Thủ tướng Phạm Văn Đồng chụp ảnh kỷ niệm với Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Võ Đông Giang và các đồng chí Đại sứ, Vụ trưởng Bộ Ngoại giao tại Hội nghị Ngoại giao tháng 4/1985. (Ảnh Tư liệu) |
Tôi cùng làm việc với anh Thạch một thời gian dài.
Có hai giai đoạn gắn bó nhiều nhất là thời kỳ tôi làm Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao (1973-1976), giai đoạn này anh Thạch là Thứ trưởng Ngoại giao; và khi anh là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Ngoại giao còn tôi làm Giám đốc Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh (1982-2002).
Tôi có thể nói ngắn gọn điểm nổi bật nhất của anh Thạch: đó là người có đức, có tài.
Thích phản biện, ham phân tích
Anh Thạch có khả năng phân tích sâu và táo bạo khi đưa ra các quyết định. Làm việc với anh Thạch luôn phải khẩn trương, mau lẹ, không thể chậm trễ được.
Ở những thời kỳ nóng bỏng của đất nước, chúng ta đặc biệt cần có những con người như thế.
Điều ấn tượng nhất ở anh là sự thẳng thắn, bộc trực. Nói đi đôi với làm.
Có một điều dễ nhận thấy ở anh Thạch là anh rất thích phản biện, ham phân tích để tìm ra lẽ phải. Anh khuyến khích phản biện tích cực, mang tính xây dựng, giúp những người xung quanh dễ tiến bộ.
Có một điều dễ nhận thấy ở anh Thạch là anh rất thích phản biện, ham phân tích để tìm ra lẽ phải. Anh khuyến khích phản biện tích cực, mang tính xây dựng, giúp những người xung quanh dễ tiến bộ. |
Những đức tính quý đó giúp anh Thạch đạt được thành công trong công việc, cả trên lĩnh vực ngoại giao, kinh tế và nhiều mặt khác.
Tư duy sắc sảo, thông minh, luôn tìm tòi giúp anh giải quyết vấn đề một cách toàn diện, không bị chệch hướng.
Anh giải quyết các vấn đề chính trị, ngoại giao và cả kinh tế một cách xuất sắc, điều không phải dễ dàng đối với một nhà ngoại giao chuyên nghiệp thời kỳ đó.
Anh Thạch có đóng góp lớn trong thời kỳ Đảng ta thực hiện chiến lược đánh và đàm trong giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
Điểm nổi bật về cống hiến của anh trong giai đoạn đó là tham gia hội nghị Paris về Việt Nam với vai trò cố vấn cho trưởng đoàn Lê Đức Thọ.
Đóng góp quan trọng của anh Thạch đối với quan hệ đối ngoại nước nhà là góp phần phá thế bao vây cấm vận và mở rộng quan hệ của đất nước ta. Anh có công rất lớn trong việc góp phần tìm giải pháp hòa bình đối với Lào và Campuchia.
Tôi từng được Tổng Bí thư Đảng lúc đó là anh Nguyễn Văn Linh chia sẻ rằng: anh Nguyễn Cơ Thạch là con người thẳng thắn, dám nghĩ, dám làm.
Còn anh Mai Chí Thọ, người bạn tri âm, đồng hương, đồng môn, đồng cấp Ủy viên Bộ Chính trị với anh Thạch nhận xét: Thạch rất thông minh, học giỏi, có dũng khí.
Ông Mai Chí Thọ cũng từng chia sẻ về tình bạn, tình đồng chí đậm đà giữa ông Thọ và ông Thạch. Nhưng dù là bạn thân thiết, họ cũng có những khi tranh luận nảy lửa.
Có một lần hai ông đi máy bay từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội. Cả hành trình gần hai tiếng đồng hồ trên máy bay, ông Thạch và ông Thọ chỉ tranh luận xung quanh chủ đề lao động có phải là hàng hóa không.
Đó chỉ là một ví dụ để thấy ông Thạch luôn khao khát tìm tòi chân lý.
Chí tình vì bạn bè quốc tế
Năm 1976, đất nước ta vừa mới giải phóng, hai miền Nam Bắc thống nhất.
Anh Thạch được cử đi thăm các nước châu Phi, châu Đại dương để cảm ơn về sự ủng hộ của các nước bạn bè đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc của đất nước ta.
Trong chuyến đi Angola, đất nước cũng vừa mới được giải phóng khỏi ách đô hộ của Bồ Đào Nha, anh Thạch có cuộc gặp với nhiều lãnh đạo cấp cao của Angola.
Phía bạn đề nghị ta sớm mở Đại sứ quán. Sau chuyến đi, anh Thạch báo cáo đề nghị của phía bạn lên cấp trên và được chấp thuận.
Tôi được cử làm Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Angola. Trước khi tôi đi, anh Thạch có gặp và chia sẻ rằng người dân Angola rất nghĩa tình, chất phác, giàu lòng nhân ái và quả cảm.
Đại sứ Vũ Hắc Bồng và Tổng thống Chile S. Allende, năm 1973. |
Sau giải phóng, Angola gặp rất nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Họ rất cần sự ủng hộ của các nước bạn bè, nhất là Việt Nam, “đầu tàu của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới”, theo lời của phía bạn nói với anh Thạch trong chuyến thăm.
Anh Thạch nói: Bạn gặp khó khăn. Hoàn cảnh của chúng ta cũng như bạn. Nhưng họ có lòng tin ở chúng ta, đó là điều quý giá.
Anh Thạch khuyên tôi phải cố gắng cao độ để có thể hỗ trợ bạn trong khả năng cho phép và nỗ lực để vun đắp tình hữu nghị giữa hai dân tộc.
Với kinh nghiệm hai nhiệm kỳ Đại sứ của tôi ở Cộng hòa Guinea và Chile, anh Thạch đặt niềm tin ở tôi. Và tôi đã có hai nhiệm kỳ công tác thành công ở Angola (1976-1982).
Giản dị và chân thành
Chúng tôi cùng sống trong thời kỳ đất nước khó khăn về mặt kinh tế, đời sống riêng phần lớn của các cán bộ đều khó khăn.
Anh Thạch dốc sức làm việc và cùng với gia đình sống cuộc sống giản dị, gương mẫu.
Có người có thể không ưa tính cách bộc trực, cách thức giải quyết công việc quyết đoán của anh nhưng không thể chê trách gì về đạo đức, lối sống giản dị, chân thành, tiết kiệm của anh.
Nhiều người biết về những thành công trong sự nghiệp của anh Thạch nhưng cũng ít người biết anh là người con rất mực hiếu thảo, người chồng trọn nghĩa thủy chung.
Anh dành tình cảm sâu sắc với mẹ và người chị cùng những người thân trong gia đình.
Cùng với bạn đời Phan Thị Phúc, anh chăm lo, nuôi dạy các con trưởng thành. Để ghi nhận công lao của người vợ luôn sát cánh, trong nhiều bài viết của mình, anh Thạch lấy bút danh là Phúc Cương.
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của anh Nguyễn Cơ Thạch – Phạm Văn Cương, cũng là dịp tôi nhớ về anh, người trọn đức, vẹn tài.
Ông Vũ Hắc Bồng, 93 tuổi là nguyên Đại sứ Việt Nam tại Guinea, Chile và Angola, nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh, cố vấn cao cấp của Bộ Ngoại giao Việt Nam. Ông là một trong 10 nhà ngoại giao được Chủ tịch nước phong hàm Đại sứ suốt đời đợt đầu tiên. |