📞

Nguyên PTT Vũ Khoan: APEC là một cầu nối để thúc đẩy xu thế hợp tác

12:33 | 16/05/2017
“Các nền kinh tế thành viên APEC phải hợp tác với nhau, giải quyết vấn đề toàn cầu, vấn đề khu vực đang ngày càng tăng. Tôi hy vọng, APEC là một cầu nối để thúc đẩy xu thế hợp tác đó”.

Đó là trao đổi của Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Nguyên Chủ tịch APEC Việt Nam 2006 với báo TG&VN bên lề Đối thoại nhiều bên hướng tới 2020 và tương lai ngày 16/5. Đây là một trong những đối thoại quan trọng trong khuôn khổ Hội nghị quan chức cao cấp APEC lần thứ 2 (SOM 2) và các cuộc họp liên quan đang diễn ra từ ngày 9 – 21/5 tại Hà Nội.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan trả lời phỏng vấn TG&VN ngày 16/5, tại Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Ông đánh giá thế nào về tương lai của APEC trong bối cảnh thế giới nhiều thay đổi, thưa ông?

Thế giới nói chung và APEC nói riêng đang đứng trước ngã ba đường, về kinh tế, khoa học và chính trị. Xu thế toàn cầu hóa đang tiếp diễn với một số điều chỉnh, mặc dù bằng những hình thức khác nhau nhưng nhu cầu hợp tác cùng phát triển giữa các nền kinh tế thành viên APEC không bao giờ mất đi. Tôi cho rằng, trong xu thế đó, APEC vẫn phát huy được vai trò của mình.

Trước mắt, việc thực hiện Mục tiêu Bogor đang được đề cập sôi nổi. Điều này là đúng bởi đây là một trong những mục tiêu chủ yếu của APEC trong những năm qua. Tuy nhiên, trước tình hình mới, một mình Mục tiêu Bogor không thể giải quyết hết các vấn đề nảy sinh trong khu vực. Theo tôi, có 3 vấn đề lớn mà APEC cần phải thích nghi. Một là tự do hóa thương mại Bogor, trong đó, cần tính đến nhân tố mới như các hiệp định thương mại tự do song phương hiện đang đi nhanh hơn Mục tiêu Bogor. Cùng với đó là việc ứng phó với xu thế bảo hộ mậu dịch đang nảy sinh. Thứ hai là cơ cấu kinh tế thế giới đã thay đổi, trong đó phải kể đến Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi APEC không thể chỉ tập trung vào kinh tế mà còn phải tính đến những vấn đề khác như công nghệ số, việc tiếp cận với sự phát triển, liên kết mới. Thứ ba, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã và đang chịu ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Do đó, quan điểm riêng của tôi là, để nâng cao vai trò của mình, APEC sẽ phải dựa trên 3 trụ cột: Tự do hóa thương mại, thúc đẩy công nghệ số và đối phó với biến đổi khí hậu.

Ông kỳ vọng gì ở kết quả của Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai?

Tôi hài lòng với nội dung của các bài phát biểu trong phiên khai mạc của Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai, đặc biệt là bài phát biểu rất thực chất, cơ bản của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Đây chính là những định hướng cho sự phát triển của APEC trong thời gian tới. Tôi hy vọng những cuộc thảo luận tại Đối thoại sẽ làm rõ thêm các khía cạnh đó để các nền kinh tế thành viên APEC tạo được tầm nhìn xa hơn, rộng hơn trong những năm tới. Về nội dung Đối thoại, tôi quan tâm tới vấn đề: “Sau 2020, APEC sẽ như thế nào khi cơ cấu kinh tế đang thay đổi, tự do hóa thương mại cũng đang thay đổi, công nghệ thay đổi, khí hậu thay đổi?”.

Đoàn chủ tọa tại Đối thoại nhiều bên APEC hướng tới 2020 và tương lai sáng ngày 16/5. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Theo ông, Mục tiêu Bogor có thể hoàn thành đúng thời hạn vào năm 2020 hay không? APEC cần làm gì để hoàn thành Mục tiêu này?

Tất nhiên, APEC 2017 khác nhiều so với APEC 2006. Thời đó, kinh tế thế giới đang phát triển rất thịnh vượng, quan hệ giữa các quốc gia tương đối thuận lợi. Hiện giờ, mọi thứ đang thay đổi và muốn hay không, các nền kinh tế thành viên APEC cũng phải thích nghi với điều này. Các nền kinh tế thành viên APEC phải hợp tác với nhau, giải quyết vấn đề toàn cầu, vấn đề khu vực đang ngày càng tăng.

Tôi hy vọng, APEC là một cầu nối để thúc đẩy xu thế hợp tác đó. APEC Việt Nam 2017 là một dấu mốc mới, quan trọng. Việt Nam sẽ hết sức đóng góp để duy trì sức sống của APEC.

Để hoàn thành mục tiêu Bogor, tôi cho rằng, trước tiên APEC cần giương cao ngọn cờ tự do hóa thương mại và đầu tư. Hơn ai hết, APEC cần phải là ngọn cờ đi đầu trong lĩnh vực này.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)