ đô Moscow, tháng 5/1987.

Cũng với tư duy đó, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã chủ động mở đối thoại với Trung Quốc, trước hết với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, thúc đẩy mở kênh đối thoại về tìm kiếm người Mỹ mất tích (MIA), thúc đẩy đàm phán với Cao ủy LHQ về người tị nạn (HCR) để giải quyết vấn đề người tị nạn.

Khi tình hình Liên Xô và các nước Đông Âu có nhiều dấu hiệu khủng hoảng, ông chủ trương đẩy nhanh việc mở cửa về kinh tế, trước hết với Đông Nam Á và các nước phương Tây.

Chính ông đã dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham gia Hội thảo “Biến Đông Dương từ chiến trường thành thị trường” tại Bangkok năm 1989, theo sáng kiến của Thủ tướng Thái Lan Chatichai Choonhavan.

Và cũng chính ông đã dẫn đầu Đoàn Việt Nam lần đầu tiên tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sỹ) năm 1989, đồng thời nối lại quan hệ với Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các tổ chức của LHQ, bước đầu mở ra quá trình Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới.

Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, Phó Thủ tướng Nguyễn Cơ Thạch đã sớm nhận ra sự bất cập của mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp và cũng năm 1989, trong một chuyến đi công tác nước ngoài, ông đã mang về cuốn sách “Kinh tế học” của P.Samuelson cho dịch sang tiếng Việt, xuất bản và gửi cho các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cơ quan quản lý, nghiên cứu, mở ra con đường Việt Nam tiếp cận với nền kinh tế thị trường.

Với những quan điểm mới và kinh nghiệm các nước, ông cũng tham gia tích cực việc xử lý vấn đề lạm phát, thiếu hụt hàng hóa, lương thực…, lựa chọn mô hình phát triển kinh tế, từ đó, có đóng góp to lớn cho việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế của đất nước.

Ngày nay, công chúng đã rất quen với những thuật ngữ về công nghệ thông tin (IT) như chính phủ điện tử, điện toán đám mây, big data, chuyển đổi số… nhưng vài năm trước, chỉ những chuyên gia về IT mới sử dụng ngôn ngữ này.

“Vậy mà, tôi nhớ là trong nhiệm kỳ Đại sứ ở Hàn Quốc, khi về nước họp Hội nghị ngoại giao năm 1994, tôi đến thăm ông tại nhà, ông hỏi tôi ngay: Hàn Quốc phát triển kinh tế thành công như thế, theo cậu, họ đi theo mô hình nào, lĩnh vực mũi nhọn là gì?

Sau khi nghe tôi trả lời, ông bảo: Kinh nghiệm và mô hình của họ thì ta phải học rồi. Nhưng trong tình hình mới, cứ rập khuôn như vậy thì khó tiến nhanh lắm. Việc Samsung tập trung phát triển lĩnh vực công nghiệp điện tử là gợi ý tốt cho ta. Nếu ta cứ tập trung xây dựng các ngành công nghiệp thì lấy đâu ra vốn. Nhưng nếu ta lựa chọn IT và công nghiệp điện tử là ngành mũi nhọn thì mới có thể ‘đi tắt đón đầu’ được.

Tôi nghe anh em Việt kiều nói, nhiều nhà khoa học nước ngoài đánh giá người Việt Nam có tư duy toán học tốt, nên đào tạo nguồn nhân lực tốt cho lĩnh vực này không phải là điều gì quá tầm của chúng ta. Ý kiến của Phó Thủ tướng gần 30 năm trước, đang trở thành vấn đề thời sự hôm nay.

Có thể nói tư duy, đánh giá và đề xuất của ông thường đi trước thời đại nên không phải lúc nào cũng được chấp nhận và đánh giá đúng. Nhưng ông không nản chí, vẫn kiên trì và quyết liệt, tất cả vì lợi ích quốc gia-dân tộc”.

Nguyễn Cơ Thạch – huyền thoại ngành ngoại giao  và những chuyện kể mãi không hết…

Nguyên Thứ trưởng Nguyễn Phú Bình nhớ mãi sự công tâm và tính cần kiệm của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch.

Năm 1991, khi ông Bình đến chào thủ trưởng (lúc này đã nghỉ hưu) để đi học nâng cao tiếng Anh ở New Zealand, ông Thạch hỏi: “Ơ, thế lâu nay cậu dùng tiếng gì?”.

Khi nghe ông Bình trả lời: “Em đi học ở Triều Tiên nên thạo tiếng Triều Tiên, tiếng Anh tự học nên chỉ đọc được thôi”, ông Thạch đã rất ngạc nhiên.

“Thì ra, trước đó, ông cũng chỉ biết tôi qua công việc, không hề biết gốc gác của tôi. Điều đó cho thấy Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch rất công tâm, bổ nhiệm cán bộ dựa theo đánh giá trên thực tế và kết quả công việc chứ không hề theo cảm tính hay tình cảm cá nhân”.

Lần cuối cùng chuẩn bị cho Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đi họp Đại hội đồng LHQ năm 1991, ông Bình đã liên hệ Đại sứ quán Việt Nam ở Bangkok mua vé (vì từ Hà Nội phải sang Bangkok rồi mới bay sang Mỹ).

Do hết vé hạng thường (Economy), sứ quán không còn cách nào khác đã mua vé hạng thương gia cho ông. Ông Bình không dám thông báo cho Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, vì từ trước tới giờ, theo yêu cầu của ông, chỉ được mua vé hạng thường.

Tuy nhiên, đến trước chuyến bay, ông Bình đã phải nói thật cho Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, và phải giải thích mãi ông mới không phê bình nữa...

Nguyễn Cơ Thạch – huyền thoại ngành ngoại giao  và những chuyện kể mãi không hết…

Một chuyện khác, theo yêu cầu của Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương, Văn phòng Bộ chuẩn bị bữa ăn nhẹ cho Bộ trưởng khoảng 10 giờ sáng. Bữa ăn nhẹ gồm một cốc sữa và bánh quy.

Được vài hôm, ông Thạch hỏi: Các cậu có phục vụ các anh lãnh đạo Bộ khác như vậy không?

Khi được biết chỉ mình nhận được “chế độ đặc biệt ấy”, ông đã nhất quyết từ chối.

“Trực tiếp phục vụ Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, ông có thấy áp lực không? Đã bao giờ ông bị ‘sếp’ mắng chưa?”, phóng viên hỏi.

Ông Bình nói: “Cũng như mọi người, tôi bị ông phê bình khi mắc thiếu sót, nhưng cũng có việc khi hiểu ra, ông dịu giọng, có cách đối xử trìu mến, nhẹ nhàng.

Còn những lúc ông ‘quay’, ông ‘truy’, cũng chỉ là giúp cho mọi người nắm rõ công việc, làm công việc tốt hơn, và qua đó ngày một trưởng thành hơn”.

Với ông Bình, từ một cán bộ trẻ của Vụ Đông Bắc Á, nhờ chế độ tập sự cấp Vụ mà trở thành trợ lý Vụ trưởng, rồi về Vụ Chính sách Đối ngoại, được đề bạt Phó Vụ trưởng, chuyển sang làm Phó Chánh Văn phòng rồi Chánh Văn phòng.

“Từ một người rụt rè thiếu tự tin, được trưởng thành như ngày nay đều nhờ công rất lớn của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch”, ông Bình nói.

Ông Bình cũng học được rất nhiều ở tầm nhìn và phương pháp làm việc của ông Thạch.

“Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch có tác phong rất đàng hoàng trước những đối thủ và bình tĩnh trước những vấn đề nan giải. Những điều này giúp tôi rất nhiều trong suốt quá trình công tác sau này.

Mỗi khi gặp khó khăn, thử thách, nhất là trong các nhiệm kỳ Đại sứ ở nước ngoài, phải ‘độc lập tác chiến’, tôi luôn nhớ đến Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Lúc đó tôi nghĩ: Lúc chiến tranh khó khăn, kinh khủng thế, thời kỳ bị bao vây cấm vận gian nan như thế, đất nước còn vượt qua được.

Như Bộ trưởng Nguyễn Có Thạch đã chỉ bảo: Khó khăn lúc này không thể so với lúc chiến tranh, dù trong tình hình ngặt nghèo đến mấy cũng phải tỉnh táo đánh giá, tìm ra kịch bản ít xấu nhất, giống như trong công tác nghiên cứu, cuối cùng phải đặt ra các phương án tối ưu, tối thiểu… từ đó lựa chọn các biện pháp thích hợp để ứng phó”.

Nguyễn Cơ Thạch – huyền thoại ngành ngoại giao  và những chuyện kể mãi không hết…

“Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là người có công lớn với ngành, nên vào dịp kỷ niệm 5 năm ông đi xa, nhiều người muốn xây dựng một cuốn sách tập trung viết về những đóng góp của ông, những câu chuyện kể về ông trong lĩnh vực ngoại giao như là một cuốn cẩm nang cho thế hệ sau”, ông Bình trầm ngâm, khi nói về cuốn sách xuất bản năm 2003, có tựa đề “Nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch” mà ông chỉ đạo biên soạn với tư cách Thứ trưởng Ngoại giao.

Ông Bình cho biết, lúc đó, cân nhắc kỹ, ai cũng thấy rằng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch trước hết là một chiến sỹ cách mạng tham gia đấu tranh từ rất sớm, rồi trở thành một chính khách nổi tiếng. Ông cũng được nhiều bạn bè quốc tế, kể cả những người từng là đối thủ của ông ca ngợi và ngưỡng mộ. Bởi vậy cuốn sách đã dành cho những đồng chí cùng thế hệ với ông nói về ông, và bạn bè quốc tế thể hiện tình cảm với ông.

Nguyễn Cơ Thạch – huyền thoại ngành ngoại giao  và những chuyện kể mãi không hết…

Nguyên Thứ trưởng hy vọng rằng, năm nay, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, chúng ta có thể tập hợp lại tư liệu và bài viết về cố Bộ trưởng, những công trình mà ông để lại, xây dựng nên bộ sách hoàn chỉnh “Nhà lãnh đạo - Nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch”, không chỉ cho hôm nay mà cho các thế hệ cán bộ ngoại giao tương lai.

Với Đại sứ Nguyễn Phú Bình, vị thủ trưởng đáng kính “là con người của huyền thoại, nhưng cũng rất thực tế: từ một nhà cách mạng với hành trang tù đày và hoạt động bí mật như nhiều vị lãnh đạo tiền bối khác, từ chiến sĩ trận mạc được Đảng phân công làm công tác ngoại giao với vốn hiểu biết hoàn toàn bằng không, ông đã tự đọc, tự học, tự tìm hiểu, tự tích lũy vốn kiến thức, cùng với tư duy sắc sảo, ông đã trở thành một nhà ngoại giao lỗi lạc, xây dựng nền ngoại giao Việt Nam tiếp bước sự nghiệp của Bác Hồ”.

“Ông đã rời xa chúng ta 23 năm, nhưng không bao giờ tôi nghĩ về ông như một nhân vật của quá khứ”.

Lý do mà nguyên Thứ trưởng Nguyễn Phú Bình đưa ra là “bởi vì cho đến nay, toàn bộ tổ chức bộ máy, phương thức điều hành, phương pháp luận ngoại giao, cho đến công tác đào tạo, sử dụng cán bộ, văn hoá, lối sống của cán bộ ngành ngoại giao vẫn cơ bản thực hiện theo đường hướng mà ông đã vạch ra 40 năm trước, với những phát triển mới”.

Nguyễn Cơ Thạch – huyền thoại ngành ngoại giao  và những chuyện kể mãi không hết…

Bài: Kim Chung

Ảnh: TTXVN, Getty Images, Nguyễn Hồng

Đồ họa: Hồng Nguyễn

Đọc thêm

Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải: Một Việt Nam không toan tính, chỉ là trái tim đủ lớn để… cho đi

Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải: Một Việt Nam không toan tính, chỉ là trái tim đủ lớn để… cho đi

Suốt cuộc trò chuyện, Đại sứ Đỗ Sơn Hải nhiều lần: Tôi nhấn mạnh, tôi khẳng định, tôi muốn nhắc lại… Đảng và Nhà nước khi cử hai đoàn cứu hộ sang giúp đỡ các bạn Thổ Nhĩ Kỳ sau thảm họa động đất hoàn toàn dựa trên tinh thần chia ngọt sẻ bùi mà không có bất kỳ một mục đích chính trị nào.
Cởi bỏ tâm lý đối phó, hãy viết câu chuyện hấp dẫn về Việt Nam!

Cởi bỏ tâm lý đối phó, hãy viết câu chuyện hấp dẫn về Việt Nam!

Một năm 2023 thành công của đối ngoại Việt Nam giúp Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cảm thấy an tâm về những thành quả của công tác thông tin đối ngoại. Tuy vậy, vẫn còn không ít bài toán cần tìm lời giải ở phía trước để những câu chuyện về Việt Nam đi sâu vào lòng người, chiếm trọn được trái tim của họ.
Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và vấn đề quyền con người

Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và vấn đề quyền con người

Cộng đồng ASEAN nói chung và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội nói riêng vừa là mục tiêu vừa là điều kiện thuận lợi giúp các nước ASEAN thúc đẩy tăng cường khả năng bảo vệ con người, nâng cao trình độ nhân quyền cho các công dân ASEAN, tạo ra bản sắc riêng của ASEAN: một Cộng đồng, một vận mệnh, thống nhất trong đa dạng.
Thế giới sẽ thế nào trong năm con rồng?

Thế giới sẽ thế nào trong năm con rồng?

Thế giới bước sang năm con rồng, với những thay đổi mang tính bước ngoặt có thể dự báo trước về địa chính trị và địa kinh tế. Những đột phá mới về khoa học - công nghệ cùng với quá trình toàn cầu hóa không thể đảo ngược sẽ giúp nền kinh tế thế giới vượt qua những “cơn gió ngược” và tiếp tục tạo động lực cho sự thay đổi tương quan quyền lực, đồng thời thúc đẩy sự chuyển dịch thế giới sang trật tự đa cực - đa trung tâm.
Lan toả mạnh mẽ hình ảnh một Việt Nam tiềm lực, vị thế và uy tín mới

Lan toả mạnh mẽ hình ảnh một Việt Nam tiềm lực, vị thế và uy tín mới

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội sáng 23/1, kết thúc rất tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos (WEF Davos 2024), thăm chính thức Hungary và Romania từ ngày 16-23/1/2024.
Chuyến xuất hành đặc biệt tới Ishikawa, Nhật Bản: Nắng lên, bình yên sớm trở lại giữa mênh mông tình người!

Chuyến xuất hành đặc biệt tới Ishikawa, Nhật Bản: Nắng lên, bình yên sớm trở lại giữa mênh mông tình người!

Cùng Công sứ Nguyễn Đức Minh, người vừa trở về Tokyo cùng đoàn thực địa tới Ishikawa (tâm chấn của loạt trận động đất những ngày đầu năm mới tại Nhật Bản) nhìn lại một hành trình đặc biệt của thời gian, của xúc cảm để thấy một nước Nhật kiên cường và mối tình Việt-Nhật bền chặt tựa kim cương, sự chở che, đùm bọc giữa những người đồng bào nơi xứ lạ… và nhiều hơn thế, tùy mỗi góc nhìn và cảm nhận!