Từ “trạch vàng” của đất sỏi
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở một vùng quê nghèo khó nhưng giàu truyền thống cách mạng của xứ Nghệ, chứng kiến nỗi nhục của kiếp nô lệ, của người dân mất nước, Nguyễn Duy Trinh đã sớm mang trong mình tinh thần yêu nước và ý thức giác ngộ cách mạng. Tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1927, khi mới 17 tuổi, ông trở thành một trong những cán bộ cốt cán, gan dạ của Đảng.
Từ năm 1927 đến năm 1945, trải qua hai lần bị địch bắt giam và lần lượt bị đày đi nhiều nhà tù khét tiếng của thực dân Pháp, sau được trả tự do vào năm 1945, Nguyễn Duy Trinh tiếp tục hoạt động cách mạng và luôn nắm giữ những vị trí quan trọng trong các phong trào ở Liên khu V. Sự lãnh đạo sáng suốt của ông đối với phong trào cách mạng của Liên khu được thể hiện sắc sảo qua những bài viết, bài nói, báo cáo… của ông thời gian này.
Từ năm 1951 đến đầu 1965, ông Nguyễn Duy Trinh được giao nhiều trọng trách lãnh đạo quan trọng… Ở cương vị nào, qua các tác phẩm của ông cũng cho thấy có những quyết sách đúng đắn, kịp thời của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị mà ông là thành viên. Đặc biệt là ở cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Nguyễn Duy Trinh đã có nhiều bài viết, báo cáo thể hiện rõ sự chỉ đạo toàn diện và sâu sát trong công cuộc đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Những tác phẩm của ông thể hiện rõ tư duy lý luận và thực tiễn sâu sắc về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về các mối quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế quốc dân, về các nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài của miền Bắc xã hội chủ nghĩa…
Đến “vị thuyền trưởng” ngoại giao
Từ năm 1965, trước yêu cầu mới của cách mạng, Phó Thủ tướng Nguyễn Duy Trinh được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị yêu cầu thôi kiêm chức Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước để kiêm chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Đây là thời kỳ thử thách gay go khi đế quốc Mỹ đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam và mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, là giai đoạn cuộc đấu tranh diễn ra trên cả ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao trong sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng để đưa đến việc ký kết Hiệp định Paris, kết thúc chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đây cũng là thời kỳ diễn ra sự bất đồng sâu sắc, sự phân liệt trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, sự chia rẽ trong phe xã hội chủ nghĩa. Do đó, việc giữ vững sự đoàn kết và tranh thủ sự ủng hộ to lớn của bạn bè, cộng đồng quốc tế cho sự nghiệp cách mạng của Việt Nam là vấn đề nhạy cảm và nhiệm vụ rất nặng nề. Với cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách toàn bộ mặt trận ngoại giao, gồm ngoại giao nhà nước, ngoại giao Đảng và ngoại giao nhân dân, ông Nguyễn Duy Trinh đã hóa giải được nhiều bài toán khó trong tình hình căng thẳng kéo dài này.
Cuộc đàm phán Hiệp định Paris, kéo dài từ tháng 5/1967 đến tháng 1/1973, là cuộc đàm phán dài nhất để chấm dứt một cuộc chiến tranh trong thế kỷ XX, là tâm điểm về sự đối chọi giữa nền ngoại giao nhà nghề của một siêu cường với nền ngoại giao của một nhà nước cách mạng còn non trẻ. Sau gần năm năm đấu trí đầy bản lĩnh với 200 phiên họp công khai, 45 cuộc họp xuyên cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn, cuộc đàm phán Hiệp định Paris đã kết thúc.
Ngày 27/1/1973, ông Nguyễn Duy Trinh, với tư cách Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã cùng đại diện các bên ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam. Hiệp định Paris là thắng lợi to lớn của ngoại giao Việt Nam, ghi đậm dấu ấn của các nhà ngoại giao kỳ cựu của nước nhà, trong đó có đóng góp to lớn của Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh.
Đất nước thống nhất và tiến hành công cuộc tái thiết sau hơn 30 năm bị tàn phá bởi chiến tranh, ngoại giao Việt Nam vừa tranh thủ sự hỗ trợ của thế giới và cộng đồng các nước xã hội chủ nghĩa, vừa đấu tranh chống bao vây cấm vận. Chính trong thời kỳ khó khăn ấy, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Liên hợp quốc, đánh dấu sự công nhận của toàn bộ cộng đồng thế giới về tư cách pháp lý của nhà nước Việt Nam tại tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này. Ông Nguyễn Duy Trinh đã thay mặt Đảng và Nhà nước ta tham gia Lễ thượng cờ tại Trụ sở Liên hợp quốc tháng 7/1977.
Tài đức vẹn toàn
Trước thời khắc năm mới 2015, tại khuôn viên trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã diễn ra một sự kiện đầy ý nghĩa: Đại diện gia đình cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh đã trao tặng bộ sách Nguyễn Duy Trinh – Tác phẩm cho các tổ chức, cá nhân nhân kỷ niệm 105 ngày sinh và 30 năm ngày mất của ông.
Cả khán phòng đã lắng nghe chia sẻ của những vị nguyên là lãnh đạo Đảng, nhà nước, những người tự nhận mình là thế hệ học trò của cố Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh. Qua đó, chân dung Nguyễn Duy Trinh hiện ra không chỉ như một nhà hoạt động chính trị - kinh tế - ngoại giao tài đức vẹn toàn mà sự giản dị, chân thành của ông khiến bức chân dung ấy trở nên gần gũi, dung dị lạ thường.
Là người từng có nhiều năm giúp việc cho cố Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nhớ lại: “Nguyễn Duy Trinh tham gia cách mạng khi chúng tôi vừa mới sinh ra nên với ông, chúng tôi chỉ là những người học trò. Ông không học cao nhưng là người vô cùng hiểu biết và luôn nỗ lực học tập. Trong suốt quá trình giúp việc cho ông, tôi đã học được từ ông rất nhiều. Nguyễn Duy Trinh là người ít nói về bản thân mình và gần như chẳng bao giờ giận dữ - giận lắm thì ông cũng chỉ nói: “Cậu này bậy quá!”.
Theo nhà báo Hà Đăng, người từng có nhiều bài viết về vị Bộ trưởng Ngoại giao kỳ cựu này thì ông là người rất biết lắng nghe ý kiến của lãnh đạo, của cấp dưới, của nhân dân… Nhờ đó mà những ý kiến của ông luôn mang tính thuyết phục và tạo được sự tin tưởng cao.
Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Trưởng Ban tổ chức Trung ương chia sẻ: “Việc xây dựng Đảng và công tác tổ chức cán bộ, tôi học được từ ông rất nhiều. Các cuốn sách viết về ông Nguyễn Duy Trinh chưa thể nói hết về công lao, và thành tích, khí phách kiên cường của ông. Có ba điều ông dặn dò mà tôi nhớ mãi, đó là tính trung thực, không cơ hội và không lợi dụng chức vụ để vơ vét cho cá nhân”.
Nguyễn Duy Trinh là một trong những nhà lãnh đạo đã đề xuất và thực hiện chính sách ngoại giao độc lập tự chủ, đoàn kết quốc tế, mở rộng quan hệ với các nước có chế độ xã hội khác nhau. Kinh nghiệm và những bài học mà ông để lại trên mặt trận ngoại giao là bài học quý giá đối với quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế hôm nay.
Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (1965-1980), ông Nguyễn Duy Trinh đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đối ngoại của đất nước. Để làm sống lại một giai đoạn cách mạng khó khăn nhưng thật hào hùng của dân tộc thông qua các tác phẩm của ông Nguyễn Duy Trinh – người cộng sản kiên cường, người con trung hiếu của dân tộc. gia đình ông và các biên tập viên của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật đã dày công sưu tầm, xác minh tư liệu và xuất bản bộ sách Nguyễn Duy Trinh – Tác phẩm, gồm hai tập: Tập I gồm các tác phẩm, bài viết, báo cáo… của ông về các lĩnh vực mà ông phụ trách từ năm 1949 đến năm 1983. Tập II gồm các tác phẩm về công tác ngoại giao, công tác đối ngoại Đảng.
Khánh Nguyễn