📞

Nhà ngoại giao trong thời đại truyền thông xã hội

13:24 | 06/08/2017
Ngoại giao công chúng là thuật ngữ thông dụng được dùng từ nhiều thập kỷ trước, nhưng ngày nay nó được hợp nhất với một công cụ ngoại giao quan trọng khác – đó là truyền thông xã hội.

Không chỉ là một ngành nghề, ngoại giao còn là một nghệ thuật, được kế thừa và tích lũy qua hàng thế kỷ, từ việc xây dựng chế độ cho đến công cuộc gìn giữ nền hòa bình và giải quyết xung đột. Để làm tốt nhiệm vụ của mình, người làm công tác ngoại giao không chỉ cần trang bị tốt những kỹ năng chuyên môn mà còn cần có khả năng thích nghi nhanh chóng với sự thay đổi, phát triển của xã hội về nhiều mặt để làm tốt hơn nữa công việc của mình.

Ảnh minh họa: Nhà ngoại giao thời nay phải biết tận dụng các phương tiện truyền thông xã hội để truyền tải thông điệp. (Nguồn: The Wire)

Xu hướng mới

Trích dẫn quan điểm từ cuốn The Naked Diplomat của cựu Đại sứ Anh tại Lebanon, ông Tom Fletcher, hiện là giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế tại Đại học New York cho rằng, đây là thời kỳ mà mỗi công dân trên toàn cầu đều có thể tiếp cận tới các thông tin qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có internet. Chính vì vậy, các nhà ngoại giao cần điều chỉnh cách làm việc để thích ứng với yêu cầu hiện nay của thời đại kỹ thuật số, trong đó bao gồm cả việc biết triển khai các hoạt động ngoại giao trên phương tiện truyền thông xã hội.

Ngoại giao trong thời đại này đòi hỏi các nhà ngoại giao phải tương tác, kết nối con người tốt hơn. Chuyên gia an ninh quốc gia Australia Rory Medcalf chia sẻ, khi xuất hiện tin tức về một cuộc khủng hoảng hoặc một sự kiện nào trên thế giới, mọi người đều tìm đến các phương tiện truyền thông xã hội tiện dụng, tốc độ cao như là Twitter, blog, Facebook, YouTube… để giao lưu, chia sẻ thông tin một cách hiệu quả, vượt ra ngoài giới hạn về địa lý và thời gian.

Thế giới hẳn chưa quên bức ảnh chụp một sĩ quan cảnh sát bế trên tay cơ thể vô hồn của cậu bé Aylan 3 tuổi chết trên bờ biển tại Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ. Bức ảnh đó đã khiến cả thế giới bàng hoàng khi được lan truyền trên mạng xã hội và trở thành bức ảnh nóng nhất được chia sẻ trên Twitter qua hashtag #KiyiyaVuranInsanlik (Humanity Washed Ashore, tạm dịch: Tình người trôi dạt).

“Bức ảnh khiến thế giới chết lặng” này đã khiến mọi người quan tâm hơn tới một vấn đề vốn mang tính chất chính trị đó là cuộc nội chiến Syria và sự rời bỏ quê hương đi tìm miền đất hứa của hàng triệu con người, đồng thời cũng hối thúc các nhà lãnh đạo châu Âu nhanh chóng tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng.

Thế giới rộng lớn luôn tồn tại những vấn đề phức tạp, ở thời điểm hiện tại có thể kể đến vấn đề di cư, nội chiến, sự gia tăng chủ nghĩa dân túy, sự bùng nổ chủ nghĩa tôn giáo cực đoan... Việc lan truyền thông tin trên các phương tiện truyền thông xã hội ngày càng trở thành một mối đe dọa bởi rất khó có thể kiểm soát những luồng thông tin này. Đây có thể là một thách thức đối với các nhà ngoại giao khi đứng trước những phản ứng đa chiều của dư luận về một vấn đề chính sách cụ thể. Nhiều đại sứ quán của các nước tại nước ngoài cũng đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào các trang mạng xã hội nhằm tạo ra kênh tương tác mới với người dân, đăng tải những thông điệp chính thống giúp định hướng dư luận.

Thủ tướng Ấn Đô Narendra Modi đã rất thành công trong việc xử dụng mạng xã hội để truyền tải thông điệp tới công chúng. (Nguồn: Enosal)

Phong cách mới

Hiện nay, các nhà lãnh đạo cấp cao cũng đã sử dụng mạng xã hội để truyền tải thông điệp và tiếp cận gần hơn với người dân.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người hiện có 30 triệu người theo dõi trên tài khoản Twitter và hơn 42 triệu lượt "like" trên trang Facebook cho biết, mạng xã hội là một công cụ quan trọng trong công tác ngoại giao của ông.

Ông Modi cũng thường xuyên chia sẻ những bức ảnh và bài viết cá nhân từ những cuộc họp hoặc sự kiện. Những gì ông chia sẻ trên mạng xã hội đều mang theo phương châm là xây dựng cầu nối và các mối quan hệ ngoại giao, theo một cách phi chính thống. Những bức ảnh tự chụp của ông Modi như một nhật ký điện tử được chia sẻ rộng rãi trên các mạng xã hội. Chúng mang theo thông điệp rằng Ấn Độ đang hướng ngoại và sẵn sàng gánh vác trách nhiệm của một cường quốc. 

Người đứng đầu siêu cường số một thế giới - Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí còn ấn tượng hơn khi cho biết hiện nay ông có hơn 100 triệu người theo dõi trên Twitter, Facebook và Instagram. Ông thường sử dụng trang mạng xã hội Twitter như một loại “siêu vũ khí” của ngoại giao khi đưa ra những lời phát biểu thể hiện quan điểm cá nhân trước một vấn đề. Và điều đặc biệt là tất cả những phát ngôn của ông (dù phù hợp hay không) đều thu hút sự chú ý của mọi thành phần xã hội, được giới chuyên gia đem phân tích kỹ càng bởi trong mỗi lời ông nói đều có “nghệ thuật hàm ý” nhất định. Theo tờ JoongAng của Hàn Quốc, Bộ Ngoại giao nước này thậm chí đã từng chỉ định một viên chức có trách nhiệm theo sát các bình luận của ông Trump trên Twitter để nắm bắt kịp thời các quan điểm và chính sách đối ngoại của ông.

Nhìn chung, sự xuất hiện của các nhà lãnh đạo trên mạng xã hội là một ví dụ mạnh mẽ về cách ngoại giao kỹ thuật số kết nối chính phủ với người dân. Theo Twiplomacy, các nhà lãnh đạo thế giới theo dõi nhất trên Twitter có một điểm chung là họ coi Twitter là công cụ truyền thông tuyệt vời.

(theo The Wire, The Indian Express)