Nói về ngoại giao đa phương của Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ), Vụ trưởng Đỗ Hùng Việt, người có 20 năm trong ngành, với 15 năm làm công tác ngoại giao đa phương, trong đó có hơn 3 năm làm việc tại Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, tỏ rõ sự hứng khởi và kỳ vọng. Những dấu ấn của ngoại giao Việt Nam tại LHQ trong năm 2020 rất đặc biệt mà như chia sẻ của anh thì “ngẫm lại vẫn thấy không thể tin được”. |
Năm đầu tiên của Việt Nam tại HĐBA LHQ để lại những dấu ấn gì đáng tự hào nhất? Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá năm 2020 là một năm đặc biệt của Ngoại giao Việt Nam, trên cả bình diện đa phương và song phương. Tại diễn đàn đa phương lớn nhất là LHQ, chúng ta đã để lại nhiều dấu ấn đặc biệt. Đầu tiên là việc từ năm 2019 nhưng tôi không thể không nhắc lại. Đó là việc Việt Nam trúng cử Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ với số phiếu gần như tuyệt đối: 192/193. Được trực tiếp có mặt trong phiên bỏ phiếu tại trụ sở LHQ hôm 7/6/2019, đã hơn một năm trôi qua nhưng cảm giác trong tôi khi nhớ lại sự kiện này vẫn thật sung sướng và tự hào. Kỷ lục này tạo tâm thế mới, tự tin hơn và đầy hứng khởi, khi chúng ta bước vào nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA trong hai năm 2020-2021. Thứ hai là tại phiên thảo luận mở của HĐBA LHQ với chủ đề “Tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, bảo vệ hòa bình và an ninh” do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Mình chủ trì ngày 9/1/2020 tại trụ sở LHQ. Có 106 nước tham dự và phát biểu. Đối với một cuộc thảo luận mở của HĐBA thì đó là một con số kỷ lục. Chưa bao giờ có số thành viên đông đảo như thế. Điều này cho thấy chúng ta đã lựa chọn một vấn đề rất đúng và trung với quan tâm của cộng đồng quốc tế. Đây là một ví dụ khác về dung hòa lợi ích riêng và lợi ích chung. |
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại phiên thảo luận mở của HĐBA LHQ với chủ đề “Tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, bảo vệ hòa bình và an ninh” ngày 9/1/2020 tại trụ sở LHQ. |
Thứ ba là việc ngày 23/11/2020, ĐHĐ LHQ Khóa 75 đã thảo luận và thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết về hợp tác ASEAN-LHQ, với 110 nước đồng bảo trợ, đạt kỷ lục về số nước đồng bảo trợ kể từ khi nghị quyết về hợp tác ASEAN-LHQ được đưa ra lần đầu tiên tại ĐHĐ LHQ năm 2002. Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, năm nay, Việt Nam là nước thay mặt ASEAN chủ trì soạn thảo nội dung và thương lượng nghị quyết. Năm 2020 là một năm rất thành công của ngoại giao đa phương ở LHQ với nhiều thành tựu lần đầu tiên đạt được. Dưới sự chủ trì của Việt Nam, HĐBA lần đầu tiên thảo luận về chủ đề tăng cường hợp tác giữa LHQ-ASEAN và những đóng góp của ASEAN trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Cũng trong tháng 1, khi làm Chủ tịch HĐBA, lần đầu tiên chúng ta đã thúc đẩy để HĐBA thông qua Tuyên bố Chủ tịch riêng. Lần đầu tiên với tư cách Chủ tịch HĐBA LHQ, chúng ta đã tổ chức được 2 hội nghị quan trọng. |
Chúng ta đã tổ chức cuộc họp giữa 10 nước Ủy viên không thường trực đương nhiệm (E10) và 5 nước mới trúng cử Ủy viên không thường trực (I5) để cùng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường phối hợp giữa các nước E10, I5. Đây là cuộc họp quốc tế đầu tiên do Việt Nam đăng cai tổ chức trong khuôn khổ HĐBA LHQ kể từ nhiệm kỳ đầu tiên (2008-2009) đến nay. Năm 2020 đánh dấu 20 năm HĐBA LHQ thông qua Nghị quyết 1325, đưa vấn đề Phụ nữ, Hòa bình, An ninh vào chương trình nghị sự của HĐBA. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chúng ta đã đăng cai Hội nghị cấp cao quốc tế với chủ đề “Tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng và củng cố Hòa bình: Từ cam kết tới kết quả”. Đây là hội nghị có quy mô toàn cầu duy nhất được tổ chức trong năm về phụ nữ, hòa bình, an ninh và có sự tham dự của khoảng 90 diễn giả, 500 đại biểu từ gần 90 nước khắp các khu vực trên thế giới. |
Các nội dung thảo luận, văn kiện, nghị quyết… tại HĐBA LHQ thoáng nghe có vẻ xa vời và không phải ai cũng hiểu giá trị thiết thực khi nước ta tham gia HĐBA LHQ. Anh có bình luận gì về nhận định này? Đúng là không chỉ có bạn mà một số người cũng từng hỏi tôi những câu tương tự. Các chủ đề thảo luận ở LHQ hay HĐBA nhiều khi là các vấn đề ở mãi tận châu Phi, Trung Đông hay châu Mỹ, chúng liên quan gì đến Việt Nam? Là những người trực tiếp tại diễn đàn LHQ, chúng tôi cũng thường trăn trở với điều này. Càng tham gia sâu vào công việc tại HĐBA LHQ, chúng tôi càng nhận thấy những điều có vẻ như “xa vời”, thực ra lại liên quan đến những lợi ích rất sát sườn của chúng ta. Mục tiêu bao trùm của đối ngoại Việt Nam, trong đó có đối ngoại đa phương là tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định và đặc biệt là tạo thuận lợi cho công cuộc phát triển của đất nước. Bác Hồ từng nói đại ý là tham gia giữ gìn hòa bình thế giới cũng chính là bảo vệ lợi ích của chúng ta. Tham gia HĐBA, chúng ta mới thực sự có điều kiện để đóng góp vào việc giải pháp cho các tranh chấp, xung đột, góp phần duy trì hòa bình, ổn định trên thế giới, trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương nơi chúng ta đang sống hay ở những khu vực, nơi chúng ta có lợi ích thông qua quan hệ với các đối tác tại các khu vực đó, hay cũng có thể là những nơi có đông đảo cộng đồng người Việt, doanh nghiệp của chúng ta sinh sống, làm việc, hợp tác kinh doanh. Chúng ta hiện có mối quan hệ kinh tế, thương mại chặt chẽ với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bất kỳ xung đột xảy ra ở đâu đều ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế, thương mại và qua đó gây phương hại trực tiếp đến lợi ích của doanh nghiệp và người lao động Việt Nam, như ảnh hưởng đến nguồn thu nhập hay công ăn việc làm. Hơn nữa, sứ mệnh của ngoại giao là phát huy được vai trò trong việc giữ vững môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và chấn hưng dân tộc. Vai trò đó đòi hỏi chúng ta phải phát hiện được và xử lý từ sớm, từ xa những nguy cơ đối với an ninh đất nước, đồng thời tranh thủ những điều kiện, cơ hội, huy động nguồn lực bên ngoài để phục vụ sự nghiệp phát triển và bảo vệ đất nước. Tham gia vào LHQ, nhất là công việc tại HĐBA, cũng chính là để làm tốt vai trò tiên phong đó của ngoại giao nước nhà. Phát huy vai trò trong HĐBA còn giúp ta tăng cường vị thế và tiếng nói, từ đó, thành quả này được “cụ thể hóa” một cách thiết thực trong các mối quan hệ song phương của chúng ta với các đối tác quan trọng trên thế giới. Những câu chuyện thảo luận về LHQ, hợp tác đa phương và các vấn đề toàn cầu hiện đã trở thành một thành tố không thể thiếu trong bất kỳ cuộc thảo luận song phương nào. Rất nhiều nước “có vấn đề” tại HĐBA, muốn tranh thủ tiếng nói của Việt Nam tại diễn đàn LHQ thì họ cũng sẽ tạo điều kiện cho chúng ta trên các hồ sơ hay lĩnh vực hợp tác song phương khác, nhất là về kinh tế, thương mại hay đầu tư. Đúng là ở đây cần xử lý hài hòa và tinh tế giữa câu chuyện lợi ích chung và lợi ích riêng. Mỗi khi nghiên cứu, đề xuất vấn đề nào để thảo luận, chúng tôi trước tiên phải dựa trên lợi ích quốc gia của ta. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, chúng tôi đã thúc đẩy việc tuân thủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế trong bối cảnh phức tạp của quan hệ quốc tế hiện nay. Việc chúng ta nêu tại LHQ những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế về tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình đều là những nguyên tắc tối quan trọng đối với việc bảo vệ lợi ích cơ bản của Việt Nam về chủ quyền lãnh thổ về biển đảo và tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. |
Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung (ngoài cùng, hàng hai) làm trưởng đoàn tại Khóa họp lần thứ 73 ĐHĐ LHQ vui mừng sau khi kết quả bỏ phiếu cho thấy Việt Nam được bầu chọn là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 vào ngày 7/6/2019 tại trụ sở LHQ. Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý (thứ hai, hàng hai), Vụ trưởng Đỗ Hùng Việt (thứ ba, hàng hai) tham dự Khóa họp. |
Một ví dụ khác là vấn đề Đập thủy điện Đại Phục hưng Ethiopia. Đây là dự án đập thủy điện được triển khai từ năm 2011 tại Ethiopia trên dòng sông Nile Xanh, gây tranh cãi và căng thẳng giữa Ethiopia và hai nước ở hạ nguồn là Sudan và Ai Cập do có các lo ngại về tác động của dự án đối với các nước hạ nguồn. Phát biểu tại các cuộc thảo luận của LHQ về vấn đề này, chúng ta nêu quan điểm về sử dụng bền vững, công bằng và hợp lý nguồn nước quốc tế là yếu tố then chốt trong việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác giữa các quốc gia. Đây có thể nói là những nguyên tắc hết sức quan trọng, sát sườn đối với chúng ta và cũng là những nguyên tắc đã được quốc tế thừa nhận rộng rãi. Kỳ vọng của anh về năm cuối nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA vào năm 2021 như thế nào? Liệu chúng ta có thêm các kỷ lục mới không? Có lẽ chúng tôi không đặt mục tiêu phải đạt được các kỷ lục mà mục tiêu chính là làm sao chúng ta thể hiện được vai trò, tiếng nói của mình tại LHQ và đóng góp vào nỗ lực của toàn ngành thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra cho công tác đối ngoại trong năm 2021. Mặt khác, chúng ta cũng cần tạo được điểm nhấn ở vị trí Chủ tịch HĐBA LHQ vào tháng 4/2021 với các sự kiện và văn kiện mang dấu ấn Việt Nam. |
Vụ trưởng Đỗ Hùng Việt trao đổi với Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam Kamal Malhotra bên lề Hội nghị cấp cao quốc tế với chủ đề “Tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng và củng cố Hòa bình: Từ cam kết tới kết quả” diễn ra từ ngày 7-9/12/2020. |
Chúng tôi đang nghiên cứu một số vấn đề ưu tiên thảo luận như thúc đẩy vai trò của các tổ chức khu vực trong việc ngăn ngừa xung đột, tái thiết hậu xung đột, xử lý hậu quả bom mìn, bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang, bảo vệ các đối tượng yếu thế trong xung đột vũ trang, bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với cuộc sống của người dân. Chúng tôi xây dựng các sáng kiến xuất phát từ thực tiễn của một quốc gia từng trải qua chiến tranh, có kinh nghiệm tái thiết hậu xung đột, với tinh thần nhân đạo tương thân tương ái, một truyền thống cao đẹp của người dân Việt Nam. Đây cũng là những vấn đề đang rất thời sự, được đông đảo các nước, các tổ chức quốc tế quan tâm. Tôi mong muốn khi kết thúc năm 2021, kết thúc nhiệm kỳ thành viên HĐBA, chúng ta ra khỏi HĐBA với một tâm thế mới, Việt Nam được các nước biết đến như một đất nước đổi mới, hiện đại, kiên định nguyên tắc nhưng khéo léo trong ứng xử, dân tộc Việt Nam là một dân tộc nhân văn, hòa hiếu, thủy chung. |
Vân An Đồ họa: Minh Nhật Ảnh: Nguyễn Hồng/TGVN, TTXVN |