📞
Sổ tay văn hóa Đông - Tây

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Chấm phá văn học cổ La Mã (Kỳ 2)

HỮU NGỌC 18:20 | 05/12/2020
TGVN. Văn học cổ đại Hy Lạp-La Mã thể hiện chủ nghĩa nhân văn, nghĩa là thừa nhận giá trị con người, thiết tha với cuộc sống trần gian. Là nền văn học cổ nhất châu Âu, nó tạo ra nhiều hình thức và thể loại văn học sẽ là khuôn mẫu sau này.

Lukretius Carus Titus (98-55 TCN)

Là nhà thơ và nhà triết học. Ông để lại tác phẩm Về bản chất sự vật.

Về bản chất sự vật là thi phẩm triết học gồm 7.000 câu thơ. Trong đó, tác giả trình bày triết học nguyên tử về tự nhiên của Epicuros và Demokritos, nhằm thuyết phục con người chớ sợ thần minh và cái chết. Tác phẩm có sáu quyển, với các nội dung chính :

- Mọi vật đều tạo thành bởi những hạt nguyên tử vĩnh viễn vận động trong không gian vô tận; Thế giới vật chất hình thành do những nguyên tử sáp nhập vào nhau; Tinh thần và linh hồn cũng là kết quả sắp xếp tế nhị hơn của nguyên tử. Khi chết, linh hồn biến mất do các nguyên tử rời nhau ra; Những cảm giác, cảm xúc, tư duy là kết quả của những hình ảnh do các bề mặt ngoại diện phát ra; Thế giới được tạo ra do một sự ngẫu nhiên của nguyên tử; Luận thuyết nguyên tử này có thể giải thích tất cả các hiện tượng tự nhiên. Tác giả khuyên nên tìm sự thanh thản của tâm hồn và phê phán ước vọng giàu sang.

Marcus Aurelius Antoninus

Là hoàng đế nhưng đồng thời cũng là một triết gia. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Suy nghĩ.

Suy nghĩ là tập ghi chép (kiểu nhật ký) viết bằng tiếng Hy Lạp cổ, không có ý định để xuất bản (lần đầu tiên cuốn sách ra mắt độc giả là vào năm 1599 ở Zurich). Có thể Hoàng đế La Mã Marcus Aurelius ghi lại trong mười năm cuối đời. Tuy yêu hòa bình, vị hoàng đế triết gia này phải tham gia nhiều cuộc chiến chinh. Tập Suy nghĩ trình bày triết học bi quan của trường phái khắc kỷ Hy Lạp Stoa, nhất là của Epiktetos: con người phải sống theo trật tự sẵn có của vũ trụ, phải làm chủ được bản thân để lúc nào cũng thấy thanh thản.

Ovidius Naso Publius (43-18 TCN)

Là nhà thơ chuyên viết về tình yêu và huyền thoại. Ông có hai tác phẩm để đời là Nghệ thuật yêu và Hóa thân.

Nghệ thuật yêu được biết đến như một thi phẩm đã gây bê bối khi xuất hiện, vì tác giả dạy người ta về cách yêu đương (như thể tình yêu là một môn học). Ông trình bày chiến lược, chiến thuật tình yêu, những phương pháp chinh phục và giữ người yêu.

Trong ca khúc một, ông giới thiệu những cơ hội để chinh phục phụ nữ: những nơi nào có thể gặp gỡ (rạp hát, đền thờ, nơi tắm biển), những quan hệ cần đặt để bao vây... Nguyên tắc chiến lược chủ yếu là: làm ra bộ say mê, đồng thời luôn luôn phô tài năng của mình.

Ca khúc hai nêu lên phương pháp xử sự với người tình để giữ lấy mối tình; cần biết cách làm cho mình trở nên cần thiết (quà cáp, thư từ, tính tình vui vẻ...). Có dịp thì nên đi với cô gái khác nhưng chớ có khoe. Trong ca khúc ba, tác giả dạy phụ nữ: cần trang điểm làm đẹp, nhưng tránh đừng làm điều ấy trước mặt chàng.

Cứ việc quyến rũ chàng khác, phải thay đổi chiến thuật tùy theo tuổi, tính tình, mức say mê của đối tượng. Nói cho cùng thì nội dung không có gì đặc biệt, nhưng tác phẩm có giá trị ở chỗ tác giả miêu tả cả phong tục đương thời và phân tích tâm lý khá tế nhị.

Hóa thân là tuyển tập thơ tiếng Latin gồm 15 quyển, khoảng 250 truyện ngụ ngôn, kể về chuyển hóa của những anh hùng thần thoại thành cây cỏ, động vật và khoáng vật. Chuyện kể từ thời hỗn mang đến khi Đế chế La Mã toàn thịnh, trong đó có đề cập cảnh Caesar biến thành một ngôi sao.

Petronius Arbiter Caius hay Titus (thế kỷ I TCN)

Là nhà văn trào phúng với tiểu thuyết nổi tiếng Satyricon.

Satyricon là tiểu thuyết trào phúng bằng văn xuôi tiếng Latin, có xen thơ. Chỉ còn giữ lại được có từng đoạn ngắn, tổng cộng bằng một phần nguyên bản. Thật ra, tác phẩm không có hành động theo quan niệm tiểu thuyết cổ điển. Tác giả (ít được biết về tiểu sử) miêu tả những cuộc phiêu lưu của một nhân vật trác táng, phê phán thói hư tật xấu đương thời; đồng thời, chỉ trích tất cả các hoạt động của con người (triết học phù phiếm, bọn hãnh tiến nực cười, nhân dân khổ cực, triều đình lố lăng).

Phần một (chương 1-26) thảo luận về văn chương và hùng biện. Phần hai (chương 27-78) chế nhạo một người mới làm giàu, tầm thường, khoe khoang. Phần cuối (chương 79-141) thảo luận về sự suy thoái của nghệ thuật; kể chuyện người Hy Lạp lấy thành Troia, và mấy chuyện khác (cuộc đắm tàu của ba tên đểu cáng là những nhân vật chính).