Bà Tôn Nữ Thị Ninh rất coi trọng việc tiếp thu những câu chuyện, bài học kinh nghiệm của những người đi trước. |
Trong một cuộc trò chuyện với các cán bộ, nhân viên nữ công tác tại Bộ Ngoại giao, bà Tôn Nữ Thị Ninh đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm của bản thân trong phát huy thế mạnh của nhà ngoại giao nữ.
Bài học Cương - Nhu
Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, trong vận dụng bài học Cương - Nhu khi làm công tác đối ngoại, không bao giờ được quên mình đang là đại diện cho Việt Nam. Đây là điểm tối quan trọng vì nếu quên sẽ rất dễ phạm sai lầm.
Bà kể lại: Năm 2004, Hội nghị cấp cao Á Âu được tổ chức tại Hà Nội. Lúc này, bà Ninh đang công tác tại Ủy ban Đối ngoại Quốc hội và được giao nhiệm vụ đi đón một vị nguyên thủ quốc gia cùng phu nhân tại sân bay Nội Bài. Vị phu nhân nguyên thủ này vốn có dòng dõi quý tộc châu Âu nên khá khó tính và có phần tự cao. Khi rời sân bay, theo thông lệ thì xe chở phu nhân sẽ có bảo vệ ngồi ghế trước, bà Ninh và vị phu nhân này sẽ ngồi ghế sau. Nhưng khi bà Tôn Nữ Thị Ninh vừa bước vào xe thì vị phu nhân nguyên thủ nói rằng: "Tôi có một bà bạn thân đi cùng Đoàn sang đây và tôi muốn bà ấy ngồi cùng xe cho đỡ bỡ ngỡ".
Lúc này, bà Tôn Nữ Thị Ninh đứng trước hai lựa chọn: Một là đi xe khác, hai là phải làm sao để không làm phật ý vị phu nhân kia mà vẫn không phạm vào quy tắc lễ tân ngoại giao là chủ và khách cùng ngồi ở ghế sau. Cuối cùng, bà Ninh quyết định giải thích cho vị phu nhân kia rằng đây là quy định về lễ tân của Việt Nam và nếu phu nhân vẫn muốn người bạn của mình ngồi cùng thì ba chúng ta sẽ ngồi ghế sau.
Suốt hành trình từ sân bay Nội Bài về Hà Nội, vị phu nhân nguyên thủ đeo kính râm và ngả đầu ra sau ghế như là đang ngủ, chỉ còn người bạn của phu nhân và bà Tôn Nữ Thị Ninh ngồi trò chuyện. Dù khá bực nhưng bà Ninh vẫn vui vẻ trò chuyện bình thường và giữ đúng nguyên tắc lễ tân. Còn người bạn của vị phu nhân thì khá ái ngại trước hoàn cảnh khó xử này và đỡ lời thay cho vị phu nhân rằng: "Tối qua, bà ấy vừa phải làm một chương trình truyền hình rất khuya nên hơi mệt nên chúng ta hãy chiều bà ấy một chút".
Khi về đến Hà Nội, bà Tôn Nữ Thị Ninh mới tìm hiểu kỹ hơn về vị phu nhân nguyên thủ và biết bà ấy rất mê đồ cổ. Vậy là trong những ngày Hội nghị cấp cao Á Âu diễn ra tại Hà Nội, bà Ninh đã bố trí để vị phu nhân kia đi tham quan một gian hàng đồ cổ. Vị phu nhân dòng dõi quý tộc này "tỉnh người" ngay lập tức khi được chiêm ngưỡng những món đồ cổ quý giá của Việt Nam. Ngay sau đó, trong chuyến tham quan cố đô Huế, khi cùng ngồi trên chiếc chuyên cơ nhỏ, vị phu nhân khó tính đã chủ động gợi chuyện với bà Tôn Nữ Thị Ninh bởi thấy người phụ nữ Việt Nam tháp tùng mình sử dụng tiếng Pháp và có vốn hiểu biết khá tốt nên "có cái để nói".
Khi rời Việt Nam, phút chia tay tại sân bay, vị phu nhân nguyên thủ đã không bắt tay một ai nhưng bất ngờ bước lại ôm hôn bà Tôn Nữ Thị Ninh và dặn: "Khi nào bà có dịp tới đất nước tôi thì nhớ báo cho tôi biết, chúng ta sẽ cùng uống trà".
Bài học quan sát
Trong tiếp xúc đối ngoại, bà Tôn Nữ Thị Ninh rất coi trọng việc tiếp thu những câu chuyện, bài học kinh nghiệm của các tiền bối, những vĩ nhân để áp dụng đối với bản thân trong những tình huống cụ thể. Bác Hồ đã dạy: Người làm đối ngoại phải luôn biết quan sát và tiếp thu. Cái gì chưa biết thì phải quan sát người khác để làm theo, nhưng cũng phải làm theo đúng người.
Nữ Đại sứ chia sẻ với các cán bộ nữ của Bộ Ngoại giao câu chuyện về Nữ hoàng Victoria: Buổi chiêu đãi của Nữ hoàng Anh hôm đó có một món hải sản phải dùng tay trực tiếp khi ăn. Khi các thực khách ăn tới món này, người phục vụ liền mang cho mỗi người một tô nước trà, trong đó có vài lát chanh để sau khi ăn xong món này, khách có thể rửa tay cho hết mùi tanh. Có một vị khách không biết điều này và nhầm tưởng tô nước trà là đồ uống nên đã bưng lên uống. Thấy vậy, Nữ hoàng Victoria cũng lập tức bưng tô nước của mình lên uống trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Những người còn lại trong bữa tiệc cũng bưng tô nước trà của mình lên uống. Với óc quan sát và xử lý tình huống rất khéo léo của mình, Nữ hoàng Victoria đã tránh để người khách mời của mình rơi vào một tình huống bối rối.
Nhân tố con người
Theo Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh, trong tiếp xúc và giao tiếp đối ngoại phải hết sức chú ý đến nhân tố con người để tránh những hiểu nhầm đáng tiếc. "Chúng ta quan tâm đến cá nhân người khác nhưng cần phải hiểu rõ về những điểm đặc biệt trong lý lịch, nhân thân của họ để tránh đẩy khách vào tình huống khó xử với những câu hỏi khó trả lời" - bà Ninh chia sẻ.
Kinh nghiệm của vị nữ Đại sứ gốc Huế khi tiếp xúc là nên gợi đúng niềm vui, niềm tự hào hoặc những sở thích của đối tác để tạo được cảm xúc tích cực. Bà kể, trong lần được vợ chồng Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam mời đến dùng cơm, bà có tìm hiểu và biết rằng phu nhân Đại sứ rất mê văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt là vẽ tranh. Vì thế, sau phần dạo đầu của bữa ăn với những câu chuyện thuộc lĩnh vực chính trị với Đại sứ, bà Ninh bắt đầu hỏi Phu nhân Đại sứ về chuyện vẽ tranh khiến Phu nhân rất thích. Tuy nhiên, theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, muốn tiếp chuyện được với các đối tác trên lĩnh vực nào thì bản thân cần phải có những hiểu biết nhất định về lĩnh vực đó thì mới có thể gợi chuyện và duy trì câu chuyện một cách hấp dẫn, thú vị.
Theo Đại sứ Ninh, dí dỏm và hài hước là một trong những lợi thế lớn mà người làm công tác đối ngoại cần phát huy. "Tuy nhiên, trước khi dí dỏm cần phải ý thức được trình độ ngoại ngữ của mình đã đủ để dí dỏm chưa vì đôi khi, bản thân thấy rất buồn cười nhưng khách không cười nổi vì họ không hiểu câu chuyện" - bà Ninh lưu ý.
Có vai trò quan trọng tương tự với sự dí dỏm trong các cuộc tiếp xúc ngoại giao, theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, đó là sự "tự nhiên có ý thức". Bà giải thích: "Tự nhiên không có nghĩa là vô tư. Đừng nhầm lẫn tự nhiên với vô tư. Người làm đối ngoại phải biết dung hòa khái niệm này để sao cho, bản thân hành động có ý thức mà không cứng nhắc, rất tự nhiên mà không thành vô tư, vô ý - đó chính là sự tự nhiên có ý thức. Để có được kỹ năng này, người làm đối ngoại phải tích lũy qua nhiều trải nhiệm và rèn luyện thường xuyên. Nếu tìm được phương pháp đúng và rút kinh nghiệm thường xuyên thì sẽ tiến bộ rất nhanh".
Bài học của bản thân
Điều mà bà Tôn Nữ Thị Ninh luôn tâm niệm là trong mọi tình huống, người làm công tác đối ngoại phải luôn bình tĩnh bên trong và mềm mại bên ngoài. Theo bà, cảm xúc bộc lộ không đúng lúc sẽ đẩy bản thân vào thế yếu. Vì thế, vẻ mặt của người làm đối ngoại phải luôn hết sức tự nhiên.
Là người có nhiều kinh nghiệm trong các cuộc tiếp xúc, nói chuyện với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đối với bà Ninh, không phải cuộc nào cũng suôn sẻ. Đôi khi, trong suốt lộ trình của chuyến công tác, những nhóm người Việt chống phá Nhà nước Việt Nam luôn theo sát, hô khẩu hiệu phản đối và họ đứng thành hàng rào hai bên đường mà Đoàn đi qua. Theo bà Ninh, những lúc như vậy, cần phải vận dụng tốt phương châm bình tĩnh bên trong và tự nhiên bên ngoài.
Việc bồi đắp kiến thức cho bản thân là việc làm cần duy trì thường xuyên, liên tục, dù ở bất kỳ độ tuổi, địa vị nào. Với bà, mỗi tình huống trong cuộc sống là một cơ hội để bản thân học được những cái mới, những cái chưa biết hoặc là cơ hội để kiểm tra xem bản thân đã thực hành tốt các bài học kinh nghiệm tương tự đã rút ra trước đó hay chưa.
Xây dựng một vốn quan hệ cá nhân tương đối là điều vô cùng quan trọng và luôn cần thiết trong hoạt động ngoại giao, đặc biệt là ngoại giao hiện đại. Bà chia sẻ: "Chúng ta không chỉ gây dựng mối quan hệ với những người giữ vị trí nào đó bởi họ sẽ chỉ như vậy trong từng thời điểm. Người làm ngoại giao phải xây dựng mối quan hệ với nhiều người, nhiều đối tượng để đến một thời điểm, một hoàn cảnh nào đó có thể sử dụng vào công việc khác, trên một địa bàn khác để phục vụ đất nước".
Kinh nghiệm của bà Ninh là luôn tận dụng tốt các cơ hội tiếp xúc trong các buổi chiêu đãi ngoại giao. Trước các buổi chiêu đãi, bà luôn chuẩn bị rất kỹ càng vì đây là cơ hội cơ hội quý, tiếp xúc được với nhiều đối tượng mà không tốn nhiều thời gian, công sức. Tại các buổi chiêu đãi, bà thường chỉ cầm một cốc rượu và tranh thủ trò chuyện với mọi người rồi sau đó về nhà mới dùng bữa.
Khánh Nguyễn (ghi)