📞
Sổ tay văn hóa Đông - Tây

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Một thoáng văn học Tây Ban Nha (kỳ 3)

HỮU NGỌC 09:00 | 18/07/2021
Văn học Tây Ban Nha bao gồm các thể loại văn học như thơ, văn xuôi và kịch, trong đó nhiều tác giả, tác phẩm nổi tiếng thế giới.

Garcia Lorca Federico (1898-1936) là nhà thơ Tây Ban Nha hiện đại nổi tiếng nhất và nhà viết kịch có tư tưởng tiến bộ, nhân đạo. Ông thuộc “Thế hệ 27”, bị hạ sát khi nội chiến bùng nổ.

Tác phẩm: Thơ dân ca Gitano (1928), Ca khúc miền Andalusia (1931), Nhà thơ ở New York (1929), Khóc thương Ignacio Sánchez Mejías (1935), Hôn nhân đẫm máu (kịch diễn năm 1933), Yerma (diễn năm 1934) và Nhà Bernarda Alba(1936).

Thơ dân ca Gitano là tập thơ xuất bản thứ hai của nhà thơ Garcia Lorca, gồm 18 bài kể chuyện Ballads. Tác phẩm này khiến cho tác giả nổi tiếng ngay (được dịch ra tiếng nước ngoài), nhưng đồng thời cũng khiến cho ông được đặt tên là “Nhà thơ Di-gan” (dân Di-gan thuộc những bộ lạc đi lang thang ở châu Âu).

Garcia Lorca kết hợp thể romancero truyền thống với chất biểu tượng hiện đại để thể hiện. Luận điểm chủ yếu của nhiều tác phẩm của ông là: khi đam mê mà tình dục bị nén xuống, nó trở thành hung hăng. Ông gắn liền tình yêu và cái chết. Mỗi bài romancero là một tấn kịch nhỏ, có khi hoàn toàn nội tâm, đậm đà màu sắc văn hóa dân gian.

Nhà thơ ở New York là một tập thơ mang dấu ấn siêu thực mạnh mẽ nhất của Garcia Lorca, nói lên cảm tưởng xáo trộn của một người sống với nông thôn và văn hóa cổ truyền khi bị va chạm với sinh hoạt hiện đại công nghiệp hóa.

Trong tập này, ông bỏ bớt một số đề tài dân gian, đưa vào những hình ảnh táo bạo, nhiều khi khó hiểu, và một số kỹ thuật siêu thực (ghép từ một cách bất ngờ, sử dụng hình ảnh đột ngột). Ông tố cáo nền văn minh hiện đại mất nhân tính. Hai bài thơ nổi tiếng nhất là Thơ ca ngợi Walt Whitman và Thơ ca ngợi Vua Khu da đen Harlem.

Hôn nhân đẫm máu là bi kịch ba màn, có phong cách vừa trữ tình, vừa hiện thực, chứng tỏ tài năng của nhà thơ và đồng thời là nhà soạn kịch. Nội dung nêu lên tính chất Định mệnh của những con người bị dục vọng thôi thúc, và quan niệm cay nghiệt về danh dự theo truyền thống Tây Ban Nha.

Chuyện kể về một đêm tân hôn, cô dâu trốn đi với người yêu cũ (hai bên không lấy được nhau do bố cô ngăn cản, anh đi lấy vợ khác, nhưng mối tình không dứt được). Chú rể đuổi theo, giết được tình địch, nhưng cũng chết vì bị thương nặng.

Yerma là bi kịch ba màn sáu cảnh, phân tích sự xung đột giữa những bản năng mạnh mẽ và thầm kín. Yerma là một cô gái nông thôn lành mạnh, lấy Juan chỉ cốt có con. Nhưng mãi cô vẫn không có con, có thể do chồng không có khả năng. Vả lại, chồng cô chỉ thích thú dục tình, không thấy có nhu cầu có con. Vợ thì cảm thấy nhu cầu ấy gần như bị ám ảnh.

Tuy biết là vợ không có ngoại tình, chồng vẫn mời hai chị đến để canh giữ vợ, khiến cho vợ càng cảm thấy khắc khoải. Được tin trong núi có một tu viện có thể đến cầu tự được, Yerma đi hành hương, nhưng Yerma thấy đó chỉ là một ổ trác táng. Vừa lúc đó, chồng tới và đinh ninh là được hưởng một cuộc hoan lạc với vợ, Yerma cảm thấy hoan lạc trong lúc đó là có tội với Chúa. Yerma bóp cổ chồng chết.

***

Quevedo Y Villegas Francisco Gomez de (1580-1645) là nhà thơ trào phúng, ông chỉ trích cay độc thói hư tật xấu và viết cả tiểu thuyết giang hồ.

Tác phẩm: Tên trùm lừa đảo hay Truyện cuộc đời tên Buscón (1626), Những ảo ảnh (1627).

Tên trùm lừa đảo hay Truyện cuộc đời tên Buscón là tiểu thuyết giang hồ. Nhân vật chính là Don Pablo, con một gã thợ cạo trộm cắp và một mụ bói toán, cháu một tên đao phủ.

Ngay từ khi đi học, hắn đã học được đủ thói ranh ma. Lớn lên, hắn lăn lộn với đủ hạng người, lang thang khắp nơi và làm đủ nghề (kép hát, bạc bịp, ma cô...) và cuối cùng trốn đi châu Mĩ với một ả giang hồ.

Những ảo ảnh là tập truyện trào phúng của Quevedo. Tác giả kể lại những chuyến xuống Âm phủ, qua đó, ông phê phán những con người và thể chế xã hội đương thời. Trong truyện Nằm mộng xuống Âm phủ, nhà văn thấy hai con đường: con đường hẹp, đầy gai góc của cuộc sống, và con đường rộng thênh thang xuống Âm phủ rất đông người (thợ may, người bán sách, bọn nịnh hót, bọn bán thuốc, gái nợ dòng...).

Truyện Hậu trường xã hội miêu tả Phố giả đạo đức, những tai họa của lừa lọc. Truyện Mộng thần chết có tính chất mỉa mai cay độc: tác giả đi theo Thần Chết, gặp một lũ thầy thuốc, kẻ nhổ răng, thợ cạo, kẻ bịp bợm... Tới Âm phủ, Thần Chết thiết triều (có những nhân vật như Vô ơn, Bất hòa, Nguyền rủa...). Đó là một số truyện tiêu biểu trong tác phẩm Những ảo ảnh.