Trong khi tiếng súng vẫn nổ ra rải rác, Murakami xuất hiện trên sân khấu với bài diễn văn nhận giải mộc mạc và sâu sắc. Murakami cho biết ông đã suy nghĩ về việc dự Lễ trao giải có thể tạo ra ấn tượng rằng ông ủng hộ chính sách sử dụng quyền lực quân sự áp đảo của Israel. Một nhóm người ủng hộ Palestine ở Nhật Bản đã đề nghị Murakami không nhận giải như một sự phản đối cuộc tấn công Gaza của Isael. Nhưng như ông nói: Nếu người ta bảo tôi, nhất là khi họ dọa tôi “Đừng đến đấy”, “Đừng làm chuyện ấy”, thì tôi lại muốn “đến đấy” và “làm chuyện ấy”.
Murakami đã so sánh “Hệ thống” với một bức tường. “Hệ thống vốn là để bảo vệ chúng ta, nhưng thỉnh thoảng… nó bắt chúng ta phải giết hại người khác một cách lạnh lùng, hữu hiệu và có hệ thống”. Theo ông, oanh tạc cơ, xe tăng và tên lửa ở Gaza là “bức tường cao, kiên cố” còn những thường dân không vũ trang - nạn nhân của các cuộc tấn công kia chỉ là “quả trứng đập vào bức tường”. “Tôi sẽ luôn luôn đứng về phía quả trứng”, tuyên bố của Murakami - phát ra từ nơi là trung tâm của xung đột Trung Đông - đã truyền tải thông điệp rằng ông tin tưởng mạnh mẽ vào lòng nhân đạo.
Murakami nổi tiếng thế giới với Rừng Na Uy, Biên niên ký chim vặn dây cót, Bộ ba chuột, Lắng nghe gió hát, Pinball, Săn cừu hoang, Người tình Sputnik, Kafka bên bờ biển... Các tác phẩm đã được dịch ra hơn 40 thứ tiếng. Trong bộ sưu tập giải thưởng phải kể đến giải học thuật Kuwabara Takeo, giải truyện ngắn quốc tế Frank O’Connor, giải Franz Kafka, giải Asahi... Nhưng như ông nói, “tôi chẳng mấy quan tâm đến bất kỳ giải thưởng nào. Giải thưởng đích thực của tôi là độc giả, những người đang mong chờ tác phẩm kế tiếp của tôi". |
Murakami cũng nói về người cha qua đời năm ngoái, thọ 90 tuổi. Khi còn là đứa trẻ, ông nhìn thấy cha ông, vốn bị trưng binh và gửi sang chiến đấu ở Trung Quốc, trước bàn thờ Phật nhỏ vào mỗi buổi sáng, cầu nguyện cho những người đã chết, cả đồng minh lẫn quân địch. Murakami cảm thấy sự hiện diện của cái chết qua người cha. “Đó là một trong rất ít điều mà tôi thừa kế được từ ông ấy, và là một trong những điều quan trọng nhất”, ông nói.
Trên thực tế, bài phát biểu đầy ắp phép ẩn dụ đó được tán thưởng rộng rãi. Murakami không giấu sự ngạc nhiên khi nhìn thấy đông đảo phóng viên tới về Lễ trao giải... Tờ Jerusalem Post đưa đậm tin: “Murakami, theo sự khó hiểu đã thành thương hiệu, giải thích vì sao ông chấp nhận giải thưởng Jerusalem”.
Trong thời gian ở Israel, Murakami xuất hiện rất ít trong các cuộc phỏng vấn với báo chí địa phương. Trên tờ Yediot Aharonot, Murakami thẳng thắn nói về chính mình. Cha mẹ ông là giảng viên môn văn học Nhật Bản và rất hay nói về nó. Ông lại ghét chủ đề này, nên bắt đầu đọc những tác phẩm văn học phương Tây được dịch sang tiếng Nhật.
Murakami cũng nói rằng, ông định cư ở Mỹ bởi Nhật Bản “làm mệt mỏi và gây sức ép” cho ông. “Đó là một xã hội rất hạn chế và đồng nhất – 120 triệu người đều giống như một người”. Tuy nhiên, ông đã quyết định trở về quê hương sau trận động đất Great Hanshin năm 1995 đã phá hủy nhà của cha mẹ ông.
Khi được hỏi tại sao ông không thích phỏng vấn, Murakami viện dẫn kinh nghiệm khi ông là chủ CLB nhạc jazz. “Mỗi tối, tôi phải nói chuyện với các khách hàng… Trong 7 năm đó, tôi nói đủ cho cả cuộc đời. Sau đó, tôi thề với chính mình rằng tôi sẽ không nói chuyện với những người mà tôi thực sự không muốn nói chuyện”.
Murakami không có con bởi ông quá bận viết lách và du lịch. “Những độc giả là các con của tôi”. Về vợ mình, bà Yoko, ông nói, “cô ấy là một biên tập viên rất nghiêm khắc, người đưa ra nhiều nhận xét (chỉ trích)”.
Trong khi đó, tờ Haaretz đăng một bức ảnh Murakami và vợ ông đang ăn tại một nhà hàng hải sản với những người liên quan đến Giải Jerusalem. Theo tờ này, Murakami “rất lịch sự, ông xem mực rượu trong ly của mọi người và kín đáo rót đầy vào”. Ngoài ra, ông còn hỏi mọi người về thời thơ ấu của họ...
...jazz và cái hang
Ông thấy mình là nhà văn Nhật Bản ở mức độ nào?
Tôi sinh ra ở Nhật Bản và chủ yếu sinh sống ở đây. Tôi tư duy bằng tiếng Nhật Bản và viết bằng chữ Nhật. Dù vậy, tôi quan sát mọi thứ một cách tổng thể.
Chẳng hạn, các nhân vật của tôi thường rất thích đậu phụ. Giả sử một độc giả Na Uy đọc thấy điều đó và nghĩ “gã này thích đậu phụ”. Anh ta có thể không biết đậu phụ là gì nhưng vẫn có thể hiểu được cảm giác của nhân vật.
Nhạc jazz ảnh hưởng thế nào tới cách viết của ông?
Tôi làm chủ một CLB jazz và nghe nhạc jazz từ sáng tới tối. Tôi đánh giá cao sự nhịp nhàng và sự ngẫu hứng. Một nhạc sĩ giỏi không biết những gì sẽ xảy ra tiếp sau đó. Đó là sự bất ngờ. Khi tôi viết tiểu thuyết hay truyện, tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Tại sao ông kể những câu chuyện có yếu tố huyền bí?
Sự huyền bí và sức mạnh của một câu chuyện có thể động viên và lôi cuốn bạn. Trong thời tiền sử, bên ngoài cái hang là bóng tối nhưng bên trong, con người có ngọn lửa và ai đó rất giỏi kể chuyện.
Mỗi khi viết, tôi nghĩ về cái hang. Chúng ta là một nhóm, ngoài kia trời tối và đàn sói đang kêu hú, nhưng tôi có câu chuyện để kể.
(Theo Time) |
Nguyễn Hoàng