Với phục trang quen thuộc là quần soóc bò sáng màu, áo phông tối màu có hoa văn nom rất... "hip hop" và chiếc mũ cao bồi được nhạc sĩ giới thiệu do một người hâm mộ là một nhà sư mang từ Texas về tặng, nom nhạc sĩ Nguyễn Cường thật đúng với cách gọi của những người yêu mến ông - nhạc sĩ không có tuổi...
- Thưa nhạc sĩ Nguyễn Cường, ông từng nói một câu khá "ấn tượng": "Tất cả các sáng tác của tôi đều có mùi... mắm tôm". Công chúng nên hiểu điều này như thế nào cho chính xác?
- Đó là câu nói vui nhưng lại được nhiều người nhớ. Mắm tôm là món ăn đặc trưng của Việt Nam. Nếu ăn chả cá hay thịt chó mà không có mắm tôm thì không còn gì là hương vị món ăn nữa. Nói điều này tôi muốn gợi đến một "hương vị" Việt Nam dậy mùi, một màu sắc riêng Việt Nam.
Thực ra đó là cách tôi hình tượng hóa tình yêu dân ca, yêu đến sùng bái của tôi và tôi muốn đưa hơi thở của nó vào tác phẩm. Hầu hết những bài hát về Tây Nguyên của tôi nghe rất… "rock" đấy, nhưng đều mang hơi thở dân ca, trong đó có bài "H"zen lên rẫy" được nhiều "nhạc sĩ nghiệp dư" đặt lời mới và được giới thiệu là bài dân ca Tây Nguyên.
Nhưng đấy chỉ là một quan điểm trong sáng tác ca khúc của riêng tôi. Nó không đúng với tất cả mọi người, nhưng tôi luôn hướng tới điều này.
- Với ông, một bài hát thành công là bài hát hội tụ đủ 3 yếu tố: màu sắc dân gian; nhịp điệu, hơi thở của cuộc sống, thời đại và yếu tố kinh điển. Vậy yếu tố nào là quan trọng nhất, đóng vai trò quyết định sự thành công của một bài hát?
- Mỗi bài hát có một số phận riêng của nó. Thật khó nói rằng yếu tố nào quan trọng nhất, nhưng tôi tin vào sự "may mắn" riêng của mỗi bài hát. Đây là một điều kỳ lạ, một điều rất khó giải thích nhưng lại có thật trong đời sống âm nhạc.
Bài "Hò biển" của tôi khi mới ra đời bị nhiều nhà chuyên môn cho là... thất bại thì nó lại có sức sống bền bỉ. "Anh muốn sống bên em trọn đời" cũng vậy. Trong khi "Tôi về đây nghe sóng" là một bài rất... vớ vẩn, tôi cho đó là một bài không thành công nhưng lại được rất nhiều người thích. Một bài hát thành công có thể đơn giản là do cái "duyên" của bài hát đó mà thôi.
- Nhưng số phận một bài hát thế nào, một phần lại do công chúng quyết định. Ông nghĩ sao về điều này?
- Bao giờ cũng vậy, công chúng phải là số 1, là yếu tố quyết định của nghệ thuật. Một sáng tác chỉ trở thành tác phẩm khi có sự bình luận của công chúng. Khen, chê, kể cả... chửi, đều là vì nó đã tạo được sự chú ý nào đấy.
Nhưng phải hiểu công chúng ở đây là công chúng rộng lớn, công chúng trí tuệ và cần cho họ thời gian chứ không phải là "công chúng a dua". Thời gian sẽ chỉnh lại, nắn lại những gì chưa thật chuẩn xác. Phải tin ở công chúng chứ!
- Sáng tác chính của ông là mảng ca khúc mang âm hưởng dân ca Tây Nguyên và mảng ca khúc mang âm hưởng dân ca đồng bằng Bắc Bộ. Làm thế nào để duy trì tính thống nhất trong quan điểm sáng tác trong khi tính "vùng miền" quá rõ rệt và nhiều khác biệt này, thưa ông?
- Có những người sáng tác theo đề tài, còn tôi thì không phải là người sáng tác theo đề tài hay quá phụ thuộc vào chữ nghĩa. Tôi chỉ lấy chất liệu của Tây Nguyên, lấy chất liệu của đồng bằng Bắc Bộ nên không có gì ảnh hưởng tới sáng tác của tôi cả.
Ví dụ, chất liệu là Tây Nguyên đấy nhưng đề tài lại là do VNPT đặt hàng, đó là bài "Sao không phone cho anh" được nhiều bạn trẻ yêu thích. Cứ đi, cứ sống, cứ chiêm nghiệm rồi cái gì đến sẽ đến. Tôi rất thích một câu của Chế Lan Viên, đại ý: "Vạt áo thi nhân không chứa hết những viên kim cương mà đời đánh rơi đánh vãi"...
- Nhân đây, nhạc sĩ có thể cho biết tên một số ca khúc trong danh mục các ca khúc được đặt hàng và "thái độ" của ông với những ca khúc này?
- Hầu hết các sáng tác của tôi đều được đặt hàng: Có khi là cơ quan, đơn vị nào đó đặt hàng, có khi là tình yêu, là tuổi trẻ đặt hàng. Bài "Anh muốn sống bên em trọn đời" là tôi được Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương đặt hàng với giá 4 chỉ vàng, rồi "Ly cà phê Ban Mê", "Còn thương nhau thì về", "Mái đình làng biển"...
Người ta thường có thái độ ngờ vực với những ca khúc đặt hàng, nhưng với tôi nó luôn đầy cảm xúc. Chữ "đặt hàng" không hề xấu, ngược lại nó đem đến cơ hội sáng tạo cho nhiều nghệ sĩ. Chỉ sợ nghệ sĩ đó không có tài mà thôi. Có một thực tế là những tác phẩm âm nhạc kinh điển trên thế giới cũng đều được đặt hàng cả đấy!
- Lại nói về Tây Nguyên đầy duyên nợ của ông, chắc hẳn ông có nhiều chuyện để kể. Ông có nghĩ, ngày đó nếu không được phân công về Đoàn Ca múa Tây Nguyên, chưa chắc ông có được những sáng tác rực rỡ đến thế?
- Đã là "duyên nợ" thì dù thế nào việc đó cũng xảy đến, cho nên không cần nói nhiều đến chữ "nếu" ở đây. Ngày đó, tôi cũng như các sinh viên Trường Nghệ thuật đều viết đơn tình nguyện xin vào chiến trường.
Về Đoàn Ca múa Tây Nguyên năm 1964, nhưng tôi chưa một lần vào chiến trường, toàn ở Cầu Giấy thôi, vì đây là đoàn "hạt giống" nên được "cưng" lắm. Mãi đến năm 1981 tôi mới đến Tây Nguyên và bị vùng đất này mê hoặc ngay.
Tôi đã đi Mỹ, Nhật, Nga, Pháp... nhưng chưa bao giờ, chưa có nơi nào làm tôi cảm thấy sung sướng như đến Tây Nguyên. Tôi ở liền đó 8 tháng để viết "H"zen lên rẫy", "Xôn xang cao nguyên Đắc Lắc" và bản concerto viết cho đàn Đình Páh...
Những sáng tác của tôi đã góp phần đưa đoàn Nghệ thuật Đắc Lắc trở thành một cái tên nổi bật được nhắc đến nhiều lúc bấy giờ.
- Trong số những ca sĩ trẻ hát ca khúc của ông hiện nay, ông có kỳ vọng ca sĩ nào sẽ đưa các ca khúc của mình lên đỉnh cao như thời của Y Moan, Siu Black?
- Đội ngũ mới ấy vẫn... đang hình thành và tôi vẫn đang chờ đợi. Giống như cuộc thi Sao Mai trên truyền hình, tổ chức đều đặn đấy nhưng để tìm ra những gương mặt như Tùng Dương, Kasim Hoàng Vũ, Ngọc Khuê... không phải lúc nào cũng có.
Nó giống như vận may vậy. Để có những ca sĩ như Y Moan, Lê Dung, Thanh Hoa, Thái Thanh, Siu Black... gần đây là Thanh Lam, Mỹ Linh... cũng phải biết kiên nhẫn chứ!
- Là thành viên của Hội đồng thẩm định chương trình Bài hát Việt, ông thích phong cách sáng tác của nhạc sĩ nào trong đội ngũ sáng tác ca khúc trẻ hiện nay?
- Trước đây, một vài cái tên khiến tôi quan tâm, thích thú như Lê Minh Sơn, Nguyễn Vĩnh Tiến và gần đây là Sa Huỳnh. Cô bé này mới có 2 bài là "Về ăn cơm" và "Li ti" nhưng nó đã khiến tôi giật mình, sung sướng, thán phục. Sa Huỳnh có cái riêng, riêng quá. Như bài "Li ti", hát về cát bụi một cách trong sáng, phơi phới đầy sức sống.
- Tự nhận là người suốt đời ưa "ngụp lặn" trong dân ca, ông có thể kể một câu chuyện nào cụ thể để minh họa cho điều này?
- Dân ca là sự thăng hoa của tâm hồn dân tộc, như bông hoa của đất trời. Chữ "ngụp lặn" ở đây nên hiểu là phải sống trong nó một cách thực sự chứ không phải là "lang thang" hay "tạt qua".
Tôi xin kể một câu chuyện. Cách đây ít năm, tôi đến cơ quan tôi là Nhà Văn hóa Trung ương thì ông sếp gọi vào và giới thiệu với một nữ Tiến sĩ âm nhạc người Đức, đang nghiên cứu ca trù, đã ở Việt Nam 3 năm và nói tiếng Việt rất sõi. Nữ Tiến sĩ hỏi tôi: "Ca trù là gì?".
Tôi "nóng máu" trả lời: "Chị đã ở Việt Nam 3 năm, đã nói tiếng Việt sõi nhưng chị cần ở đây 30 năm để nói sõi hơn nữa. Chị phải ăn, ngủ cùng người Việt, phải lấy chồng Việt, sinh con đẻ cái với anh ta, phải trải qua sung sướng, đau khổ với anh ta... Lúc đó chị hãy hỏi tôi câu hỏi đó". Thế mà chị ta không những không tự ái mà còn bắt tay cảm ơn tôi như nhận ra điều gì.
- Thưa nhạc sĩ, có người nói đến một "bộ tứ" trong âm nhạc Việt Nam đương đại là: "Tiến - Phương - Cường - Thụ" (Trần Tiến, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Dương Thụ). Ông nghĩ sao về "bảng xếp hạng" này?
- Bốn "thằng" chúng tôi tuy không kết thành nhóm nhưng chơi với nhau rất thân. Bốn tính cách khác nhau, phong cách sáng tác khác nhau và tỏa ra các phương khác nhau nhưng lại bao quát đủ các trò diễn trong âm nhạc đương đại. Đó là cách gọi vui. "Bộ tứ" hay "tứ quái đản" gì đó thì tôi cho rằng đều là vì yêu mến mà thôi.
- Ông là một nhạc sĩ khó… đoán tuổi nếu chỉ nhìn vẻ bề ngoài, chưa nói đến việc ông "sở hữu" một tâm hồn hết sức trẻ trung. Ông muốn những người yêu ông, mến ông nghĩ ông đang bao nhiêu tuổi?
- Tôi không bao giờ quan tâm đến tuổi tác. Khi nào chết thì chết chứ bao nhiêu tuổi tôi vẫn thế thôi. Tôi thích sống vui vẻ, thanh thản để luôn muốn hát vang với… các cô gái bài "Anh muốn sống bên em trọn đời"! (Cười vang)
- Xin cảm ơn nhạc sĩ Nguyễn Cường!
Theo Văn Nghệ Công An