Tổng Biên tập báo Thế Giới & Việt Nam Vũ Sơn Thủy là nhà báo ngoại giao đầu tiên giành Giải Báo chí Quốc gia. |
Từ Công thức Thanh kiếm và Lá chắn…
Trả lời câu hỏi của tôi là làm thế nào để "giật" được các giải đó, ông Sơn Thủy mở đầu câu chuyện rằng ông viết báo là để thỏa mãn sự nung nấu trong lòng, để chia sẻ với bạn đọc chứ chưa bao giờ nghĩ là để mang đi dự thi. Vậy nên, khi nhận được thông báo tác phẩm Chiến tranh Internet của ông đoạt giải, ông cũng bất ngờ. Thực ra, khi bài báo in ra, nhiều người động viên ông nên gửi dự thi, còn ông thì "thấy nhiều người giục quá, nên gửi", rồi từ đó "cũng quên bẵng đi, cho đến một ngày nhận được công văn thông báo" - ông cười khi nhắc lại sự tình cờ này. Thậm chí, năm 2005, ông không gửi sách đi dự thi mà chỉ nhận được thông báo là sách của mình được giải, lúc đó ông mới biết sự tồn tại của giải đó.
Là người có sở thích nghiên cứu, nên khi đi vào tìm hiểu bất kỳ vấn đề gì, ông Thủy đều quyết tâm tìm hiểu rõ ngọn ngành mới thôi. Đối với mỗi vấn đề ông quan tâm, ông thường đi sâu vào tìm hiểu xem trên thế giới người ta đánh giá ra sao, các học giả nhận định gì, rồi ở Việt Nam quan điểm thế nào… Chính trong quá trình tìm hiểu đó, trong ông đã xuất hiện những ý tưởng mới. Và Chiến tranh Internet (mà ông gọi là chiến tranh ma) cũng ra đời trong quá trình ông mày mò như thế.
Trước khi đặt bút viết về đề tài này, vào tháng 11/2010, ông cho rằng với đà phát triển của Internet hiện nay, thì việc xảy ra một cuộc chiến tranh phá hoại các mạng của nhau trên quy mô lớn là điều khó tránh khỏi. Hơn nữa, trong thời đại công nghệ thông tin, thì việc liên lạc qua Internet là rất cần thiết, thậm chí cả thông tin mật. Vì thế, nếu bị "chiến tranh", bị tin tặc tấn công thì rất nguy hiểm, mà như bài báo đã viết thì "có thể làm cho tên lửa bắn chệch mục tiêu, bệnh nhân thì bị chẩn đoán sai và mọi thứ lâm vào khủng hoảng…". Và đúng như ông dự đoán, đến thời điểm này (tháng 6/2011) chiến tranh Internet đang xảy ra, là điểm nóng trên toàn thế giới. Vậy nên, bài Chiến tranh Internet của ông được giải trước đó giờ sẽ càng có ích cho mọi người, giúp họ hiểu rõ chiến tranh trên mạng là như thế nào và tương lai của nó sẽ đi đến đâu, đặc biệt làm thế nào chống lại nó, để bảo vệ mạng của mình.
Khi Internet bùng nổ, trên thế giới đã có rất nhiều bài báo đề cập đến chiến tranh Internet, tuy nhiên, họ chỉ dừng lại ở nhận định chung rằng cuộc chiến tranh này rất nguy hại, có tính phá hoại lớn và các nước đều phải tìm cách chống… Nhưng với nhà báo Sơn Thủy, ông đã tổng kết được rằng "loài người trong lịch sử đã nghĩ ra các loại vũ khí để chống lại nhau, đồng thời sau đó lại nghĩ được ra những thứ để chống lại vũ khí đó". Trong tác phẩm của mình, ông viết: "người nghĩ ra cung tên thì có người nghĩ ra khiên mộc để che, thanh kiếm thì có lá chắn, xe tăng thì có chống tăng, tên lửa đạn đạo thì có loại chống tên lửa đạn đạo…, rồi virus máy tính thì có anti-virus". Và tất cả được ông tóm lại trong công thức: Thanh kiếm và Lá chắn. Đó là cái ý chưa thấy ai nói tới.
Đề cập đến tình hình vừa qua, hàng nghìn trang web của Việt Nam bị tấn công, ông cho rằng "người Việt Nam ta không có máu xâm lược, không có máu tấn công người khác, mà mình chỉ thiên về phòng thủ", vậy nên trong lĩnh vực Internet "đất nước ta cần phòng thủ thật mạnh, phải tập trung nguồn lực vào đó", bởi theo ông đó cũng là một lĩnh vực đạt đến tầm phòng thủ đất nước.
…đến Công thức viết báo
Khi được hỏi về phong cách viết báo của mình, ông bảo ông không nhận là mình có phong cách mà chỉ là thói quen thôi. Đó là bài viết phải có hình ảnh. Ông nêu ví dụ: chiến tranh Internet là trên mạng, rất khó hiểu. Vì thế ông dùng hình ảnh con ma. "Vì mình không nhìn thấy nó mà nó lại phá được mình, thì nó là ma chứ còn gì nữa!" - ông Thủy dí dỏm lý giải cho cách gọi độc đáo của mình. Nhưng ông không cho rằng nó là con ma như trong tưởng tượng, mà ông khái quát nó lên ở mức cao hơn, là "con ma nhân tạo của nền văn minh kỹ thuật số, có sức tàn phá siêu phàm". Hay là virus và chống virus, trong khi chẳng ai nhìn thấy virus cả, cũng chẳng nhìn thấy cách chống ở đâu, nên ông đã lấy hình ảnh thanh kiếm và lá chắn, là những cái nhìn thấy được để so sánh.
Đặc biệt, với ông, một tác phẩm báo chí thành công là phải làm sao cho bạn đọc "như sờ thấy được các vật lổn nhổn ở trên đó", tức là ngoài hình ảnh ra, bài viết phải có các con số thống kê, các sự kiện, lời nói và thậm chí cả những âm thanh nữa. Ông cho rằng để viết một bài báo hay là cả một nghệ thuật. Nghệ thuật ở chỗ, người viết có thể điều khiển được người đọc theo hướng mà họ muốn bạn đọc cảm nhận. Muốn vậy, theo ông Thủy, phải kết hợp được 3 trong 1, đó là: Thông tin (đặc trưng của báo chí - tức là phải đưa được cái mới vào bài), thứ hai là Kể chuyện (đặc trưng của văn học - diễn đạt làm sao dễ hiểu nhất) và thứ ba là Âm thanh (đặc trưng của thơ ca - dùng từ ngữ phải hàm ý và có vần bằng trắc, réo rắt). "Nếu người viết kết hợp thành công cả ba mảng đó vào trong bài viết của của mình, thì đó sẽ là một tác phẩm báo chí tốt" - ông tâm sự.
Khi được đề nghị chia sẻ thêm kinh nghiệm viết báo, ông Thuỷ nói rằng là phải học cách phát hiện ra được đề tài, nhất là những vấn đề mà người khác chưa tìm ra, nghĩa là phải độc đáo. Trong trường hợp trùng đề tài, thì mình nên khai thác khía cạnh khác, với cách nhìn khác. Sau đó trình bày, phân tích, rồi khái quát lại để người đọc dễ nhớ. Ông cho biết ông rất yêu nghề viết nhưng 5 năm nay viết rất ít vì cần phải lo cơm áo gạo tiền cho... Tòa soạn.
Tuy nhiên, ông Thủy tiết lộ, cuối năm nay ông sẽ cho ra mắt Tuyển tập Vũ Sơn Thủy gồm 2 tập. Tập I nói về thế giới và Tập II nói về Việt Nam. Trong Tập I sẽ có các bài ông tâm đắc như Châu Á phục sinh, Đầu tàu 4 động cơ của ASEAN, G7- Những lối mòn trải thảm đỏ…, và những bài khác được chọn lọc trong số gần 400 bài báo mà ông đã đăng rải rác ở báo chí trong và ngoài nước suốt 20 năm qua. Có những bài tuy đã viết cách đây hơn chục năm, nhưng đến bây giờ vẫn còn tính thời sự. Chẳng hạn như Châu Á phục sinh, tuy chỉ có 2 trang báo, nhưng đã đề cập đến cả 5.000 năm lịch sử của Châu Á và cảnh báo về sự bá quyền ở khu vực này. Hay bài Nhật Bản trước ngã ba đường, viết năm 1993 mà bây giờ vẫn nóng hổi, đúng dự đoán, với chính trường Nhật Bản 6 năm (2005-2011) thay 5 thủ tướng…
Chắc chắn Tuyển tập này sẽ làm hài lòng những ai say mê tìm tòi, quan sát và thích phong cách viết báo của Nhà báo ngoại giao này.
Thiên Phước
Tính dự báo là một đặc tính cực kỳ quan trọng để tạo nên thành công của một tác phẩm báo chí hiện đại. Tác phẩm "Chiến tranh internet" của nhà báo, nhà ngoại giao Vũ Sơn Thủy là một trong những tác phẩm như vậy. Được xuất bản lần đầu trên tờ Thế Giới & Việt Nam cách đây nửa năm 29/12/2010, nhưng bài báo này vẫn cho thấy sức "nóng" khi giờ đây, chúng ta đang phải thực sự đối mặt với một cuộc chiến trên internet như tác giả đã đề cập và ở cấp độ toàn cầu. Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và Tác phẩm này được trao Giải Khuyến khích Giải Báo chí Quốc gia 2011, TG&VN xin trân trọng giới thiệu lại tác phẩm này và xin chúc mừng nhà báo Sơn Thủy. |